Hà NộiCó mặt tại sân lúc 8h30 tối, Nguyễn Nhung nhìn xung quanh mất 10 phút mới nhận ra đội bóng nữ mà cô đang xin gia nhập chính là những người đang chạy trước mặt.
“Đa phần các bạn ấy cắt tóc ngắn, quần đùi, áo số, xoay trở rất nhanh nhẹn, nhìn như cầu thủ nam”, cô gái 25 tuổi làm nghề bán hàng online, cười nói. Mê đá bóng và được một người bạn giới thiệu nên tối nay Nhung đến sân xin nhập đội CFC Hà Nội do chị Nguyễn Phương Anh, 31 tuổi, làm đội trưởng. Cô tới sân theo lời hẹn lúc trời đã tối và tranh thủ xem các đội khác đấu tập.
Một người tóc cắt ngắn theo kiểu “đầu đinh” của nam, đi giày hồng và một người tóc dài đi đến phía mình hỏi, Nhung mới biết họ là nữ. Cô được chị Phương Anh hướng dẫn khởi động và vào sân luôn.
Phương Anh là lão tướng của đội, thường chọn vị trí thủ môn vì thể lực có hạn so với đàn em, vừa để quan sát, định hướng chiến thuật cho các cầu thủ mới gia nhập đội. “Tôi là lứa cầu thủ đời đầu, đã 9 năm đá ‘phủi’. Bây giờ không được đá giải vì quá tuổi, nhưng vẫn đi tập, đá giao lưu thường xuyên”, Phương Anh, quê Thanh Hóa, đang là nhân viên hành chính của một trường đại học Hà Nội, nói. Hiện tại, đội chị có khoảng 20 thành viên nòng cốt.
Bóng đá “phủi” là cách gọi những người chơi bóng đá phong trào, tự phát không đòi hỏi các điều kiện như một đội bóng được tổ chức chuyên nghiệp, cũng không đòi hỏi người chơi phải có trình độ, chỉ có đam mê là có thể vào sân bất cứ lúc nào.
Cũng như đàn em, đam mê dẫn lối cô gái Thanh Hóa tới với sân phủi. Thứ 5 hàng tuần, đúng 8h30 tối các cô gái lại tụ tập ở sân bóng đi thuê trên đường Hoàng Minh Giám (quận Cầu Giấy) hoặc Triều Khúc (Hà Đông) cùng tập luyện. Thi thoảng họ lên mạng mời các đội khác đấu giao lưu.
Những cô gái thích đá bóng nhưng người bận gia đình con mọn, người là dân văn phòng, phục vụ cafe, sinh viên… họ có điểm chung là thời gian và thu nhập hạn chế các cầu thủ nam. Để dung hòa đam mê và hoàn cảnh, họ thường chọn khung giờ muộn để dễ thu xếp và được thuê sân với giá ưu đãi. “Nếu sớm hơn thuê một tiếng rưỡi sẽ mất một triệu, từ 8h30 trở đi chỉ 500.000 đồng. Một buổi đá, mỗi chị em chia nhau khoảng 35.000 đồng”, Phương Anh cho biết.
Muốn tập cùng đội, có cô gái trọ xa phải chạy xe máy 10 km- 20 km từ Long Biên, Triều Khúc… đến sân. Nhiều bữa, họ rời công sở muộn, chỉ kịp lót dạ bánh mỳ rồi lao đến vì không muốn bỏ lỡ buổi tập.
Anh Phan Ngọc Quý, 29 tuổi, quản trị viên nhóm Bóng đá nữ Hà Nội cho biết, nhóm hiện có 3.300 thành viên với khoảng hơn 20 đội nữ.
Tám năm trước, khi còn là sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, Quý dẫn dắt đội nữ của trường thi đấu. Đội vào đến tứ kết thì bị loại. Nhìn các bạn nữ khóc vì tiếc nuối, Quý hỏi “các cậu có muốn được đá bóng nữa không?”. Thấy các cô gái hào hứng gật đầu, anh Quý lập đội nữ để các bạn được ra sân.
Ban đầu, đội chỉ tuyển chọn những cô gái có năng khiếu và kỹ thuật, là sinh viên, cựu sinh viên ĐH Bách Khoa. Nhưng sau đó, tất cả chị em nào thích bóng đá đều có thể tham gia.
