Rất đáng sợ. Đó là ba từ có thể dùng để dễ dàng miêu tả về Insidious: Chapter 3 (Quỷ quyệt 3), phần mới nhất trong loạt Insidious nổi tiếng. Leigh Whannell hoàn toàn tách biệt khỏi ảnh hưởng của James Wan ở 2 phần trước, mà tạo ra một không khí và cách tiếp cận hoàn toàn mới, nhiều tình cảm hơn, trực diện hơn, và phần nào đó, đen tối hơn.
Rất nhiều khác biệt có thể dễ dàng nhận ra giữa Wan và Whannell, hai người bạn thân thiết đã cùng nhau tạo nên thành công của cả loạt phim kinh dị này. Khi ấy, Whannell là biên kịch, còn Wan làm đạo diễn. Insidious gây được tiếng vang phần nhiều nhờ vào tư duy điện ảnh độc đáo của vị đạo diễn gốc Á. Không chỉ hù dọa người xem rất chắc tay, anh còn tạo ra một thế giới bên kia “The Further” (Cõi Vô Định) vừa gây sợ hãi vừa gợi tò mò. Một thế giới tồn tại ngay trong ngôi nhà chúng ta, nhưng u tối và chứa đầy những linh hồn tà ác.
Insidious 3, lần này, được trao lại cho Whannell, không đi ngoài những công thức chung ấy. Vẫn là về một linh hồn bị quỷ ám, cô bé tuổi teen Quinn (Stefanie Scott) trong khi cố gắng liên lạc với người mẹ đã mất, đã bị một thực thể siêu nhiên đeo bám. Vẫn xoay quanh nhân vật “bà đồng” Elise (Lin Shaye), người phải du hành vào Cõi Vô Định để cứu lấy cô. Vẫn là những buổi gọi hồn rợn tóc gáy và những con quỷ đáng sợ lần lượt xuất hiện. Insidious 3, như lời thông báo trước đó của Whannell, vẫn là cùng một thế giới và có chung không khí của cả loạt phim.
Nhưng nếu như Wan thường tiếp cận bộ phim theo hướng truyền thống, và luôn mang một không khí xưa cũ đặc trưng (kể cả ở các phim khác như The Conjuring hay Dead Silence), thì phim của Whannell lại mang hơi thở hiện đại và trẻ trung hơn. Vì nhân vật chính là một cô gái trẻ, người xem có thể thấy những vật dụng hiện đại như smartphone, Macbook, những tấm poster ca sĩ, ban nhạc trẻ… xuất hiện khắp nơi. Đó cũng là một thế giới thiếu niên gần gũi, với các mối quan hệ tình bạn, tình yêu, sự hoang mang về tương lai, và bất đồng với cha mẹ, được Whannell miêu tả một cách chân thực. Rõ ràng, Insidious 3 là một phim hướng đến những nhóm khán giả trẻ tuổi hơn là các fan kỳ cựu.
Tuy nhiên, không vì thế mà Whannell tỏ ra “nhẹ tay” trong các màn hù dọa. Về mặt này, nhiều người đã tỏ ý nghi ngờ về khả năng của anh, trước khi phim ra mắt, một phần vì Wan đã làm rất tốt trước đó. Hai phần trước là hai cách hù dọa rất khác nhau của Wan, phần đầu là tạo sự ám ảnh và ghê sợ, còn phần hai là tiếp cận trực diện và đầy bạo lực. Whannell, không hề có ý muốn vượt lên hay tạo ra điều gì mới mẻ, mà kết hợp cả hai thế mạnh này và sắp xếp khá khéo léo, để tạo ra những cảnh phim kinh hoàng trên màn ảnh. Insidious 3 vẫn có những màn jumpscare bất ngờ, choáng váng (cảnh trên đường phố của Quinn), vừa có những cảnh hành động bạo lực gây sốc, dù là xảy ra với một thiếu niên. Dường như Whannell rất hiểu và có thể áp dụng thành thạo những gì Wan đã làm trước kia. Nếu phải so sánh về độ đáng sợ, thì phần phim này không hề thua kém một chút nào so với hai phần trước.
Vẫn có đôi chút bỡ ngỡ đối với Stefanie Scott, nữ diễn viên trẻ với vai chính quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp. Bề ngoài xinh xắn, dễ thương và thu hút, nhưng diễn xuất chỉ ở mức tròn vai, với những biểu cảm sợ hãi không thật sự thuyết phục. Nhất là nếu so sánh với Maika Monroe trong bộ phim cùng thể loại ra mắt trước đó là If Follows. Nhưng ở nửa sau phim, người xem hẳn sẽ thích thú với một chân dung rõ ràng hơn về Elise. Đây là phần phim sẽ giới thiệu hoàn cảnh, nguyên do, và những đấu tranh nội tâm của “bà đồng” này, với một vài chi tiết gợi đến vụ án gia đình nhà Lambert. Shaye vẫn cho thấy sức hút đặc biệt của bà với vai diễn này, và hẳn những nhà sản xuất đang tiếc nuối vì đã “lỡ” để nhân vật Elise chết trong phần 1. Và sẽ là một bất ngờ thú vị, có thể kèm theo tiếng cười, đang chờ đợi người xem khi bà đối mặt với kẻ thù cũ – “Cô dâu áo đen” ở Cõi Vô Định.
Một điểm trừ nhỏ là thế giới bên kia, Cõi Vô Định, được thể hiện không quá ấn tượng ở trường đoạn Elise gọi hồn. Có thể vì người xem đã quen sau hai bản phim trước, nhưng lý do dễ thấy nhất, là không có gì đặc biệt đáng để chờ đợi ở đó. Đây vẫn là khía cạnh mà Wan làm tốt hơn rất nhiều, khi tạo ra một không gian kỳ quái, rùng rợn, và huyễn hoặc như một cơn ác mộng khi nắm quyền chỉ đạo. Whannell chỉ có thể đưa người xem trở lại nhìn ngắm đôi chút, chứ chưa thể “bắt” họ phải nhập tâm, hồi hộp, và thật sự thấy mình đang ở đó. Và con quỷ nguy hiểm nhất với cái tên khá đáng sợ “Gã không thể thở”, lại có phần hơi mờ nhạt, và mất hút dần sau những cảnh mở đầu khá ấn tượng.
Insidious 3 có đôi chút đuối hơi khi đi vào đoạn cuối. Nhưng bù lại, bộ phim có được những giây phút lắng đọng với thông điệp về tình cảm gia đình, về việc đối mặt với những sự mất mát. Đây cũng là một điểm khác biệt, khi Whannell đã dành nhiều công sức để xây dựng và khắc họa một thông điểm rõ ràng. Anh từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn trước đó rằng, suy cho cùng, chủ đề chính của mọi bộ phim kinh dị đều là về cái chết, về việc con người phải chiến đấu, vượt qua, hoặc thừa nhận cái chết. Sự ra đi của một người thân yêu là điều không tránh khỏi, nhưng luôn rất khó khăn để bước tiếp, nhất là với độ tuổi mới lớn vốn mong manh và lạc lõng. Insidious 3 thể hiện rằng đó cũng là một cuộc chiến, để không bị nỗi đau nhấn chìm, để học cách cho đi và lớn lên.
Chưa thể nói rằng Insidious 3 là một phim xuất sắc hoặc hay hơn 2 phần trước, nhưng là một sự kế thừa gọn gàng và xứng đáng với những gì mà cả Wan và Whannell đã tạo ra. Một phim đáng sợ và đáng xem, và vẫn hơn một bậc so với mặt bằng chung phim kinh dị ở hiện tại, mùa hè 2015 này.