Trong những ngày Tết quan trọng nhất, người Mông Cổ đãi khách bằng các món trà sữa, bánh ngọt xếp tầng, thịt cừu luộc hoặc cơm nấu sữa đông…
Tsagaan Sar là ngày lễ lớn nhất mùa đông – xuân của người Mông Cổ, là dịp họ được thưởng thức những món ăn truyền thống ở các gia đình khi đến thăm. Trong tiếng Mông Cổ, Tsagaan Sar nghĩa là trăng trắng”, ngày đầu tiên trong năm theo lịch Mông Cổ trùng thời điểm với Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, Việt Nam. Trong những ngày năm mới này, người Mông Cổ dành thời gian bày tỏ lòng kính mến tới người cao tuổi trong gia đình, thăm hỏi họ hàng và chuẩn bị bàn tiệc để tiếp đãi khách. Dưới đây là những món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền của họ.
Trà sữa
Thức đầu tiên bạn được mời thử khi bước vào một ngôi nhà Mông Cổ là trà sữa. Đây là đồ uống nóng phổ biến mà người dân uống thường xuyên trong những ngày mùa đông giá rét. Pha trà sữa khá đơn giản, chỉ cần nước nóng, lá trà, sữa và một chút xíu muối. Sữa có thể dùng sữa dê, bò, cừu hoặc lạc đà. Trà pha trong ấm rồi rót ra tách theo kiểu rót từ trên cao xuống. Ngoài cách uống riêng lẻ thông thường, trà sữa cũng đi kèm trong các bữa ăn, kết hợp khi mọi người thưởng thức những món bánh, cơm…
Tsagaalga
Đây là món thứ hai du khách nên thử nếu tham gia Tsagaan Sar của một gia đình Mông Cổ, làm từ sữa đông, cơm và nho khô kết hợp bơ vàng, sữa, bột mì, đường và muối. Nguyên liệu quan trọng nhất của món này là sữa đông làm theo cách truyền thống, vì người Mông Cổ quan niệm sữa đông màu trắng tinh sẽ “thanh tẩy” những điều đen tối, xui rủi.
Ul boov
Những lớp bánh ngọt dài xếp chồng sole lên nhau như tháp có tên gọi ul boov là món ăn và phần trang trí chính trong mâm cỗ ngày Tsagaan Sar. Ở trung tâm ul boov có in hình hoa văn bằng cách đóng dấu gỗ. Những chiếc bánh này xếp lên thành tầng nhưng số tầng là số lẻ. Mỗi tầng có khoảng 4 chiếc tạp nên 4 bên tượng trương cho 4 hướng. Tầng đầu tiên đại diện cho hạnh phúc, tầng thứ hai đại diện cho những đau khổ, cứ thế tiếp tục và kết thúc là tầng hạnh phúc. Người Mông Cổ quan niệm về những con số lẻ, họ mong muốn một vòng tròn cuộc đời bắt đầu và kết thúc đều diễn ra trong hạnh phúc.
Số tầng bánh ul boov phụ thuộc vào số tuổi cũng như địa vị của người lớn tuổi trong gia đình đó. Một gia đình trung lưu bày ul boov 5 tầng, gia đình trẻ tuổi có thể bày 3 tầng, và nếu gia đình nào có người 70 tuổi thì bày bánh 7 hoặc 9 tầng. Một số người Mông Cổ sử dụng kem đông cỡ lớn để xếp ul boov thay cho bánh ngọt dài.
Tầng trên cùng của tháp bánh thường đặt một chiếc bánh tròn, bày thêm các sản phẩm từ sữa như bơ, kem đông hoặc kẹo, đường cục… cắt miếng nhỏ vừa ăn để mời khách tự nhón tay thử. Sau Tết những chiếc bánh ngọt dài được chia cho mọi người trong nhà để ăn sáng cùng với trà sữa.
Uut
Đây là nguyên phần lưng của con cừu, chứa cả chiếc đuôi béo của nó đã được luộc chín trong vòng 2-3 ngày trước Tsagaan Sar. Dân Mông Cổ luộc cừu trong một chiếc nồi lớn có thêm muối, luộc xong để đông. Ngoài dịp Tết, uut cũng có mặt trong các mâm cỗ dịp cưới hỏi. Trong đêm giao thừa, gia chủ sẽ cắt những miếng uut đầu tiên, đem dâng lên lửa và các vị thần sau đó mới chia cho các thành viên trong nhà. Trong những ngày Tsagaan Sar, khách đến nhà sẽ được chủ nhà mời uut. Mỗi đêm phần uut còn lại vẫn được bảo quản lạnh, để đảm bảo thịt cừu không bị hỏng.
Airag
Sữa lên men, một thức uống truyền thống khác của người Mông Cổ, được dùng trong các ngày Tết có tên gọi là airag hoặc kumis. Vào mùa hè từ tháng 6 đến tháng 9, cũng là mùa thu hoạch sữa ngựa, thức uống này phổ biến nhất. Tuy nhiên, người dân nơi đây đông lạnh sữa ngựa để dành tới Tsagaan Sar uống. Airag làm từ sữa ngựa lên men vài giờ đến vài ngày nên có vị chua, hơi có ga và cồn nhẹ (2-3% cồn).
Buuz
Những chiếc bánh bao nhân thịt bò và thịt cừu. Nguyên liệu chính làm bánh là bột mì, thịt băm nhuyễn hoặc thái nhỏ, hành, muối, tiêu và thìa là. Khi Mông Cổ bước vào mùa đông giá rét, các gia đình đã bắt đầu chuẩn bị làm buuz trong vài tuần cuối năm, trước Tết truyền thống, rồi trữ đông ăn dần trong dịp lễ. Một gia đình có người già trong nhà sẽ làm tới 1.000 chiếc bánh này để ăn và tiếp khách. Công việc làm bánh cũng là dịp để mọi người trong nhà quây quần bên nhau vì cần 3-4 người chế biến số lượng lớn bánh buuz. Người nhào bột, nặn bánh, người thái, xay thịt làm nhân, người khác kiểm bánh và làm đông. Bánh chín sau khi hấp 15-20 phút nhưng vẫn đảm bảo là món thơm ngon và phổ biến nhất. Ngày nay, nhân bánh có thể thêm rau, bơ hoặc hải sản. Một số gia đình còn thêm đồng xu trong nhân để ai ăn trúng sẽ nhận được nhiều may mắn trong năm mới.
Khánh Trần (Theo Discover Mongolia)