Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Nỗi buồn làng cốm

Rate this post

Hà NộiAnh Nguyễn Thạch Hậu dập lửa hai lò rang thóc, chuẩn bị giã mẻ cuối, không quên nhắc con trai cất 60 kg cốm non vừa giã vào tủ đông.

Lúc này mới là 8h sáng. “Chưa năm nào nhà tôi phải tắt lò sớm như thế này. Cốm làm ra chẳng ai mua, tủ đông cũng đã đầy”, anh Hậu, 49 tuổi, ở Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm nói. Gia đình anh đã có 6 đời theo nghề này.

Các năm trước, mỗi lần vào mùa, xưởng sản xuất của anh thường phải làm liên tục từ 2h sáng đến 4h chiều, khách gọi điện đặt hàng liên tục, lắm lúc bận không kịp nghe nên bị trách. 50-60 kg hết sạch trong một buổi sáng. Nhưng năm nay điện thoại để chuông to hết mức, chờ cả sáng không một cuộc gọi nhỡ. Nhiều ngày nay, xưởng cốm nhà anh “không đi nổi 15 kg”.

Không có đầu ra, ba tủ đông hơn 800 lít chật cứng cốm, mỗi tháng tiêu tốn cả triệu đồng tiền điện. Xót tiền, xót công, anh gọi vài mối quen ở miền Nam nhưng người thì không nghe, người khác tắt máy.





Nỗi buồn làng cốm Thông tin

Anh Nguyễn Thạch Hậu cho cốm vào máy sàng sảy loại bỏ vỏ trấu sót lại trước khi thu thành phẩm vào sáng 11/10. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Không chỉ riêng xưởng nhà anh Hậu hay làng cốm Mễ Trì gặp cảnh này. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đại dịch Covid-19 và những đợt giãn cách đã khiến 1.350 làng nghề của Hà Nội, chiếm 1/3 số làng nghề truyền thống trên cả nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nơi buộc ngưng sản xuất do không nhập được nguyên liệu, lượng bán buôn, bán lẻ giảm mạnh.

Từ đầu vụ cốm đến nay, tiếng máy rang, nhịp chày cối quanh làng Mễ Trì thưa dần. Nhiều xưởng bỏ không làm, bụi phủ trắng xoá trên thân máy. Làng Mễ Trì có 96 hộ làm cốm, hơn 300 hộ kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ cốm nhưng số lượng rơi rụng dần. Ông Nguyễn Thế Đô, Phó chủ tịch phường Mễ Trì cho biết: “Do dịch, hiện còn khoảng 80 cơ sở đang hoạt động cầm chừng, hơn 10 hộ đã phải tạm nghỉ do bán chậm hoặc không có thu nhập”.

Anh Hậu nối nghiệp cha làm cốm đến nay đã hơn 30 năm. Gắn bó với cái chày, cái cối, anh không thể quên không khí làm cốm rộn ràng từ trong nhà ra ngoài đình nhiều năm trước. “Thời đó, cứ qua canh ba là các gia đình lại lục đục dậy giã cốm, kịp hàng đi chợ sớm. Nhà nào cũng sáng đèn, mọi người vừa làm vừa trò chuyện. Tiếng giã thóc vang khắp một vùng”, anh kể. Xong mẻ đầu cũng tờ mờ sáng, mẹ anh Hậu cùng người trong xóm lại đặt cốm vào quang gánh, rủ nhau ra đầu làng Mễ Trì để bán buôn, số khác đi bán dạo ở chợ Hôm, chợ Đồng Xuân… Người bán cứ bán, người ở nhà lại kéo những xe lúa nếp thơm phức vừa gặt từ ngoài đồng chuẩn bị làm mẻ cốm mới.

Làng cốm Mễ Trì một năm làm hai vụ. Lúa làm cốm phải là nếp cái hoa vàng, hay còn gọi là nếp tiến vua, có nguồn gốc từ Hà Bắc, cấy khoảng ba tháng cho thu hoạch.

Người làng cốm hay nói vui “một hạt lúa vàng 9 giọt mồ hôi, nhưng để làm ra một hạt cốm phải mất 90 giọt”. Thứ “quà của lúa non” được làm cầu kỳ từ khâu chọn nếp đang thời kỳ ngậm sữa. Khi gặt về lại đập lấy những hạt to mẩy, sau cho lên bếp than củi rang trong hai tiếng. Khi những hạt thóc xanh non, căng sữa ngả vàng, sữa keo lại dẻo dai, thì bỏ ra cho nguội bớt rồi xay, giã 5-6 lượt mới được cốm dẻo.

“Cả ngày làm mới được 10 đến 15 kg. Nhưng thời ấy bán ít lắm, người mua lẻ cũng chỉ vài lạng ăn cho biết vị. Ngày ấy nghèo, tiền đong gạo còn chẳng có”, mẹ vợ anh Hậu đang sàng cốm ngừng tay nói.

Nhiều năm trôi qua, cốm không chỉ là thứ quà ăn cho vui miệng, mà còn lưu giữ tâm hồn của người Hà thành. “Hạt cốm dẻo mang trong mình hương sữa non thanh mát, thơm phức. Khi thấy cốm là biết thu đã về”, chị Nguyễn Nga, 40 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai nói.