Để các bạn nữ được tăng cơ hội cọ xát, anh Quý lập nhóm Bóng đá nữ Hà Nội, mong muốn kết nối các cô gái yêu bóng đá. Trong nhóm, các đội thường mời nhau giao đấu, cập nhật về các giải hoặc tuyển thành viên. “Phụ nữ cũng yêu bóng đá chẳng kém nam giới. Có bạn còn tham gia một lúc ba đội để được đá bóng mỗi ngày”, Quý tiết lộ.
Thúy Hiền, 27 tuổi, được đồng đội bình chọn là cầu thủ mê bóng đá nhất đội CFC Hà Nội. Cô thừa hưởng tình yêu với môn túc cầu của ông bố 51 tuổi vẫn ra sân. Từ năm lớp 8, cô gái quê Ba Vì gia nhập đội tuyển bóng đá của trường. Lên đại học, cô là cầu thủ của tuyển nữ ĐH Bách Khoa. Bốn năm trước, biết Hà Nội có đội nữ đá “phủi”, Thúy Hiền khoác áo cầu thủ ra sân khi con trai vừa tròn 6 tháng tuổi. “Tôi cứ vắt sữa, dỗ cho con ngủ trước khi đi đá. Nhiều bữa về mà ngực căng tức vì sữa nhiều”, bà mẹ trẻ nói.
Biết Hiền “nghiện” bóng đá nên người nhà chăm con hộ để cô được ra sân. Con trai biết đi, nữ tiền vệ dẫn đến sân tập. Tháng trước, đội bóng của Hiền giành chức vô địch giải đấu có 8 đội. Cô được bình chọn là một trong những cầu thủ hay nhất giải dù bị gãy mũi do va chạm trong trận đầu tiên. Biết đồng đội đang lo lắng vì mất chân sút tốt nhất, Hiền chỉ nghỉ một trận rồi quay lại.
Anh Phan Ngọc Quý cho biết, vì là bóng đá “phủi”, các bạn nữ lại không được chỉ dẫn, đào tạo nhiều về kỹ thuật nên thường vào bóng quyết liệt nhưng không đúng cách nên dễ chấn thương.
Năm 2020, các cô gái CFC Hà Nội đá giải Nón Lá, giải đấu dành riêng cho nữ. Sau pha cản phá penalty, thủ môn của đội dính chấn thương nặng, chuẩn đoán đứt dây chằng chéo, phải tìm người thay thế. Trải qua 7 loạt sút luân lưu cân não, cuối cùng họ lọt vào trận chung kết. Nước mắt của các cô gái rơi vì hạnh phúc và vì thương đồng đội chấn thương bởi họ biết, tai nạn này có thể khiến người bạn mê bóng đá vĩnh viễn không thể ra sân được nữa.
Bây giờ, tuy không thể vào sân thi đấu, nhưng nhớ sân cỏ, cô thủ môn năm đó vẫn thi thoảng đến sân tập chỉ để được chạm bóng.
Dù chấn thương tái đi tái lại, Yến Cận (27 tuổi, ở Cầu Giấy) vẫn không thể ngồi nhà khi đồng đội ra sân tập hôm cuối tháng 4. Cô chọn cách ngồi ở đường biên, hô hào, nhắc đồng đội cách di chuyển.
Thi thoảng, cô lao vào sân sút vài đường, chạy khắp sân cho mồ hôi túa ra. “Nhờ bóng đá, chúng tôi có thêm những người bạn thân thiết, xả stress hiệu quả”, Yến nói. Đội của Yến Cận quy tụ những người hâm mộ CLB Chelsea của giải Ngoại hạng Anh. Thỉnh thoảng các cô gái giao lưu với đội nam có chung thần tượng, chia đều nam nữ ra đá. Vào dịp sinh nhật đội, họ đến chúc mừng nhau, cổ vũ cho nhau trong các dịp đấu giải.
Anh Vũ Long, 27 tuổi, đội nam CFC Family ngỡ ngàng khi lần đầu chứng kiến những cô gái ra sân. “Họ quyết liệt và nhiệt tình hơn cả nam giới. Tập muộn nhưng nữ thường đến đầy đủ và đúng giờ. Đàn ông chúng tôi thỉnh thoảng còn ‘cao su’, bỏ tập”, anh Long nói.
10h khuya, hết giờ tập, những cô gái ngồi bệt xuống sân cỏ nói đủ chuyện về con cái, công việc, thu nhập… Nguyễn Nhung người đẫm mồ hôi nhưng cười giòn khi nghe chị em kể chuyện đang cho con bú vẫn trốn đi đá bóng.
“Em xin chính thức gia nhập đội. Tuần tới, em sẽ ra sân tập cùng các chị”, cô nói.
Phạm Nga