Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Lưu ý khi trưng bày tượng sư tử theo phong thủy

Lưu ý khi trưng bày tượng sư tử theo phong thủy Thông tin
Rate this post

Tượng sư tử được coi như một linh vật ở quốc gia, dân tộc này nhưng cũng bị coi là ‘xui xẻo’ ở một quốc gia, dân tộc khác.

Vì vậy bày tượng sư tử cần chú ý lưu ý đến yếu tố biểu tượng văn hóa tâm linh và giá trị phong thủy

Sư tử là biểu tượng của ngôi tôn chủ, điềm lành, sự phát triển mới trong quan niệm dân gian ở nhiều quốc gia trên thế giới. Múa sư tử khá phổ biến ở nhiều nước phương Đông, nhất là trong các dịp khánh tiết, lễ hội, khai trương và nhiều hoạt động văn hóa khác.

Trong phủ đệ của tầng lớp thống trị hoặc công trình kiến trúc tôn giáo – tâm linh, người ta đặt những cặp tượng sư tử đá to lớn, khí thế hung dữ… tập trung thể hiện vị thế độc tôn của gia chủ.

Ngược lại, nhân dân nhiều địa phương ở nước ta coi sư tử là loài ác thú, tượng sư tử không phải là “đồ chơi phong thủy” hay vật trang trí truyền thống. Người Việt múa rồng, múa lân trong các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian; bày tượng, treo tranh lục súc… là những loài vật gần gũi, gắn bó với mỗi gia đình trong đời sống hàng ngày.

Lưu ý khi trưng bày tượng sư tử theo phong thủy Thông tin

Theo văn hóa truyền thống và thuần phong mỹ tục của Trung Quốc, ở cổng cung điện, nha môn, lăng tẩm, miếu đường, viên lâm, cầu lớn hoặc gia trạch lớn… người ta thường đặt đôi sư tử đá để trấn trạch. (Ảnh: Shutterstock).

Từ cung vua phủ chúa đến các kiến trúc tôn giáo-tâm linh, người Việt chủ yếu sử dụng hình tượng rồng-phượng, lân, nghê, rùa, hạc, voi, ngựa… để trang trí và giải quyết các vấn đề phong thủy.

Đặc điểm nổi bật trong các công trình kiến trúc và tạo hình linh vật của người Việt là cảm giác thân thiện gần gũi, uy nghi nhưng hiền hòa ổn trọng… Đây cũng là một trong những đặc điểm xuyên suốt trong tinh thần văn hóa, đạo lý truyền thống của dân tộc ta.

Về phương diện phong thủy, ở Trung Quốc và một số quốc gia khác trong khu vực, tượng sư tử chủ yếu được sử dụng để trấn yểm, làm bằng đá, đồng, ngọc hoặc gốm sứ (ngũ hành thuộc kim), dáng vẻ hung tợn, phù hợp với mục đích áp chế ma quỷ, tiêu diệt sát khí.

Phong thủy không khuyến khích trấn yểm, vì trấn áp luôn đi liền với nguy cơ phản chủ-báo oán khi thế lực đối lập đủ mạnh hoặc “bùa phép suy yếu”. Bản thân sư tử cũng là loài vật khó chế ngự và hay phản phúc, hại chủ.

Vì vậy khi bày tượng sư tử phải tuân thủ các nguyên lý phong thủy hết sức nghiêm ngặt: Tượng làm bằng ngọc phải gọi là ngọc sư, bằng đá là thạch sư, bằng gốm là đào sư, bằng đồng là đồng sư… Đồng thời phải tùy màu sắc để phân rõ hồng sư (sư tử lông bờm đỏ), bạch sư, hắc sư, lục sư (sư tử xanh), kim sư (sư tử vàng)…

Làm tượng sư tử phải chọn ngày khởi tạo, ngày hoàn thành. Người thợ phải trai giới trước khi tạc tượng. Chất liệu làm tượng phải thuần nhất và tương sinh hoặc tương hòa với màu sắc của tượng…

Theo các nhà phong thủy Trung Quốc, bày tượng sư tử phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

Tượng sư tử chỉ nên bày ở cổng, cửa hoặc sân vườn. Diện tích khu vực sân vườn càng rộng càng tốt. Khoảng trống trước đầu sư tử (tính đến tường rào) phải lớn hơn 5 m; nếu bày trước cổng, nóc cổng ra vào phải cao hơn 3 m so với mặt nền.

Tượng sư tử đá phải phối hợp với đá hoặc cây cảnh. Đá bày cùng tượng sư tử màu nâu đen, có rêu, hình bầu dục. Cây cảnh phù hợp với tượng sư tử là vạn tuế, thiên tuế, tùng la hán, thạch lựu hoặc sanh, si…

Không nên bày tượng sư tử trên bàn làm việc, trong phòng đọc, tối kỵ bày trong phòng ngủ. Không được bày tượng quay nhìn vào phòng hoặc đối đầu với nhau, bày ở cửa phòng này không được hướng vào cửa phòng khác.

Tượng sư tử phải bày theo cặp, đầu có xu hướng chầu vào một điểm phía trước. Những cặp cả hai con cùng nhìn thẳng thì không nên sử dụng. Nếu một trong hai tượng bị hỏng, rạn nứt… phải thay ngay tượng mới hoặc thay cả cặp.

Nhà có nhiều gian, nhiều tòa nhà liên tiếp nhau, cùng hướng với nhau hoặc nhà thiết kế theo mô hình “tứ hợp viện”, các cặp tượng sư tử phải được bày cùng hướng, từ trong ra ngoài, từ bé đến lớn.

Tượng sư tử phải bày vào mùa thu và mùa đông, không bày vào mùa xuân, mùa hạ. Trừ những trường hợp đặc biệt, cần chọn ngày, giờ Hoàng đạo, trực Chấp, thiên can Mậu, Kỷ hoặc Nhâm, Quý để bày tượng sư tử…

Có thể nói, với sự khác biệt văn hóa và những yêu cầu về phong thủy nêu trên, nên hạn chế hoặc không sử dụng tượng sư tử. Nguyên lý căn bản của phong thủy là “hòa khí sinh tài”. Thuận theo quy luật tự nhiên và xã hội là gốc của trường sinh và phát triển.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải

Hoa tiền