Trong khi nhiều người không bao giờ đi chơi vào các kỳ nghỉ lễ vì đông đúc, đắt đỏ, thì có những người với nhiều lý do nhất định năm nào cũng lên đường.
Cứ mỗi khi gần đến kỳ nghỉ 30/4 và 1/5, chị Đinh Hạnh (Hải Phòng) lại trông chờ từng ngày. “Tôi không thích đi chơi khi các địa điểm vắng vẻ. Du lịch là phải có không khí, sức sống. Chen lấn một chút là trải nghiệm không phải lúc nào trong năm cũng có”, chị Hạnh chia sẻ.
30/4 năm ngoái, chị Hạnh du lịch Sa Pa. Mỗi buổi tối, chị phải nhích từng bước để di chuyển trong đoàn người kéo nhau về trung tâm thị xã. Tuy vậy, nữ du khách cho biết không hề thấy mệt mỏi. “Chụp ảnh mà vướng người cũng không sao. Ngày lễ mà, xác định đi là để vui, muốn chụp ảnh đẹp tôi đã đi ngày khác rồi”, chị cười. Năm nay, gia đình chị cũng đi Tam Đảo.
Không hẳn thích cảnh đông đúc, nhưng anh Lê Văn Tân, Hà Nội, luôn tranh thủ đưa vợ con đi du lịch vào dịp lễ 30/4-1/5. Mỗi năm, anh Tân không có nhiều kỳ nghỉ thực sự khi công ty làm việc vào thứ 7. Tết Âm lịch nghỉ dài, cả nhà về thăm quê nội – ngoại, Tết Dương lịch hay 2/9 cũng thường chỉ nghỉ ít.
Năm nay, cả nhà đi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa trong ba ngày nghỉ. Gia đình anh nhờ người quen đặt phòng trước khoảng một tháng. Để tránh rơi vào cảnh chen chúc hay chờ đợi, nhà anh luôn ăn những nhà hàng quen. “Mình chỉ cần gọi điện thoại, đặt món trước vài tiếng. Tắm biển xong, cả nhà đến nơi là có sẵn cơm”, anh Tân bật mí.
Do đó, dù gặp cảnh đông đúc hàng năm, gia đình vẫn không bỏ lỡ chuyến du lịch nào vào kỳ nghỉ 30/4-1/5. “Đông thì năm nào cũng đông, 30/4 không thể đòi hỏi vắng như ngày thường. Mình đi mình phải chấp nhận thôi”, anh chia sẻ. Trên đường về Hà Nội vào 2/5, cả nhà sẽ dừng lại Ninh Bình để tranh thủ ăn uống trước khi kỳ nghỉ kết thúc.
Ngoài ra, còn một số lý do khiến nhiều người nhất định chọn đi du lịch vào dịp nghỉ lễ. Với gia đình bình thường, vợ chồng đều đi làm, con cái đi học cả tuần, nên tất cả chỉ có chung ngày nghỉ vào dịp lễ, mà thường thì 30/4 là kỳ nghỉ dài nhất. Nếu đi chơi vào ngày thường, phần lớn người lao động phải nghỉ phép hoặc đóng cửa kinh doanh – điều ít người sẵn sàng đánh đổi do không muốn ảnh hưởng thu nhập. Có những người thì cho rằng, ở nhà quanh năm rồi, lễ được nghỉ phải tới nơi khác.
Anh Nguyễn Hiếu, CEO Vitamin Tours, nhận định lý do chính khiến dịp 30/4 năm nào cũng đông khách là do thời gian nghỉ dài, các tệp khách như gia đình, nhóm bạn, đồng nghiệp có thời gian rảnh hiếm hoi trong năm để tụ tập, gắn kết tình cảm… “Kỳ nghỉ năm nay đông đúc còn do các hoạt động du lịch đã trở lại bình thường sau Covid-19”, anh nói.
Đi chơi vào dịp lễ có các ưu, nhược điểm riêng. Trong đó, anh Hiếu chỉ ra ưu điểm của dịp lễ là các khu du lịch thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, sự kiện giải trí hơn. “Đi dịp lễ, khách luôn thấy được không khí đông vui của du lịch nước nhà”, anh nói.
Những điều khó chịu du khách phải đối mặt trong kỳ nghỉ lễ là cảnh đông đúc, kéo theo dịch vụ, chất lượng của các cơ sở kinh doanh khó đảm bảo tốt. Các khu, điểm du lịch ken đặc người gây ra không khí ngột ngạt, dễ xảy ra nạn móc túi, trộm cắp…
Tuy nhiên, những khách du lịch thông thái sẽ có mẹo nhỏ để chủ động hơn trong chuyến đi, hạn chế bất tiện hay cảm giác đi chơi như “hành xác“. Một số người chọn đi chơi lệch ngày, xuất phát sớm (29/4) hoặc muộn (trưa 30/4) để tránh tắc đường, đặt khách sạn và nhà hàng sớm, nghỉ trong resort có bãi biển riêng…
Trung Nghĩa – Phạm Huyền