Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Mẹ nên làm gì khi bé lười ăn dặm?

Mẹ nên làm gì khi bé lười ăn dặm? Thông tin
Rate this post

Nếu bé chỉ muốn uống sữa mà không chịu ăn dặm, mẹ nên kiên nhẫn, thử cho bé ăn bằng tay và ăn các món ăn hấp dẫn khác nhau.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Đỗ Uyên – Bác sĩ Trưởng Nutrihome Hoàng Văn Thụ, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, từ 6 tháng tuổi trở lên, nếu bé chỉ uống sữa mà không chịu ăn dặm cháo, bột hay cơm thì dễ có nguy cơ thiếu chất, không tốt cho sự phát triển toàn diện. Sữa mẹ hay sữa công thức vẫn là nguồn cung cấp dưỡng chất quan trọng giúp trẻ sau 6 tháng tuổi phát triển. Tuy nhiên, từ độ tuổi này, trẻ cần ăn dặm để bổ sung thêm đầy đủ các dưỡng chất như sắt, các loại axit amin thiết yếu, protein… khi nhu cầu cơ thể tăng lên.

Ăn dặm còn giúp trẻ làm quen dần với thức ăn đặc, tập nhai để tăng sức mạnh cơ hàm và giúp bé thưởng thức nhiều loại thực phẩm, hạn chế tình trạng trẻ biếng ăn khi lớn lên. Để cải thiện tình trạng trẻ không ăn chỉ uống sữa và giúp bé ăn uống tốt hơn, bố mẹ có thể tham khảo các biện pháp dưới đây, theo bác sĩ Đỗ Uyên:

Đừng vội từ bỏ món ăn mà bé từ chối: việc từ chối ban đầu có thể do bé chưa quen với loại thức ăn mới, bố mẹ có thể phối hợp với những loại thực phẩm quen thuộc để bé làm quen dần. Việc tiếp xúc nhiều lần với thức ăn mới sẽ giúp trẻ học cách chấp nhận.

Thử nghiệm cho trẻ ăn những món khác nhau: việc khuyến khích bé ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau sẽ giúp bé nhận đầy đủ nguồn dinh dưỡng, các loại vi chất cần thiết cho quá trình tăng trưởng cũng như tăng cảm giác ngon miệng. Bố mẹ có thể linh hoạt trong việc kết hợp nhiều loại thức ăn, giúp bé có cảm hứng hơn trong việc ăn uống.

Mẹ nên làm gì khi bé lười ăn dặm? Thông tin

Ăn dặm đúng cách giúp hạn chế tình trạng biếng ăn. Ảnh: Shutterstock

Khuyến khích trẻ ăn bằng tay: với những bé có thể cầm nắm và phối hợp vận động tốt, bố mẹ nên khuyến khích trẻ dùng tay để bốc ăn hoặc tự ăn. Điều này cũng kích thích bé ăn nhiều hơn, đây là một trong những hoạt động bé thích khi ăn uống. Thời gian đầu, một số bé cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đưa thức ăn vào miệng, bố mẹ cần theo dõi, trợ giúp khi cần thiết để bé hoàn thiện dần động tác.

Kiên nhẫn với trẻ: đây là điều quan trọng nhất vì mỗi bé sẽ có giai đoạn phát triển khác nhau. Bố mẹ cần kiên nhẫn, tìm cách kết hợp các loại thực phẩm để kích thích trẻ ăn ngon miệng, đồng thời hỗ trợ trẻ trong việc ăn uống. Ngoài ra, thời gian bố mẹ dành cho trẻ nhiều hơn cũng sẽ giúp tăng sự kết nối, tình cảm gia đình.

“Để bé tập làm quen dần dần với thức ăn đặc, rắn và ăn được nhiều hơn sau khi bắt đầu ăn dặm, bố mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn giúp trẻ ăn dặm ngon miệng và đủ chất hơn” bác sĩ Uyên cho biết.

Dưới đây là một số thực đơn ăn dặm theo từng độ tuổi mà mẹ có thể tham khảo:

Từ 6-7 tháng bố mẹ có thể cho trẻ ăn cháo bí đỏ. Thành phần: 1/3 chén cháo trắng, một miếng bí đỏ hấp chín, nước dùng gà. Phụ huynh tán nhuyễn bí đỏ, trộn cùng cháo trắng và rây mịn, thêm nước dùng gà tùy ý (đặc hoặc loãng), cho trẻ dùng. Ngoài ra, súp khoai tây cũng là gợi ý. Mẹ lấy 1/2 củ khoai tây hấp chín, nước dùng gà, tán hoặc xay khoai tây thật mịn, nhuyễn. Sau đó thêm nước dùng gà tùy ý phù hợp với khẩu vị bé.

