Chúng ta đang làm sạch theo thói quen mà không cần biết nhiều thứ cần cần phải theo khoa học, nếu không đồ trong nhà sẽ nhanh chóng xuống cấp.
Lau kính khi trời nắng
Trời nắng đẹp có thể khiến bạn nhìn thấy những đám bụi, vết ố bẩn rõ hơn và vô tình thôi thúc bạn lau kính.
Đây là việc không nên. Chuyên gia dọn dẹp Carolyn Forte của trang Goodhousekeeping, cho biết khi lau dọn dưới ánh nắng chói chang sẽ khiến chất tẩy rửa khô trước khi bạn lau đi và để lại những vệt khó xóa.
Hãy sờ vào kính trước khi bắt đầu lau. Nếu thấy mát thì mới nên lau vì sẽ làm kính sáng bóng hơn.
Dùng nhiều chất tẩy rửa
Không phải cứ nhiều bột giặt, nước giặt thì quần áo sẽ sạch. Ngược lại quá nhiều sẽ gây hại. Mary Gagliardi, một nhà khoa học tại The Clorox Company (hãng sản xuất hàng tiêu dùng Mỹ) cho biết, việc thêm nhiều hơn lượng bột giặt được nhà sản xuất khuyến cáo vào lượng đồ giặt, thực sự có thể khiến cặn tích tụ trên quần áo và làm động cơ máy chóng hỏng.
Dùng thuốc tẩy trên thép không gỉ
Các thiết bị bằng thép không gỉ ngày càng phổ biến trong đồ gia dụng. Nhưng có một nhược điểm là chúng như nam châm cho dấu vân tay, vết ố, đốm nước… Điều đó có nghĩa là bạn phải dành nhiều thời gian lau chùi để giữ cho các thiết bị trông sáng bóng nhất.
Các chuyên gia khuyến cáo nên lau thép không gỉ bằng khăn mềm, có pha nước rửa bát nhẹ. Nếu còn thấy dính dấu vân tay, hãy xịt nước lau kính lên. Tuyệt đối không dùng thuốc tẩy chứa clo có thể làm mất màu và làm hỏng thép không gỉ.
Rửa thớt gỗ trong máy rửa bát
Theo Cutboard, một nhà phân phối thớt ở Mỹ, việc ngâm thớt gỗ trong nước có thể khiến các thớ gỗ bị cong vênh và mục. Theo thời gian có thể gây ra các vết nứt nhỏ, tạo môi trường cho thức ăn và vi khuẩn trú ngụ.
Thay vào đó, hãy dùng nước nóng và xà phòng để chà sạch các mảnh bám trên thớt trước khi khử trùng bằng giấm trắng nguyên chất.
Để chổi cọ toilet trong hộp
Nhiều gia đình đang sử dụng chổi cọ có hộp đựng, mà không để ý chổi ướt sau khi chùi bồn cầu đặt vào hộp sẽ sinh sôi vi khuẩn.
Các chuyên gia khuyên nên sử dụng chổi không đi kèm hộp đựng. Đồng thời nên ngâm chổi trong dung dịch khử trùng thường xuyên ít nhất vài giờ để ngăn vi khuẩn sinh sôi.
Bàn chải đánh răng
Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ ADA, bàn chải đánh răng được phát hiện là nơi chứa vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn coliform trong phân có thể phát tán vào không khí khi xả nước bồn cầu.
ADA khuyên nên ngâm bàn chải trong hydrogen peroxide hoặc nước súc miệng, có thể giảm lượng vi khuẩn trên bàn chải đến 85%. ADA cũng khuyên nên đổi bàn chải đánh răng ba tháng một lần, hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải cong mòn.
Chảo gang
Theo The Kitchn, không nên dùng nước rửa bát hoặc cọ nồi trên chảo gang, cũng như không nên cho vào máy rửa bát, bởi có thể làm hỏng lớp phủ của chảo gang. Bạn chỉ nên cọ rửa chảo nhẹ nhàng khi vẫn còn ấm.
Đồ thủy tinh có thể hỏng nếu rửa trước khi cho vào máy rửa bát
Có thể bạn được dạy phải luôn làm sạch các vật dụng trước khi cho vào máy rửa bát, nhưng điều này thực sự có thể khiến đồ thủy tinh chóng hỏng vì bạn đang cho phép chất tẩy rửa trực tiếp tác động lên bề mặt thủy tinh, theo Hunker, một trang web cải tạo nhà cửa. Theo thời gian, việc này có thể gây ra hiện tượng “ăn mòn” vĩnh viễn hoặc làm cho thủy tinh bị đục.
Sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa cũng có thể gây ra hiện tượng ăn mòn, vì vậy bạn nên giảm bớt nếu nhận thấy bát đĩa của mình mất đi độ sáng.
Máy hút bụi
Máy hút bụi là dụng cụ đắc lực để dọn nhà. Nếu máy hút của bạn không được làm sạch thường xuyên, bụi bẩn có thể tích tụ trong lỗ thông hơi và thậm chí bị thổi ngược ra ngoài không khí. Tệ nhất là máy hút bị tắc có nhiều khả năng bị quá nhiệt và hỏng hóc động cơ.
Bạn nên đổ sạch hộp chứa bụi khi nó được khoảng một nửa. Đồng thời thường xuyên tháo rời máy hút và lau sạch tất cả các bộ phận bên trong bằng nước ấm và một chút nước rửa bát.
Bảo Nhiên (Theo Insider)