Nhiều người không có kinh nghiệm, không cần cả hồ sơ xin việc, chỉ cần đến phỏng vấn là có thể được nhận vì nhiều nơi thiếu người.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) tháng 6 vừa công bố thống kê du lịch quốc tế quý một đã tăng 182% so với cùng kỳ năm ngoái. Các điểm đến trên thế giới đón 117 triệu lượt khách quốc tế. Châu Âu là lục địa có ngành du lịch phục hồi nhanh nhất, khi lượng khách đổ xô đến đây ba tháng đầu năm tăng gấp bốn lần cùng kỳ 2021.
Không còn nỗi lo vắng người, ngành dịch vụ khách sạn ở châu Âu lại đối mặt với nỗi lo mới là sự thiếu hụt nhân viên phục vụ. Phần lớn nhân viên đã nghỉ việc trong hai năm dịch bệnh. Không ít người trong số đó không quay lại nghề cũ khi khách sạn tuyển, vì đã có việc mới lương tốt hơn.
Đối mặt với tình hình này, nhiều khách sạn đã nới lỏng yêu cầu tuyển người để hướng tới mục đích duy nhất là có nhân sự. Accor, công ty vận hành nhiều thương hiệu khách sạn nổi tiếng như Mercure và Fairmont, cần 35.000 nhân viên tại 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. CEO Sebastien Bazin cho biết Accor đang thực hiện các sáng kiến thử nghiệm trong việc tuyển dụng. Họ sẽ nhận những người chưa từng có kinh nghiệm vào ngành.
“Chúng tôi đã áp dụng thử nghiệm này ở Lyon và Bordeaux, Pháp. Nhiều ứng viên được nhận ngay trong vòng 24 giờ, dù họ không kinh nghiệm và thậm chí còn không có cả hồ sơ (CV) xin việc”. Những người này là sinh viên, phần lớn đến từ Bắc Phi. Họ được đào tạo trong sáu giờ và vừa làm vừa học thêm.
“Tôi đã nghe nói về một khách sạn lớn ở London phải đóng cửa một tầng vì không có đủ nhân viên để dọn dẹp và phục vụ các phòng”, Bazin nói.
Tình trạng thiếu nhân viên trầm trọng cũng đang diễn ra tại Tây Nha Ban và Bồ Đào Nha, nơi du lịch lần lượt đóng góp 13% và 15% cho nền kinh tế trước dịch. Các chủ khách sạn ở đó đang đưa ra các phương án như trả lương cao, cung cấp chỗ ở miễn phí và thêm nhiều đặc quyền như tiền thưởng, đóng bảo hiểm y tế nhằm thu hút nhân sự. Nhưng mọi thứ vẫn rối ren.
Gabriel Escarrer, CEO của khách sạn Melia Tây Ban Nha, nói với phóng viên ở Madrid: “Nhiều nhân viên chuyển sang các lĩnh vực khác, vì vậy chúng tôi đang bắt đầu tuyển lại từ đầu và phải tìm kiếm nhân tài mới”. Để thu hút nhân viên, Escarrer đã đưa thêm nhiều ưu đãi như chõ ở miễn phí, thậm chí là để nhân viên ở lại một số phòng trong khách sạn do thiếu nhà cho thuê ở gần các khu nghỉ dưỡng.
Các chủ khách sạn nhỏ hơn cũng đang đối mặt thách thức tương tự. Quản lý Mundial, một trong những khách sạn mang tính biểu tượng nhất ở Lisbon, Bồ Đào Nha cho biết đang cố gắng tuyển 59 nhân viên. Nếu không, khách sạn phải đối mặt với việc giảm lượng khách phục vụ cũng như cắt giảm tiện nghi mà họ có thể cung cấp. “Nếu không có người làm, chúng tôi phải cắt giảm dịch vụ. Điều này thật đáng tiếc và bi kịch đối với một ngành công nghiệp đã không có doanh thu trong hai năm qua”.
Sự thiếu hụt này cũng lan đến các quán bar, nhà hàng. Jose Carlos Saco, 52 tuổi, chỉ có thể mở quán bar ở Madrid, Tây Ban Nha vào dịp cuối tuần. Vì đó là thời điểm sinh viên được nghỉ, và anh có thể thuê họ làm nhân viên phục vụ. “Trong tuần, tôi không thể mở quán vì không có người”, anh nói.
Theo Hiệp hội Khách sạn Tây Ban Nha, ngành công nghiệp phục vụ ăn uống tại đất nước đang thiếu 200.000 lao động. Các ông chủ đã tăng 60% lương so với trước dịch cho người được tuyển dụng. Dù vậy, theo thống kê, du lịch vẫn là ngành trả lương trong top thấp nhất, với trung bình 1.150 euro một tháng.
Ở Bồ Đào Nha, khi số lượng nhân viên thiếu hụt trong ngành khách sạn là 15.000 người, các ông chủ dự kiến tăng 7% lương cho họ. Theo khảo sát của ngân hàng trung ương và Viện thống kê Quốc gia, mức lương trung bình sau dịch trả cho nhân viên là 881 euro mỗi tháng, cao hơn mức lương tối thiểu 705 euro.
Hiện tại, nhiều khách sạn vẫn có thể đối phó được với tình trạng thiếu người nếu công suất phòng khoảng 60-70%. Nhưng nếu đông khách hơn, họ sẽ khó khăn trong việc phục vụ. “Vấn đề tôi đang gặp phải là từ giờ đến cuối tháng 8, khách sạn của tôi sẽ kín phòng. Nhưng tôi không biết mình có phục vụ nổi không vì thiếu nhân lực”, một chủ khách sạn tại châu Âu chia sẻ.
Anh Minh (Theo Reuters, UNWTO)