Trung QuốcVề hưu với mức lương đủ cao để sống thoải mái nhưng tất cả đều bất ngờ vì Vi Tư Hạo vẫn tặn tiện hết mức và ngày ngày đi nhặt rác khắp thành phố.
Vi Tư Hạo sinh năm 1938 ở thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang. Năm 19 tuổi ông đỗ vào khoa tiếng Trung trường Đại học Hàng Châu và trở thành giáo viên cấp 2 khi tốt nghiệp.
Trong hàng chục năm dạy học, Vi Tư Hạo gặp nhiều học sinh có năng lực nhưng do hoàn cảnh khó khăn buộc phải nghỉ học. Chứng kiến nhiều em chia tay thầy cô, bạn bè trong nước mắt vì không thể tiếp tục học hành, trái tim ông quặn thắt.
Vi Tư Hạo quyết định trích tiền lương eo hẹp của mình giúp cho một số học sinh nghèo trong trường. Vì số tiền ít ỏi, lại phải nuôi vợ con nên cũng chỉ giúp được vài người.
Năm 1999, trước khi nghỉ hưu, thầy giáo Vi tìm gặp hiệu trưởng ngôi trường mình đang công tác, bày tỏ mong muốn thành lập quỹ học bổng giúp đỡ học sinh có thành tích tốt nhưng không thể đến trường. Tuy nhiên, vẻ ngoài giản dị lại có phần khắc khổ khiến vị hiệu trưởng không tin ông có tiền giúp đỡ bọn trẻ. Sau khi bị từ chối, Vi Tư Hạo đành rời đi, mang theo sự tiếc nuối.
Khi về hưu, dù mức lương hàng tháng là 5.600 tệ (20 triệu đồng) nhưng Vi Tư Hạo vẫn quyết định đi nhặt rác. Việc làm này của ông khiến ba cô con gái cũng như người thân quen cảm thấy bất ngờ. Họ xì xào, chê trách con cái bất hiếu nên bố mới phải làm việc cực nhọc khi ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi. Ngay lập tức một cuộc họp gia đình được triệu tập. Những đứa con muốn đón bố về sống cùng để tiện chăm sóc, nhưng Vi Tư Hạo kiên quyết từ chối.
Hàng ngày người đàn ông này vẫn đi nhặt rác quanh thành phố và những khu vực lân cận. Ông sống một mình trong căn nhà cũ. Nhiều lần các con đề nghị sửa nhà nhưng Vi Tư Hạo không đồng ý, yêu cầu họ đừng lãng phí vì căn nhà hiện tại vẫn đủ tốt.
Mọi việc cứ thể diễn ra cho đến năm 2014, một phóng viên bắt gặp Vi Tư Hạo đọc sách tại thư viện Hàng Châu. Trong bài báo, người phóng viên này miêu tả, gặp ông già ngoài 60 tuổi, sau lưng vác một túi đồ lỉnh kỉnh chai nhựa, giấy vụn bước vào thư viện. Trước khi mượn sách, ông Vi cất đồ đạc gọn gàng, đi đến bồn nước rửa tay sạch sẽ rồi mới cầm sách.
“Không thể ngờ, một người đàn ông nhặt rác lại nâng niu và trân trọng sách đến như vậy”, người phóng viên chụp hình Vi Tư Hạo và viết những gì mình chứng kiến. Những nhân viên thư viện cho biết, ông không bao giờ đọc tạp chí mà chỉ quan tâm đến báo tin tức, sách văn học và lịch sử. Ông nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc.
Dù vậy, khi đó ai cũng nghĩ Vi Tư Hạo chỉ là một người nhặt rác yêu sách. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn lấy bức ảnh ông đọc sách trong thư viện Hàng Châu để truyền cảm hứng cho con cái. Rất ít người biết, ông Vi là một giáo viên về hưu với mức lương đủ cao để có thể sống an nhàn.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, nói về thói quen đọc sách, ông Vi cho biết: “Khi về già não sẽ teo đi, tôi phải thường xuyên nạp năng lượng, rèn luyện trí não bằng cách đọc sách. Đây cũng là chỗ dựa tinh thần của tôi”.
Ngày 13/12/2015, trên đường đi nhặt rác, ông bị một chiếc xe ô tô đâm phải. Sau gần một tháng nằm viện, người đàn ông này qua đời vì vết thương quá nặng.
Sau khi lo xong tang lễ, các con ông về nhà thu dọn đồ đạc. Trong căn nhà của bố, chỉ có một chiếc phản và dăm ba chiếc ghế, còn lại trống trơn. Con gái lớn của ông Vi từng chất vấn bố vì sao lương hưu cao mà lại sống tằn tiện như vậy. Ông trả lời: “Một mình, cần gì phải nhiều đồ. Cứ thấy thoải mái là được”.
Cô con gái chia sẻ, có lần nhìn thấy một vết thương dài tóe máu dưới chân bố. Khi hỏi ông trả lời bị ngã khi đi lên bậc cầu thang ở thư viện. “Có người phụ nữ thương tình đưa ông đến bệnh viện. Nhưng đến đó, ông chỉ mua bông băng và thuốc rồi rời đi”, người con kể.
Biết chuyện, con gái đã tranh cãi với cha. Cô trách cha mình không biết thương lấy bản thân, sống nghèo sống khổ, lại để mang tiếng cho con cháu. Ngay cả khi ông qua đời, cô cũng không ngừng trách cứ: “Nếu cha tôi không đi nhặt rác mà về các con phụng dưỡng, có thể ông đã không chết đau đớn như thế”.
Tuy nhiên, khi dọn dẹp nhà, ba cô con gái nhìn thấy một chiếc hộp sắt, trong đó chứa rất nhiều giấy tờ biên nhận và thư từ. Lúc này họ mới hiểu, 21 năm qua, ông Vi đã nhận đỡ đầu cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Theo giấy biên nhận, Vi Tư Hạo đã gửi tiền từ năm 1994 với cái tên Ngụy Đình Triệu. Những năm qua, ông thường giữ liên lạc với những đứa trẻ được mình bảo trợ. Khi bọn trẻ gửi thư tâm sự, ông cũng kiên nhẫn hồi đáp.
Trong chiếc hộp sắt, còn có một biên bản hiến xác của người đàn ông này. Vi Tư Hạo mong muốn, sau khi chết, sẽ hiến tặng những gì còn lại của mình cho những người khó khăn.
Khi biết sự thật, ba con gái của ông Vi quyết định kêu gọi bạn bè, người quen biết quyên góp tiền làm tiếp những việc mà người cha đang dang dở. Nhiều người đề nghị tạc tượng ông.
Ngày nay, khi đến thư viện Hàng Châu, mọi người sẽ nhìn thấy bức tượng của Vi Tư Hạo ngay từ khi bước chân vào cửa. Dưới bức tượng này có khắc dòng chữ: “Ông đã ra đi nhưng tinh thần của ông vẫn mãi ở lại” của một giáo sư nổi tiếng tại Đại học Chiết Giang.
Vy Trang (Theo sohu)