Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Người trẻ Trung Quốc chọn ‘hai thu nhập, không con cái’

Người trẻ Trung Quốc chọn 'hai thu nhập, không con cái' Thông tin
Rate this post

Những chính sách khuyến khích sinh của Trung Quốc dường như thất bại khi ngày càng nhiều người trẻ chọn thu nhập thay vì sinh con.

Julia Li vật lộn nhiều năm trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: cô đã kết hôn ở độ tuổi 30 nhưng vẫn chưa quyết định có nên sinh con hay không. Li đã trì hoãn điều này trong nhiều năm, bất chấp sự thúc giục gần như hàng ngày của gia đình và bạn bè.

Tuy nhiên, đến tháng 8 năm ngoái, Li và chồng đưa ra quyết định lớn: thu nhập nhân đôi và không sinh con. Họ là một trong số nhiều cặp vợ chồng trẻ của Trung Quốc có lựa chọn này.

Li cho rằng chi phí sinh và nuôi nấng một đứa trẻ quá lớn, không đem lại bất cứ lợi ích nào. Đặc biệt, việc hồi phục sau sinh sẽ là thách thức lớn về sức khỏe.

“Tôi sẽ đối mặt với nguy cơ lão hóa nhanh, mất dáng và cạn kiệt về năng lượng. Nó ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển nghề nghiệp và khả năng cạnh tranh trong công việc của tôi”, Li chia sẻ.

Liu Qin, một cựu giám đốc kinh doanh ở Thượng Hải, đã phải từ chức chỉ hai tháng sau khi nghỉ sinh năm ngoái. Trong thời gian cô vắng mặt, một đồng nghiệp đã đảm nhiệm vai trò của cô tại công ty. Người quản lý không giao cho Liu bất kỳ dự án nào “có ý nghĩa và mang tính thử thách” nữa khi cô trở lại.

“Thu nhập của tôi giảm một nửa, không có những khoản tiền thưởng như trước”, người phụ nữ 29 tuổi nói.

Tỷ lệ sinh và kết hôn của nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, gây nguy cơ khủng hoảng về nhân khẩu học. Trung Quốc là một trong những xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, dân số có thể bắt đầu thu hẹp vào năm 2022. Trừ khi có những thay đổi rõ rệt, chuyên gia dự đoán quốc gia sẽ bị cuốn vào “cái bẫy sinh sản” do tăng trưởng trì trệ và chi phí chăm sóc xã hội tăng chóng mặt.

Trong nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh, chính phủ đã loại bỏ chính sách hai con được áp dụng từ năm 2015, cho phép các cặp vợ chồng sinh ba con kể từ tháng 7/2021. Nước này cũng đưa một số chính sách khác để khuyến khích các gia đình sinh thêm con, như biện pháp hỗ trợ tài chính mới, cải thiện khả năng tiếp cận với nhà trẻ và kéo dài thời gian nghỉ thai sản của cha mẹ. Trung Quốc cũng bãi bỏ các hình phạt đối với các cặp vợ chồng vi phạm giới hạn sinh con, đảo ngược chính sách kéo dài 40 năm.

Một số chính quyền địa phương thậm chí đi xa hơn. Bắc Kinh đã bổ sung các dịch vụ hỗ trợ sinh sản vào chương trình bảo hiểm y tế công cộng. Chương trình sẽ chiết khấu 11.000 nhân dân tệ (1.600 USD) cho các cặp vợ chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm. Thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc cấp 500 nhân dân tệ cho các gia đình sinh con thứ hai hoặc thứ ba mỗi tháng, cho đến khi con cái họ được ba tuổi. Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, thậm chí cho các gia đình có ba con được miễn trừ các quy tắc nhà ở nghiêm ngặt, cho phép họ mua bất động sản thứ hai.

Tuy nhiên, các chính sách đó không hiệu quả như mong đợi. Vào tháng 4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tiết lộ tỷ lệ sinh của nước này giảm một lần nữa vào năm 2021, đạt mức thấp nhất kể từ năm 1949. Một số tỉnh xác nhận tỷ lệ sinh của họ giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Người trẻ Trung Quốc chọn 'hai thu nhập, không con cái' Thông tin

Một phụ nữ kiểm tra kết quả khám thai sản tại bệnh viện thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: VCG

Dữ liệu năm 2022 khan hiếm, nhưng những dấu hiệu ban đầu không hứa hẹn. Ước tính khoảng 372.000 trẻ sinh ra tại tỉnh Hà Nam trong nửa đầu năm nay, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Giao Châu, một thành phố phía đông tỉnh Sơn Đông, số lượng giấy khai sinh được cấp đã giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công chúng dường như không mặn mà với các chương trình khuyến khích sinh sản mới. Vào ngày chính phủ công bố chính sách ba con, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã thực hiện một cuộc thăm dò trên nền tảng xã hội Weibo để đánh giá độ sẵn sàng sinh con thứ ba của họ. Hơn 90% cho biết “sẽ không cân nhắc sinh con”.

Các cuộc khảo sát khác cũng cho kết quả tương tự. Tháng 12/2021, 90% người trả lời trực tuyến trên nền tảng Xiaohongshu cho biết họ không sẵn sàng sinh ba con.

Theo các chuyên gia, vấn đề của các chính sách mới là chúng chưa đủ sâu sắc. Trung Quốc là một trong những nước nơi việc nuôi dạy trẻ em tốn kém nhất thế giới. Các biện pháp mới cho đến nay chưa thay đổi được điều này. Vào tháng 2, một cuộc khảo sát cho thấy chi phí trung bình để nuôi con đầu lòng tại Trung Quốc là gần 500.000 nhân dân tệ (1,7 tỷ đồng), thậm chí cao hơn các quốc gia phát triển khác như Mỹ, Đức và Nhật Bản.

Nghiên cứu của các học giả tại Đại học Renmin cũng kết luận chi phí kết hôn, nuôi dạy con cái là yếu tố lớn nhất khiến sinh viên tốt nghiệp không thể lập gia đình, bên cạnh văn hóa làm việc căng thẳng và cạnh tranh cao của đất nước.

Ren Yuan, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số của Đại học Fudan, Thượng Hải đồng tình với quan điểm này. Theo ông, các nghiên cứu phát hiện ra rằng mức độ sẵn lòng có con của các cặp vợ chồng Trung Quốc “không quá thấp”. Tuy nhiên có khoảng cách đáng kể giữa những người “nói rằng họ muốn có con” và người “thực sự muốn sinh nở”.

Đối với giáo sư Ren, biện pháp hiệu quả nhất Trung Quốc có thể thực hiện để tăng tỷ lệ sinh là cải thiện hơn nữa khả năng tiếp cận nhà trẻ, dịch vụ chăm sóc cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tuổi.

“Các chính sách này không chỉ để khuyến khích người dân sinh con thứ hai và thứ ba. Đây là việc cung cấp các dịch vụ sinh sản chất lượng cao và toàn diện hơn cho các gia đình có con hoặc những người có ý định sinh con”, ông nói.

Thục Linh (Theo Six Tone)

Hoa tiền