Hà NộiNhận túi quà là đủ các món đặc sản ba miền do người dân Việt Nam gửi tặng, Felisberto ngỡ ngàng, không nói được gì chỉ liên tục cúi đầu, cảm ơn.
“Tôi rất xúc động bởi sự quan tâm đặc biệt của cổ động viên Việt Nam dành cho đội điền kinh Timor Leste. Họ đã cho chúng tôi cảm xúc khó quên trong hai tuần thi đấu”, Felisberto de Deus, 23 tuổi, người mang về hai tấm huy chương bạc cho đoàn thể thao nước nhà ở nội dung chạy 5.000 m và 10.000 m tại SEA Games 31, chia sẻ.
Đây được xem là kỳ SEA Games lịch sử với Felisberto cũng như Timor Leste bởi quốc gia này chưa từng giành huy chương điền kinh nào.
Felisberto kể, chiều 17/5, ngay sau khi nhận giải, anh đã gọi điện cho gia đình từ giữa sân vận động Mỹ Đình. Trong cuộc trò chuyện ngắn, chàng trai 23 tuổi kể về khoảnh khắc được khán giả Việt Nam cổ vũ nhiệt tình trên từng vòng chạy, dù đang đối đầu với vận động viên chủ nhà.
“Người Việt Nam rất thân thiện, tốt bụng và đề cao tinh thần thể thao. Điều này khiến trái tim tôi thấy ấm áp”, anh nói. Đầu dây bên kia, bố mẹ Felisberto hãnh diện về con trai, họ chia sẻ niềm hạnh phúc và bật khóc.
Chứng kiến cảnh Felisberto khoác quốc kỳ Timor Leste, tay cầm lá cờ Việt Nam nhỏ chạy dọc sân Mỹ Đình, chủ động nắm tay hai vận động viên Việt Nam để chia vui chiến thắng và nghe được câu chuyện về hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực thi đấu hết sức của đoàn điền kinh nước bạn, anh Nguyễn Văn Ích, 30 tuổi, ở quận Hoàng Mai đã tìm gặp.
Người hùng Timor Leste ăn mừng quanh sân Mỹ Đình
Trước khi đến gặp Felisberto, anh Ích đã dành nửa ngày đi khắp các siêu thị quanh Hà Nội, mua một túi quà gồm bánh đậu xanh, bánh cốm, kẹo cu đơ, ô mai, bánh pía… là đặc sản ba miền của Việt Nam cùng một chiếc mũ cối. 5 giờ chiều 21/5, anh gặp Felisberto tại khách sạn Deawoo, quận Ba Đình, nơi đoàn lưu trú. Khoảnh khắc nhận quà, chàng trai Timor Leste liên tục cúi đầu, nói cảm ơn. Tối cùng ngày, anh còn mời cả đoàn vận động viên nước bạn đi thưởng thức món bún chả truyền thống của Hà Nội.
“Chưa có một quốc gia nào chúng tôi đến thi đấu lại được người dân đối xử tốt với chúng tôi như Việt Nam”, Felisberto nghẹn lời.
“Đoàn điền kinh Timor Leste đã thi đấu rất nỗ lực. Họ xứng đáng nhận được nhiều hơn thế. Tôi mong những món quà sẽ đến được với người thân, bạn bè của các vận động viên ở quê nhà”, anh Ích bộc bạch.
Trước khi chia tay, Felisberto chạy lên phòng lấy mũ lưỡi trai và khăn thêu tay – biểu tượng cho tình đoàn kết, sự hữu nghị, gắn bó giữa Việt Nam và Timor Leste – tặng anh Ích. “Không chỉ đón nhận, tôi muốn trao tặng những người bạn mới món quà từ quê nhà”, Felisberto cười.
Felisberto cho biết anh nhận được rất nhiều quà tặng của người dân Việt Nam. Sáng 22/5, chị Lê Hồng Diễm (Hà Nội) cũng đến tận khách sạn trao tặng túi quà gồm các món như trà Thái Nguyên, cà phê Ban Mê Thuột, mít sấy, hạt điều… để anh mang về chung vui với gia đình và bạn bè.
