Bình DươngCuối năm 2021, Ngô Văn Khánh quyết định bán mảnh đất bố mẹ cho ở quê, mua 600 m2 đất ở thành phố xây 8 phòng học, dạy miễn phí.
Trường học miễn phí của thầy Ngô Văn Khánh, 41 tuổi, ở đường Lê Hồng Phong có hai tầng, mỗi tầng rộng 160 m2, chia thành 4 phòng. Dù tháng 5 mới khánh thành, nhưng từ đầu tháng 3, mỗi chiều thầy Khánh cùng đồng nghiệp đứng trước cổng một số trường trung học cơ sở trong tỉnh, giới thiệu về lớp học miễn phí đồng thời chia sẻ thông tin lên trang cá nhân. Đến nay, lớp học 0 đồng đã có hơn 200 học sinh lớp 9 theo học tại dãy nhà đi thuê.
“Trường khánh thành, tôi sẽ chuyển các em sang địa điểm mới. Khi đó số lượng học sinh có thể tăng gấp đôi”, anh Khánh nói và khẳng định mọi học sinh đều có thể theo học chứ không riêng những em có hoàn cảnh khó khăn.
Khi còn là sinh viên ĐH Nông Lâm, Khánh đã từng làm gia sư và dần nhận ra giáo dục chính là đam mê của mình. Có hôm ốm, vừa truyền nước xong chàng sinh viên đã chạy thẳng đến lớp. “Chỉ cần nhìn thấy học sinh là mọi mệt mỏi tan biến”, anh nhớ lại.
Ra trường, chàng trai 22 tuổi theo học lớp nghiệp vụ sư phạm, nhận dạy kèm học sinh từ Sài Gòn đến Bình Dương. Chưa đứng trên bục giảng của ngôi trường chính thức nào, nhưng anh được nhiều phụ huynh và học sinh tin tưởng. Gặp học sinh hoàn cảnh khó khăn, Khánh chẳng bao giờ nhắc tới học phí.
“Thầy chỉ mong các em được học, có tương lai, sau này còn giúp đỡ gia đình và xã hội”, anh thường động viên học sinh khi có bạn tủi thân vì thầy chẳng chịu thu tiền.
Ở thành phố Dĩ An, nơi anh Khánh lập nghiệp từ năm 2007, anh đã nhận được ân tình của nhiều người. Năm 26 tuổi, anh gãy chân nằm bẹp ở nhà. Đến bữa lại có vài phụ huynh mang đồ ăn đến rồi giặt giúp quần áo, chăn màn. Từ tháng ngày đó, anh ấp ủ ý muốn tri ân tới những con người nơi đây. Nhưng do kinh tế eo hẹp, lương mới đủ nuôi thân, anh chỉ dám ước mơ trong đầu.
Cuối năm 2021, sau khi cả nhà khỏi Covid-19, người đàn ông này gây bất ngờ khi bán mảnh đất bố mẹ cho ở quê lên thành phố Dĩ An mua đất mới rồi xây trường miễn phí, dù cả gia đình bốn người vẫn đang ở trọ.
“Đợt đi phát lương thực, thuốc men mùa dịch, anh thấy nhiều học sinh khổ quá. Xây được trường, chắc chắn hỗ trợ các em phần nào việc học hành”, Khánh mở lời với vợ, trước khi quyết định bỏ phần lớn số tiền tích góp suốt 20 năm của hai vợ chồng vào ngôi trường.
Từ thời yêu nhau, chị Lê Thị Yên, vợ anh Khánh, đã quá quen cảnh người yêu đưa gần hết tiền trong ví cho người hành khất hay hát rong gặp ngoài đường. “Anh làm gì em cũng ủng hộ”, người vợ nói. Sau khi chồng mua đất, chị rút nốt tiền tiết kiệm còn lại để anh có kinh phí xây trường.
Người dân Dĩ An khen có, thắc mắc cũng có, “bởi sao có tiền mà không mua nhà, để vợ con vẫn phải ở thuê?”.
“Tôi được như hôm nay là nhờ ơn nhiều người. Góp một phần công sức để các em vực dậy việc học sau dịch, đáng để làm trước”, anh Khánh giải thích một cách đơn giản.
Ba tháng qua, hơn chục người thợ làm việc hết công suất, ngôi trường dần thành hình. Nhiều phụ huynh, người quen biết chuyện tình nguyện bỏ tiền mua bàn ghế, máy lạnh lắp cho trường nhưng anh Khánh đều từ chối. Anh chia sẻ, không kêu gọi đóng góp, không nhận tiền của bất cứ ai, như vậy học sinh đến đây mới không vướng bận chuyện tiền bạc, chỉ tập trung vào học.
Biết thầy Khánh xây trường, anh Võ Cao Trí, bí thư đoàn phường Dĩ An, nơi mở lớp học miễn phí, gợi ý làm giúp mọi giấy tờ liên quan để mọi thứ nhanh hoạt động. “Việc tốt cần nhận được sự hỗ trợ kịp thời”, vị bí thư nói.
Nghe về lớp học miễn phí, ban đầu nhiều phụ huynh không tin là thật, nghĩ có mục đích nào khác. Có người theo con vào tận lớp ngồi dự giờ, theo dõi một thời gian dài mới tin tưởng.
Chị Trần Thị Hằng, 50 tuổi, phụ huynh một học sinh lớp 9 ở khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, cho biết rất muốn con được ôn luyện để thi chuyển cấp nhưng vì dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên chưa có điều kiện cho đi học.
“Với thu nhập nghề may hiện tại 5 triệu một tháng, tôi không đủ tiền đóng học thêm cho con. Thật may thầy Khánh phụ đạo miễn phí, con gái tôi có thể được ôn luyện, hy vọng đỗ vào cấp 3”, người mẹ chia sẻ. Chị từng ngỏ ý gửi ít tiền duy trì lớp học nhưng thầy từ chối.
Khi đi vào hoạt động, anh Khánh dự kiến nguồn thu ổn định từ việc đầu tư kinh doanh thức ăn chăn nuôi, làm trang trại, mở quán cà phê… sẽ giúp trường hoạt động ổn định mà không cần sự giúp đỡ tài chính của ai.
“Trong tương lai, tôi tiếp tục xây phòng học trên diện tích còn lại, để nhận thêm nhiều học sinh hơn”, Ngô Văn Khánh khẳng định.
Hải Hiền