Chuyến thăm Sri Lanka để lại không ít kỷ niệm đáng nhớ, ấn tượng đặc biệt với độc giả Lân Đào về một đảo quốc trong khủng hoảng kinh tế.
Chúng tôi, ba người lớn và một trẻ em, lên đường đi Sri Lanka những ngày đầu tháng 5, khi dư âm của Covid-19 vẫn còn. Chúng tôi bay chuyến của Air Asia, quá cảnh tại Kuala Lumpur. Khi đang làm thủ tục ở sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi được thông báo cần mua bảo hiểm để hoàn thiện thủ tục nhập cảnh tại Sri Lanka.
Hạ cánh lúc 21h, chúng tôi về nghỉ tại nhà một người bạn ở Kirindiwela, cách thủ đô Colombo khoảng hơn 40 km. Người Sri Lanka đón chúng tôi bằng sự ngại ngùng nhưng chu đáo và tinh tế. Biết chúng tôi không ăn cay, họ không bỏ tiêu, ớt, đồng thời luộc một đĩa rau cải bắp và cà rốt.
Những ngày sau đó, gia đình bạn không ăn cùng chúng tôi, phần vì thời gian ăn khác nhau – các bữa của họ đều rất muộn, phần vì thói quen ăn uống khác biệt. Họ thường ăn bốc nên mỗi người sẽ có một đĩa cơm và thức ăn riêng, không ngồi quây quần với nhau.
Em bé duy nhất trong đoàn Việt Nam nhanh chóng làm quen với các bạn gần nhà. Tối nào, chúng cũng tụ tập chơi bóng bay, trốn tìm, hát các bài hát Việt Nam và tiếng Sinhala – một trong hai ngôn ngữ địa phương.
Sri Lanka những ngày này đượm một màu u buồn giữa khủng hoảng kinh tế, biểu tình và những tối mất điện do cắt giảm năng lượng. Nhưng điều đó không ngăn được những nụ cười trẻ thơ hồn nhiên và tình thân ái. Khi tôi cho bọn trẻ bánh kẹo, chúng chỉ ăn một nửa, còn lại mang về cho cha mẹ, anh chị em. Cảnh đó khiến tôi nhớ lại tuổi thơ của mình đầu những năm 90 của thế kỷ trước ở Việt Nam, ăn gì cũng nghĩ đến để dành cho em.
Giá cả ở Sri Lanka khá rẻ nhưng vẫn cao so với thu nhập của người dân lúc này. Theo lời bạn tôi, người đang làm cho một công ty Anh – Mỹ sản xuất linh kiện máy bay, thu nhập của kỹ sư ở công ty anh chỉ rơi vào khoảng 300-350 USD một tháng. Người cậu của anh này có một garage sửa chữa ôtô, có thể coi là người giàu có ở Sri Lanka với năm chiếc ôtô, nhưng lúc này hầu như không có thu nhập. Ông vẫn cố cầm cự doanh nghiệp của mình, phần vì hy vọng vào những khởi sắc kinh tế trong tương lai gần, phần vì không thể không trả lương cho những người công nhân vốn đã quá nghèo.
Các hàng quán ở Sri Lanka không quá đa dạng và không dễ để tìm được một quán ăn ven đường. Trong một tuần, họ sẽ đóng cửa vài ngày để đi biểu tình phản đối chính phủ. Nhưng cũng giống như tính cách con người ở đây, những cuộc biểu tình hầu hết diễn ra trong hòa bình và trật tự. Đường phố chỉ đông đúc ở những trạm xăng, nơi cả một hàng dài phương tiện xếp hàng chờ. Trước khi chúng tôi đến đây, người bạn đã tích sẵn ở nhà hơn 50 lít xăng để đưa chúng tôi đi chơi. Mỗi lít xăng được bán với cái giá cắt cổ gần 5 USD.
Người dân Sri Lanka phần lớn theo đạo Phật, họ ăn bốc, đi chân trần, tính tình hiền lành, chân thật và hiếu khách. Bốn chúng tôi tá túc ở nhà họ trong một tuần, uống hết ba buồng dừa, ăn hết bốn quả dưa hấu, cơ man là chuối, dứa… Mẹ của bạn tôi ngày nào cũng phải nấu ăn cho gần chục người nhưng không khi nào thấy bà phàn nàn hay tỏ ra mệt mỏi. Những con người tuy nghèo nhưng rất phóng khoáng và nhiệt thành. Chỉ cần bạn nói Hallo (Xin chào) với họ, chắc chắn họ sẽ đáp lại; chỉ cần bạn cười với họ, chắc chắn họ sẽ cười với bạn; bạn cho họ một cái bánh, ngày hôm sau, họ sẽ qua nhà tặng bạn một ít đường làm từ dừa, một túi roi hay một món quà nào đó…
Do em bé thích ở nhà chơi với các bạn xung quanh nên chúng tôi chỉ thăm thành phố Kandy, đến chùa Răng Phật, thăm công viên voi, xem thế giới cá. Các nơi này hầu như đều mất vé vào cửa, vé cho người nước ngoài sẽ đắt hơn người bản địa. Tại chùa Răng Phật, giá vé sẽ giảm đối với du khách đến từ các nước Phật giáo (không bao gồm Việt Nam).
Sri Lanka những ngày này rất nóng. Nóng vì thời tiết mùa hè luôn ở ngưỡng 33 – 35 độ C, nóng vì những buổi tối cắt điện với toàn tiếng muỗi vo ve. Người dân ở đây họ không đập muỗi, chỉ xua chúng đi nhưng những vị khách dai dẳng này chắc chắn không vì thế mà chùn chân. Nóng vì những cuộc biểu tình, thậm chí đã có cả đốt phá. Nhưng nóng hơn cả là tình người – những con người hồn hậu, ấm áp, ăm ắp tình cảm. Khi chúng tôi ra về, cả gia đình bạn tôi đều khóc, bọn trẻ con hàng xóm còn cố chạy theo xe chúng tôi để vẫy tay chào Ta ta (Tạm biệt)…
Lân Đào