Bốn ngày sau khi gây bão với khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng trên sân đấu, nhiều người nhận ra “người hùng điền kinh Timor Leste” trên đường. Họ chủ động xin chụp ảnh, tặng quà lưu niệm cùng những lời chúc tốt đẹp. Số người theo dõi trang cá nhân của Felisberto cũng tăng lên đáng kể.
Chàng trai Timor Leste bày tỏ sự biết ơn với vận động viên Nguyễn Văn Lai, người nhường anh chụp ảnh trước trên bục nhận giải và nữ tình nguyện viên Hà Thị Thanh Thúy, 19 tuổi, sinh viên khoa ngôn ngữ Tây Ban Nha, Đại học Hà Nội, người giúp tìm lá cờ Timor Leste để ăn mừng chiến thắng, khi về nhì tại đường chạy 10.000 m.
Thi đấu trên sân khách nhưng Felisberto nói có cảm giác như ở quê nhà. “Tôi không nổi tiếng, nhưng khi chiến thắng rất nhiều người đến chúc mừng. Việt Nam rất hiếu khách, thân thiện, nhiều người hô lớn tên đất nước tôi trên khán đài. Họ làm tôi ngạc nhiên và xúc động”, chàng trai 23 tuổi nói và cho biết đây là lần thứ hai đến Việt Nam. Trước đó anh từng đến TP HCM dự giải điền kinh trẻ, nhưng lần ghé thăm này gây ấn tượng mạnh.
Felisberto de Deus lớn lên trong một gia đình thuần nông, có tám anh chị em ở Gleno – thành phố nhỏ của Timor Leste. Từ bé anh cùng bạn bè thi chạy trên con đường đất gần nhà và bắt đầu niềm yêu thích với bộ môn chạy.
Năm 2015, anh chuyển hướng thi đấu chuyên nghiệp và nhận sự ủng hộ từ gia đình. Dù bố mẹ làm nông, kinh tế eo hẹp. Một năm sau, Felisberto lần đầu ra nước ngoài thi đấu trong giải chạy tại Thái Lan. “Chúng tôi không có nhiều điều kiện tập luyện, cọ xát tại cuộc thi trong nước và quốc tế. Nhưng so với các môn thi đấu khác, điền kinh vẫn may mắn vì có nơi tập”, Felisberto nói.
Trước thềm SEA Games 31, Felisberto và các đồng đội tập luyện từ sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh thời tiết khắc nghiệt tại quê hương. Nơi tập luyện thay đổi linh hoạt, từ bãi biển đầy rác, sỏi, đến sân vận động đã xuống cấp hoặc trên con đường dân sinh nhiều ổ gà. “Nhưng mọi khó khăn, gian khổ đã được đền đáp bằng hai tấm huy chương danh giá”, huấn luyện viên của Felisberto nói.
Ngoài là vận động viên điền kinh, Felisberto đang là sinh viên năm nhất ngành tiếng Anh tại Đại học quốc gia Timor Leste. “Trong tương lai nếu không thể thi đấu tôi mong trở thành một huấn luyện viên điền kinh hoặc giáo viên dạy tiếng Anh”, anh cười.
Sau lễ bế mạc SEA Games 31, ngày 24/5, đoàn vận động viên điền kinh Timor Leste sẽ về nước. “Trên tất cả, tôi muốn cảm ơn người Việt Nam đã cổ vũ tinh thần, luôn động viên để tôi có thể thi đấu tốt nhất. Với tôi, Việt Nam đã là quê hương thứ hai. Chắc chắn tôi sẽ trở lại”, anh nói.
Đoàn thể thao Timor Leste có 39 vận động viên tham dự SEA Games 31. Tranh tài ở 7 trong tổng số 40 môn, bao gồm điền kinh, bóng đá, karate, taekwondo, cử tạ, bơi và boxing. Kết thúc ngày thi đấu cuối cùng, đoàn thể thao của họ giành ba huy chương, gồm hai bạc và một đồng. Kỳ đại hội thành công nhất của Timor Leste là 2013 ở Myanmar, khi giành hai vàng, ba bạc và năm đồng. Ở SEA Games 30, họ chỉ giành một bạc và năm đồng.
Quỳnh Nguyễn