Các năm trước, chị Nga thường ghé xưởng cốm quen ở làng Mễ Trì để đặt mua làm quà gửi vào miền Nam và chuyển sang nước ngoài cho người thân, bạn bè. “Nhưng năm nay vì dịch, nhu cầu thưởng thức cốm phải tạm gác một bên”, chị cho biết

Hai ngày trước, chủ xưởng sản xuất cốm cũng gọi nhờ mua hộ mấy cân cốm vì hàng bán chậm nhưng chị Nga đành từ chối, hẹn vụ sau. “Giờ mua về cũng để tủ đông chứ sao gửi đi được”, chị giải thích.





Nỗi buồn làng cốm Thông tin

Bà Nguyễn Thị Lược, ở Mễ Trì Thượng đang đưa lúa vào máy đập và lọc bỏ tấm, chuẩn bị làm cốm, ngày 8/10. Ảnh: Ngọc Thành.

Vụ mùa năm ngoái, gia đình anh Hậu làm được 2 tấn cốm. Không tiêu thụ nhanh như các năm, nhưng túc tắc bán đến Tết cũng hết. Đến vụ chiêm tháng 4 năm nay, cốm vừa làm xong, chưa kịp giao thì cả ngõ bị phong toả do có ca nhiễm nCoV. Toàn bộ cốm vừa giã phải cho vào tủ đông. “Mỗi cơ sở tồn đọng từ 1 đến 4 tấn cốm. Chính quyền cũng liên kết với các phường khác trong địa bàn quận để tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng giá thấp hơn so với trước dịch khoảng 20%”, Phó chủ tịch phường cho biết.

Chưa xong vụ chiêm, đợt dịch thứ tư bùng phát, anh Hậu và nhiều hộ gia đình phải giảm lượng lúa thu mua từ Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội) và Bắc Ninh. “Biết dịch sẽ ít người mua, nhưng tôi không nghĩ đến mức không bán nổi như bây giờ”, anh Hậu nói. Từ rằm tháng 7 đến nay, gia đình anh nhập hơn 20 tấn lúa, làm được một tấn cốm, nhưng lượng bán ra giảm đến 70%. Giờ bán được 5 kg cốm một ngày cũng là quý.





Nỗi buồn làng cốm Thông tin

Anh Nguyễn Thắng đang lấy thóc rang chín ra khỏi lò, chuẩn bị đưa đi xay và giã, sáng 11/10. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Xưởng cốm của gia đình anh Nguyễn Thắng, 50 tuổi, phố Miếu Đầm, phường Mễ Trì cũng không khá hơn. Là xưởng lớn, chuyên bán buôn cho các tỉnh và gửi vào miền Nam, nhưng đầu tháng 10/2021 anh mới làm lại, thay vì từ cuối tháng 8 như mọi năm. “Trước dịch mỗi ngày bán hơn 100 kg, giờ nhiều nhất chỉ được 30 kg. Cả làng, cả nước đều bị ảnh hưởng bởi dịch, mình biết trách ai”, chị Hoa, vợ anh cho biết.

Họ dự tính làm thêm hai tuần, nếu đầu ra không được cải thiện, vợ chồng anh Thắng buộc phải tạm nghỉ, chờ bán hết số cốm cũ. Con trai lớn khuyên anh Hậu đóng xưởng, bỏ nghề. Nhưng những hạt cốm đã theo anh hơn nửa đời người, khi thấy lúa ngoài đồng đã mẩy, nhiều gia đình khởi động máy, anh lại rạo rực. “Ít nhiều đến vụ vẫn phải làm”, anh bảo con.

“Chẳng riêng gì Mễ Trì, cốm làng Vòng hai năm nay cũng thiệt hại nặng”, bà Nguyễn Thị Xuân, 80 tuổi, người làm cốm gia truyền gần 70 năm tại làng Vòng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, nói. Liên tục các đợt giãn cách xã hội, thời tiết mưa nhiều, từ rằm tháng 7 đến nay, bà Xuân cùng vợ chồng con trai chỉ mở lò gần 10 ngày. Một tuần trở lại đây, xưởng cốm của bà ngừng sản xuất vì không có khách.

“Hai năm nay mất trắng, không kiếm được đồng lãi còn tiêu lẹm vào tiền vốn. Quanh làng Vòng còn 10 hộ còn giữ nghề, nhưng cả tháng nay không có khách”, bà Xuân cho biết. Nhìn cảnh bán cốm bữa được bữa mất, sức mua giảm mạnh nhưng bà Xuân vẫn có niềm tin “tiêu thụ giảm là vì dịch, hết dịch nhu cầu mua chính vụ sẽ gia tăng”.

“Sức mua giảm một phần do giao thông chưa được kết nối. Nhưng hết dịch, giao thông giữa các tỉnh được nối lại, lượng cốm tồn đọng chắc chắn sẽ được giải quyết”, anh Hậu khẳng định.

Quỳnh Nguyễn

Hoa tiền