Trẻ từ 7-8 tháng có thể ăn cháo rau cải thịt gà. Thành phần: 1/2 chén cháo trắng, 15g rau cải, 10 g thịt gà. Gia đình chế biến rau cải, thịt gà rửa sạch, hấp chín và băm nhuyễn; phi hành thơm, xào sơ qua rau cải + thịt gà; cho tất cả vào cháo, khuấy đều và cho trẻ dùng.

Với món bí đỏ trộn táo, thành phần: 25g bí đỏ, 20 g táo. Bí đỏ gọt vỏ, hấp chín; táo gọt vỏ xay nhuyễn lược qua rây lấy nước; trộn bí đỏ cùng nước táo cho trẻ dùng.

Mẹ nên làm gì khi bé lười ăn dặm? Thông tin

Trẻ tự ăn bằng tay có thể cảm thấy thích thú hơn. Ảnh: Ảnh: Shutterstock

Bé 9-12 tháng đã lớn hơn, cháo bông cải nấu cá là gợi ý trong thực đơn ăn dặm. Thành phần: một bát cháo trắng, 25 g bông cải, 20 g cá, nước dùng. Cách làm: bông cải và cá hấp chín, băm nhuyễn; đun sôi nước dùng, cho bông cải, cá đã băm nhuyễn kết hợp với cháo trắng vào nấu sôi lên; khuấy đều, để nguội và cho trẻ dùng.

Ngoài ra, mẹ bổ sung súp gà nấm cà rốt: Thành phần: 25 g thịt gà, 10 g nấm rơm, 10 g cà rốt, nước dùng gà, bột năng. Cha mẹ chuẩn bị thịt gà, nấm, cà rốt luộc chín cắt nhuyễn; cho thịt gà, cà rốt, nấm vào nước dùng gà nấu sôi, cho thêm ít bột năng vào khuấy sền sệt. Mẹ có thể thêm chút muối hoặc không, múc ra chén để nguội cho trẻ dùng.

Theo bác sĩ Đỗ Uyên, nguyên nhân khiến trẻ không muốn ăn dặm, cụ thể là ở giai đoạn mới bắt đầu ăn dặm từ 6-7 tháng tuổi do trẻ chưa thể thích nghi ngay với việc ăn dặm, mẹ cho bé ăn dặm thức ăn không phù hợp với độ tuổi, hoặc chế biến món ăn dặm không đúng cách. Ví dụ, cho trẻ ăn mặn ngay khi bắt đầu ăn dặm trong khi trẻ đã quen với vị ngọt của sữa. Ngoài ra,thức ăn đặc còn mới lạ đối với trẻ, trẻ cần thời gian để làm quen với kết cấu thức ăn mới.

Với trẻ 8-10 tháng tuổi, lý do có thể còn do khả năng phối hợp các cơ hàm từ việc mở miệng, kéo thức ăn ra khỏi thìa, ngậm miệng, nuốt của bé chưa nhuần nhuyễn. Biểu hiện là thức ăn rơi ra khỏi miệng bé hoặc bé hay lấy tay bịt miệng khi ăn. Ngoài ra, có thể do trẻ không thích loại thức ăn đang ăn.

Với những trẻ đang ăn dặm nhưng đột nhiên lại không thích ăn nữa, nguyên nhân có thể là do trẻ mọc răng, nướu sưng, tấy đỏ gây đau làm bé khó chịu khi ăn. Trường hợp này bố mẹ có thể ngưng cho trẻ ăn dặm trong thời gian mọc răng hoặc nhờ sự trợ giúp của bác sĩ để giúp bé ăn uống tốt hơn. Từ tháng thứ 7 trở đi, bé cũng có thể cảm thấy ngán các loại thức ăn dành cho trẻ mới tập ăn dặm. Do đó, phụ huynh nên thay đổi món ăn với mùi vị, kết cấu và thành phần thực phẩm phong phú hơn.

Lại Giang

Hoa tiền