“Xuất đơn gấp, khách yêu cầu chuyển hàng trước sáng mai”, tin nhắn của sếp buộc Hoàng Ân ở lại công ty đến 0h để giải quyết công việc.
Với cô gái 29 tuổi, ở quận Bình Thạnh (TP HCM), nhân viên công ty xuất nhập khẩu, tăng ca không còn xa lạ. Liên tục làm thêm giờ, đi công tác cuối tuần khiến cô không được nghỉ ngơi. Trung bình một ngày Ân ngủ hơn 6 tiếng. Thiếu ngủ triền miên khiến cô không thể tập trung, luôn bực bội, mệt mỏi và dễ cáu gắt.
“Bù lại tôi có thu nhập gấp đôi”, Ân lý giải. Nhưng chứng mất ngủ của cô trở nên nghiêm trọng khi mắc Covid-19 hồi tháng 10/2021. Nhiều đêm cô thức trắng. Bác sĩ chẩn đoán Ân bị mất ngủ, suy kiệt do hậu Covid-19 hoặc áp lực công việc kéo dài, buộc phải thay đổi nhịp sinh học nếu không muốn triệu chứng tâm thần gia tăng.
Trường hợp như Hoàng Ân không hiếm. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Minh Hiếu, Phòng khám tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết lượng bệnh nhân đến khám sau tháng giãn cách gia tăng. Lúc trước một buổi khám có khoảng 5 bệnh nhân, nay tăng lên 10, một số phải dời lịch sang hôm sau. 95% trong số họ ở tuổi 25-50.
Không chỉ bởi Covid-19, GS.TS Lê Văn Thành, nguyên trưởng bộ môn thần kinh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, cho biết lượng người trẻ gặp các vấn đề về rối loạn giấc ngủ có xu hướng gia tăng nhanh khoảng vài năm trở lại đây.
“Người Việt thiếu ngủ thường do các vấn đề xã hội như áp lực công việc, chế độ sinh hoạt không điều độ, thời gian sử dụng máy tính nhiều”, giáo sư Thành nhận định.
Quỳnh Trang, 28 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội là một ví dụ. Cô có 4 năm làm trong nghề truyền thông, đã quen cảnh nhận việc lúc nửa đêm. “Đặc thù nghề nghiệp là thế, không làm không được”, Trang giải thích. Vào những ngày không quá bận, cô làm từ 7h đến 22h nhưng nhiều hôm làm xuyên đêm. Mấy năm nay, trung bình mỗi đêm cô ngủ khoảng 4-5 tiếng.
Bên cạnh “nghiện” việc, Trang thừa nhận mình mắc hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out – hội chứng sợ bỏ lỡ). Việc đầu tiên mỗi sáng thức giấc là kiểm tra tin nhắn và email. Hành trang ra ngoài luôn đi kèm máy tính và điện thoại. “Nhất là vào dịp nghỉ lễ, lượng công việc nhân đôi. Tôi không thể nhớ lần cuối cùng có cảm giác được nghỉ ngơi, thư giãn là khi nào”, Trang kể.
Tháng 9/2019, hãng nghiên cứu thị trường Wakefield Research công bố kết quả khảo sát ở 8 quốc gia, ghi nhận khoảng 37% người trẻ Việt bị mất ngủ, khoảng 73% thừa nhận gặp tình trạng căng thẳng (stress) do rối loạn giấc ngủ. Đáng chú ý, 79% người tham gia khảo sát nói không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày và trung bình mỗi nhân viên văn phòng dành 10 ngày một năm chỉ để ngủ bù.
Khoa thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng thống kê tiếp nhận 13.000 bệnh nhân tới khám và điều trị mất ngủ, trong năm 2017. Trong đó, 25% là người trẻ tuổi từ 17-30 tuổi.
Theo một nghiên cứu khảo sát tình trạng mất ngủ trong cộng đồng dân cư tại TP HCM, khoảng 33% dân số bị một trong nhiều triệu chứng mất ngủ và khoảng 30% bệnh mất ngủ có liên hệ bệnh tâm thần.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các bác sĩ cho biết, số lượng người đến khám vì mất ngủ chiếm tỷ lệ khoảng 15%, tuy nhiên bệnh mất ngủ còn được phát hiện khi người bệnh đến khám vì các nguyên nhân khác (tỷ lệ khoảng 35-40%).
Không chỉ nhóm nhân viên văn phòng, lao động tự do hay người nội trợ cũng gặp rối loạn giấc ngủ.
Huyền Nga, 32 tuổi, ở quận Hoàng Mai bắt đầu gặp chứng mất ngủ năm 2020 sau khi sinh con. Hàng ngày, chị dậy từ 6h chuẩn bị đồ ăn cho cả gia đình. Khi chồng đi làm, Nga chăm sóc con trai, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm. “Một ngày ở nhà không đủ để làm mọi việc”, chị thở dài. Việc nhà thường kết thúc lúc 23h, chị cố dành thêm hai tiếng đọc báo và lướt mạng xã hội, trước khi ngủ.
Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng của chị Nga là “sự trả thù trì hoãn giấc ngủ” (Revenge Bedtime Procrastination) hội chứng ăn bớt giấc ngủ hàng đêm để làm những việc mà ban ngày không có thời gian. Tình trạng này ngày càng phổ biến do căng thẳng gia tăng và thói quen sinh hoạt bị thay đổi vì Covid-19.
Đáng lo ngại, tình trạng thiếu ngủ đang tấn công trẻ em Việt Nam. Năm 2016, bác sĩ nhi khoa Johnathan Halevy cho biết 40% trẻ em Việt Nam ngủ ít hơn mức cần thiết. Nguyên nhân chủ yếu do thời gian làm bài tập, học bài, chuẩn bị cho các kỳ thi. Ngoài ra còn áp lực căng thẳng từ cuộc sống, học hành cũng tác động đến giấc ngủ của trẻ.
Một khảo sát khác do chính nhóm học sinh cấp 3 tại TP HCM đầu năm 2018, cho thấy thực trạng thiếu ngủ của học sinh THPT ở mức đáng báo động. Trong 7.300 học sinh được khảo sát, hơn một nửa cho biết ngủ khá muộn, thường sau 23h và 20% sau 0h; hôm sau thức dậy lúc 5h30-6h để kịp đến trường. Do đó, hơn 80% học sinh thường ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, hơn 10% ngủ dưới 5 tiếng.
“Thiếu ngủ, mất ngủ không chỉ gây tổn thất sức khỏe, còn ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng việc làm”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội (Viện Social Life), nhận định.
Theo chuyên gia, một số nghiên cứu của viện Social Life cho thấy nhiều người lao động có nguyện vọng làm thêm giờ để tăng thu nhập, doanh nghiệp cũng muốn nâng hiệu suất công việc. Điều này dễ thấy lợi ích trước mắt, nhưng không bền vững. “Thực tế, chúng ta đang vô tình bào mòn nguồn nhân lực quốc gia”, ông Lộc nói.
“Đói ngủ” còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia năm 2019 cho thấy, số vụ tai nạn liên quan đến giấc ngủ chiếm tới 30% tổng các vụ trong một năm, cướp đi sinh mạng của 6.400 người và gây thiệt hại 109 tỷ USD (không bao gồm thiệt hại tài sản).
Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, mất ngủ trở thành nỗi ám ảnh của người dân và thúc đẩy “ngành kinh tế ngủ” (sleepnomics) phát triển.
Ở Việt Nam, sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong vài năm nay. Một startup Việt sản xuất nệm cho biết, doanh thu năm 2020 của đơn vị tăng 300% so với năm 2019. Đặc biệt vào giai đoạn cao điểm của Covid-19, doanh thu vẫn tăng 250-290%. Nhà sáng lập công ty lý giải mức tăng trưởng có được do nhiều người quan tâm hơn đến sức khỏe và chất lượng giấc ngủ.
Thị trường thuốc bổ, thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ trong nước ghi nhận mức tăng nhẹ. Theo báo cáo của Euromonitor, năm 2019 doanh số bán thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn chậm lại do lo ngại nguy cơ phụ thuộc vào thuốc nhưng các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ truyền thống hoặc có nguồn gốc thảo dược lại phát triển mạnh.
Các lớp thiền, yoga cũng bùng nổ như một giải pháp lành mạnh hỗ trợ giấc ngủ. Chủ một thư viện thiền tập trên đường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhận thấy xu hướng trẻ hóa về độ tuổi và lượng học viên gia tăng sau ba năm tổ chức các lớp thiền. Người tìm đến thiền khá đa dạng nhưng chủ yếu từ 22 đến dưới 40 tuổi, thường gặp các vấn đề như căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ.
Tiến sĩ Nguyễn Cao Minh, giảng viên Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, người được đào tạo chuyên sâu về sử dụng chánh niệm và thiền, cho rằng mong muốn phát triển bản thân và giải quyết các căng thẳng tâm lý là hai lý do khiến nhiều người tìm đến thiền.
Được bạn bè giới thiệu, Hoàng Ân thử đăng ký lớp thiền với mức giá 2 triệu đồng mỗi tháng, vì muốn giải tỏa áp lực và mong có một giấc ngủ trọn vẹn. Cô cũng tập thói quen từ chối nhận việc sau giờ làm.
“Nhưng nếu tình trạng không được cải thiện, tôi sẽ nghỉ việc. Tôi không muốn bán sức lao động để nhận sự tổn hại về tinh thần và thể chất như hai năm qua”, cô gái 29 tuổi nói.
Quỳnh Nguyễn