Hà NộiLúc phát hiện con trai bị ung thư máu, chị Thắm chỉ có 20.000 đồng trong người. Để chữa bệnh cho con, hai năm đầu người mẹ chỉ ăn cơm trắng.
Một chiều tháng 6/2013, chị Hồng Thắm đưa con trai Vũ Minh Đức, 5 tuổi, đi tháo bột ở Trung tâm y tế quận Kiến An, Hải Phòng. Thấy cậu bé bụng to, da trắng khác thường, nhân viên y tế bảo nên làm xét nghiệm máu luôn.
Nhìn kết quả, bác sĩ lập tức chỉ định chuyển viện. Chị Thắm hoảng hốt vì chưa biết con mình bị gì, thêm nỗi lo vì túi chỉ có 20.000 đồng. Người mẹ 37 tuổi cuống cuồng cầu cứu người thân để đưa con nhập viện.
Hồi đó lương công nhân da giày của chị được 1,1 triệu đồng, lương lái xe của chồng 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Nuôi hai con, gia đình gần như tháng nào cũng hết.
Đưa con ra Hà Nội, chị Thắm buộc phải xin nghỉ làm công nhân. Thu nhập của người mẹ trong những ngày đầu cứu con đến từ việc nhặt chai nhựa tái chế nhận lương 50.000 đồng mỗi ngày, giúp việc theo giờ hay bưng bê quán.
Mỗi ngày ở viện, hai mẹ con chung nhau một suất cơm 25.000 đồng. Ngấm thuốc có corticoid nên Đức thèm ăn. Chị Thắm động viên con ăn hết thịt, rau để có sức chống chọi bệnh, còn mình vẹt nốt những hạt cơm.
Hai năm liên tục chỉ ăn cơm trắng khiến tay chân chị Thắm trắng bệch, ù tai, chóng mặt. Bác sĩ điều trị của Đức nhiều lần thuyết phục chị đi khám, kết quả bị thiếu máu trầm trọng. “Thiếu máu dẫn tới suy tim. Em cứ như vậy còn chết trước cả con”, vị bác sĩ cảnh cáo.
“Bao lần tôi ngẩng mặt lên trời, hỏi ông trời kiếp trước tôi gây tội gì mà trừng phạt tôi nặng thế”, chị Thắm bộc bạch. Có lần, chị thậm chí nghĩ tới cảnh ôm theo hai con trai nhảy cầu để thoát khỏi bể khổ.
Thương con gái, bà Trần Thị Bé từ Ninh Bình sang Hải Phòng ở phòng trọ chăm các cháu. Toàn bộ khoản lương mất sức 1,5 triệu đồng mỗi tháng của bà cũng được dồn vào để phụ con. Lúc cháu đi nhà trẻ, bà đi nhặt ve chai hay lượm củi về đun nấu. Bị thoái hóa cột sống, bà vẫn xin phụ rửa bát cho một quán cơm. Cứ chiều tan làm, chủ quán lại dúi cho túi thức ăn mang về làm bữa tối.
Khó khăn kinh tế chỉ là một nửa gánh nặng. Nửa kia là những sự cố không ngừng trong suốt quá trình điều trị của Minh Đức. Có lần bé mới về tới nhà sau ca truyền hóa chất thì dồn dập những cơn ho thắt bụng, nửa đêm bắt đầu sốt. Mờ sáng, hai mẹ con lên Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ xác định bị viêm phổi thùy phải, nằm viện điều trị ba tuần. Vừa hết thời gian ở đây lại tiếp lịch truyền hóa chất ở Viện Huyết học.
Đỉnh điểm ở đợt điều trị cuối, Đức phải dùng loại hóa chất tiêm bắp đùi, nồng độ cao gấp năm lần đợt một. Mới vào thuốc được 15 phút, môi bé sưng lên, nổi mảng đỏ từ mặt đến chân rồi kêu: “Mẹ ơi, con không thở được”.
