Lâm ĐồngSuốt 4 tháng mắc kẹt ở TP Bảo Lộc, gia đình chị Trâm tìm niềm vui bằng cách trồng rau trên mảnh đất rộng 1.800 m2 để gửi về TP HCM, giúp đỡ tâm dịch.
Chiều ngày cuối tháng 9, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, 39 tuổi, đợi cho nắng tắt hẳn mới ra vườn cách nhà 200 m để thu hoạch gần 10 kg đỗ, rau cải, xà lách, mướp đắng… gom chung với số rau mua từ hàng xóm để đóng thùng chuyển về TP HCM.
Bốn tháng trước vợ chồng chị Trâm cùng ba con gái lên Bảo Lộc nghỉ hè. Cả nhà tính ở lại vài ngày, nhưng chưa kịp về thì bùng dịch, nhà ở TP Thủ Đức nằm trong “vùng đỏ đậm đặc”. Chồng và con gái thứ hai bị hen suyễn, lo sợ nếu về mà mắc Covid-19 sẽ rất nguy hiểm, cả 5 người đành ở lại và mắc kẹt cho đến giờ.
Cuối tháng 5, thấy người thân, bạn bè ở Sài Gòn gặp khó khăn khi mua rau củ trong bối cảnh thành phố siết chặt giãn cách, mọi người cũng sợ đặt hàng, đi chợ có thể tiếp xúc với F0, vợ chồng chị Trâm nảy ra ý tưởng cải tạo mảnh đất đồi rộng 1.800 m2, trồng rau gửi về.
Cả nhà lập tức bắt tay vào việc. Bà mẹ ba con tìm các loại rau gieo trồng nhanh, sớm được thu hoạch để sớm có sản phẩm chi viện cho tâm dịch. Những luống rau được chăm sóc tốt nên sau một tháng những thùng rau xanh đầu tiên đã “hạ cánh” ở Sài Gòn. Từ đó đến nay, lịch sinh hoạt hàng ngày của chị là sáng đi chợ, chiều làm vườn, thu hoạch rau để kịp 10h tối gửi xe. “Tất bật cả ngày nhưng mình không ngại vất vả, chỉ mong giúp được nhiều người”, chị tâm sự.
Chị Trâm nhớ lại những ngày đầu học làm nông. Lúc đó, với suy nghĩ ngây ngô của người thành thị là chỉ cần phát cỏ sẽ trồng được rau, gia đình 5 người mua dụng cụ về tự làm. Sau hai ngày, toàn bộ cỏ được dọn sạch, nhưng họ mới phát hiện rễ cây vẫn cắm sâu, lớp đất cằn trơ sỏi đá. Hai vợ chồng phải thuê máy múc đảo đất, tạo độ phẳng, sau rải từng lớp phân, trấu, xơ dừa và bắt đầu trồng.
“Người dân ở đây gọi mình là ‘gà công nghiệp’. Thấy mình mua nhầm hạt giống kém chất lượng, rau bị sâu bệnh hay bỏ chạy khi con sâu lông to bằng hai ngón tay và đủ loại côn trùng, hàng xóm thương nên chỉ bảo rất nhiều”, chị Trâm cười kể.
Nhưng khó khăn chưa dừng lại. Những ngày đầu chưa khoan được giếng, hai ngày liên tiếp không có một giọt mưa, rau héo rũ, vợ chồng chị sang hàng xóm xin từng xô nước xách về tưới. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, rau củ trong vườn lớn dần, bắt đầu trổ lá.
Hiện vườn rau của chị Trâm có 20 luống, 6 luống dài 10 m trồng đủ loại rau như cải cầu vồng, kale, cây cỏ ngọt, cải mù tạt, mướp, đậu… cho đến các loại rau gia vị, chiếm 1/3 tổng diện tích khu đất. Phần đất trống trên cao chị trồng thêm bơ, sầu riêng, chôm chôm, vú sữa hoàng kim, mâm xôi, việt quất, măng cụt, ổi, khế, nho thân gỗ.
Mắc kẹt hóa ra là một dịp tốt để người tham việc như chị Trâm được sống chậm. Tám năm trước, chị mở cửa hàng tạm hóa ở Thủ Đức và bị cuốn vào công việc đến mức không có thời gian chăm lo cho bản thân, hiếm khi cả nhà được đi du lịch. Năm ngoái, chồng chị quyết định mua nhà ở TP Bảo Lộc, nơi có khí hậu ôn hoà, gần TP HCM làm nơi nghỉ dưỡng cho vợ và các con.
Những chuyến đi ngắn về Bảo Lộc trước đó, ba cô con gái có vẻ không ưng vì cuộc sống tĩnh mịch, không có chỗ chơi. Bốn tháng trở lại đây, cùng bố mẹ đi lội suối, câu cá, cắm trại trong rừng, hái quả, chăm sóc vườn rau, có thêm bạn mới, những đứa trẻ dần thích nghi và muốn gắn bó.
Còn với vợ chồng chị mỗi ngày trôi qua đều là trải nghiệm đáng giá. Sáng thức dậy được nghe chim hót, xa có tiếng thác đổ, suối chảy róc rách, làm vườn xong lại đi bộ lên đồi ngắm núi Đại Bình và thành phố Bảo Lộc. Chiều về đi hái rau, cả gia đình quây quần nấu ăn tối.
Khi TP HCM hết dịch, gia đình chị sẽ trở về vì còn nhà cửa, công việc kinh doanh và chuyện học tập của các con. Nhưng về lâu dài, chị đang bàn tính với chồng để cả nhà về hẳn Bảo Lộc, về với vùng đất mà chị đã phải lòng.
Thúy Quỳnh