Chỉ mươi phút sau, cậu bé nằm bất động trong phòng cấp cứu, thở oxy, tay cắm mấy cây kim, dây truyền chằng chịt. Lòng người mẹ hoang mang tột cùng. “Cứ mỗi lần truyền hóa là tôi nơm nớp. Nỗi bất an này gặm nhấm tôi từng phút vì chỉ sợ con không đủ sức chịu đựng mà bỏ lại mẹ”, chị chia sẻ.
May mắn lần đó Minh Đức qua khỏi.
Hoàn cảnh của hai mẹ con được rất nhiều người thương. Một gia đình ở quận Đống Đa nhường căn hộ tập thể chưa dùng đến, để mấy mẹ con Thắm ở. Một nữ doanh nhân, tháng nào cũng hỗ trợ viện phí. Thi thoảng ở bệnh viện có nhà hảo tâm đến thăm hỏi, hai mẹ con dành dụm lại.
Chị Phạm Thị Khánh Ngân, công tác tại Cục Di sản Văn hóa, người cho mượn căn tập thể khoảng 70 m2 cho biết, cả nhà chị đều rất thương cháu Đức và mẹ. Từ năm 2014, chị đã động viên Thắm chuyển lên Hà Nội ở để tiện vào viện những lúc bất thường, nhưng Thắm từ chối, bảo vẫn có thể lo được. Khi tình trạng sức khỏe Thắm suy sụp vì suy dinh dưỡng mới nhận lời.
“Là người dưng thôi, nhưng sự chân thành của chị Ngân và gia đình khiến tôi cảm động vô cùng. Cả đời này tôi cũng không biết trả ơn chị thế nào cho đủ”, chị Thắm chia sẻ về người đã cho mình ở nhà miễn phí suốt sáu năm qua.
Lần chuyển đồ lên Hà Nội, Thắm dậy từ 2h30′ sáng, chất ba bao tải lên chiếc xe máy anh trai cho. Xe nát đến mức chạy rung lắc như đánh võng. Một mình lao ra quốc lộ 5 cũ trong trời tối như mực, song nghĩ đến tương lai sẽ ổn định, chị không còn sợ nữa.
Từ đó bà Bé chăm sóc hai cháu, còn Thắm tranh thủ đi làm, từ giúp việc, bán quần áo, phụ quán ăn đến bán bảo hiểm. Những tưởng khó khăn đã dần qua thì năm 2017, tế bào ung thư của Đức tái phát. Hành trình 5 năm trước coi như đổ sông đổ bể.
Cả gia đình trở lại điểm xuất phát, một lần nữa chống chọi ung thư. Đến nay sau bốn năm, sức khỏe của Đức đã tạm ổn.
Thấu hiểu vất vả của mẹ, Minh Đức như một cậu bé “thiên thần”, rất yêu mẹ, thương em, thương bà. Ở cậu bé toát lên sự lạc quan, tươi cười và năng lượng tích cực. Vì bệnh mà em thường xuyên phải nghỉ học, dù vậy luôn giữ vững thành tích top đầu của lớp, từ cấp một tới nay.
“Nghị lực và lạc quan trong Đức có lẽ ảnh hưởng từ mẹ. Rất nhiều lần, hội phụ huynh đề nghị được hỗ trợ, nhưng mẹ Đức từ chối”, cô Lê Thị Ánh Hồng, giáo viên chủ nhiệm của Minh Đức, Trường THCS Tam Khương, cho biết. Hồi tháng 8, Covid-19 khiến công việc thời vụ của chị Thắm bị đứt quãng, không còn chi phí điều trị cho con và không đủ khả năng mua thiết bị học online, chị mới chịu nhận hỗ trợ.
Một ngày gần đây hai mẹ con Đức vỡ òa khi nhận được cuộc gọi từ cuộc thi Vì một Việt Nam tất thắng. Minh Đức là một trong 16 em nhỏ được tham dự cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Trước buổi gặp, Đức bảo mẹ phải cắt cho em một mái tóc mới thật đẹp.
“Mẹ hay bảo em sống một ngày, một tháng hay một năm cũng là sống. Quan trọng là phải sống có ý nghĩa và làm được gì”, cậu bé 13 tuổi nói.
Phan Dương
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.