Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Kỷ niệm khó quên khi bị giữ ở cửa khẩu Singapore

Kỷ niệm khó quên khi bị giữ ở cửa khẩu Singapore Du lịch
Rate this post

Xuất nhập cảnh nhiều lần giữa hai nước Malaysia – Singapore trong khoảng thời gian ngắn, Dy Khoa bị nhà chức trách giữ lại trong nhiều giờ.

Dy Khoa, làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại TP HCM, có chuyến công tác giữa hai quốc gia láng giềng ngay trước dịch Covid-19. Anh đã có trải nghiệm không thể quên trong phòng thẩm vấn ở cửa khẩu.

Kỷ niệm khó quên khi bị giữ ở cửa khẩu Singapore Du lịch

Dy Khoa trong chuyến thăm Singapore mới nhất, cuối tháng 4.

Singapore là một trong những quốc gia có luật pháp khắt khe nhất thế giới. Hành vi bình thường nhất như khạc nhổ hay xả bã kẹo cao su có thể bị xử rất nặng tại Singapore. Chính vì vậy, lực lượng kiểm soát biên giới của quốc gia rất gắt gao với các trường hợp xuất nhập cảnh mà họ thấy nghi ngờ. Trước đại dịch và gần đây, rất nhiều người từ các quốc gia bị lực lượng này giữ lại trước khi hoàn tất thủ tục cho phép nhập cảnh.

Singapore gần như là quốc gia quen thuộc của tôi vì đã đến đây rất nhiều lần trong mỗi năm. Trước dịch Covid-19, tôi có chuyến công tác dài ngày tại hai quốc gia Singapore – Malaysia. Tôi đáp chuyến bay từ TP HCM đến đảo quốc và được phép nhập cảnh bình thường, nhanh chóng. Khi đó, tôi khai báo rằng chỉ nhập cảnh để quá cảnh di chuyển sang Malaysia.

Rời khỏi sân bay, tôi bắt xe buýt và đến cửa khẩu Woodlands ngay trong ngày hôm đó. Việc xuất cảnh cũng dễ dàng, tôi không bị lực lượng biên giới hỏi han gì. Sau khi xuất cảnh thành công, tôi lên xe buýt tiếp tục hành trình sang bên kia eo biển – cửa khẩu Malaysia. Đội ngũ xuất nhập cảnh của quốc gia này chỉ hỏi ở bao lâu. Tôi có một đêm làm việc tại thành phố Johor Bahru (bang Johor) và tôi cũng trả lời thật như vậy với họ.

Sáng hôm sau, tôi bắt đầu lại quy trình tương tự như vậy, xuất cảnh Malaysia, nhập cảnh Singapore. Lần này tôi khai báo ở lại Singapore hai ngày. Tôi thật sự ở đây thêm hai đêm. Sau hai đêm đấy, tôi lên xe khách đường dài đến Kuala Lumpur (thủ đô Malaysia). Các bước xuất, nhập cảnh Singapore và Malaysia diễn ra suôn sẻ như hàng chục lần tôi đến và đi hai quốc gia này.

Tôi ở tại Kuala Lumpur trong hai đêm và đi xe khách trở lại Singapore. Theo kế hoạch làm việc, tôi sẽ có thêm hai đêm ở Singapore và bay về TP HCM từ đảo quốc. Việc xuất cảnh từ cửa khẩu đường bộ bên phía Malaysia diễn ra bình thường. Tôi tiếp tục lên chiếc xe khách kia để bước vào phòng nhập cảnh của Singapore.

Kỷ niệm khó quên khi bị giữ ở cửa khẩu Singapore Du lịch

Cổng nhập cảnh biên giới trên bộ của Singapore.

Dòng người xếp hàng nhập cảnh khá dài do nơi đây là cửa khẩu đường bộ chính giữa Singapore – Malaysia. Tôi vui mừng khi sau khoảng một tiếng thì tới lượt mình. Nhưng thay vì được phê duyệt nhập cảnh nhanh chóng như mọi lần thì tôi nhìn thấy ánh mắt khó chịu của nhân viên tiếp nhận hộ chiếu của tôi. Sau đó, gần như ngay tức khắc, một nhân viên xuất nhập cảnh khác mặc cùng sắc phục với người phê duyệt nhập cảnh xuất hiện. Tôi bị người này yêu cầu đi theo và không có lời giải thích cụ thể dù tôi cố gắng hỏi “Có chuyện gì?”. Người này rất lịch sự khi không hề có một tác động nào vào cơ thể tôi.

Tôi theo anh ấy đi qua hàng loạt lớp cửa an ninh, không một bóng người. Trên suốt quãng đường chỉ vài tầng lầu nhưng tôi cảm thấy đã đi qua hàng chục tầng. Thứ cảm giác bị ngạt thở, tim bị bóp nghẹt vì lo lắng cực độ. Trong lúc đó tôi nghĩ rất nhiều về hoàn cảnh éo le của mình, đã được xuất cảnh ở Malaysia nhưng không được nhập cảnh Singapore thì muốn về Việt Nam phải làm thế nào. Hàng chục suy nghĩ tiêu cực khác liên tục xuất hiện. Nếu có thiết bị đo huyết áp ở đó, chắc chắn huyết áp của tôi đã rớt rất thấp. Tôi cảm nhận sắp xỉu.

Đến căn phòng rất lạnh có logo của lực lượng xuất nhập cảnh Singapore, tôi thấy nhiều người ở nhiều người cũng giống hoàn cảnh của mình. Tôi cũng không rõ lý do vì sao họ ở đây. Tôi quá lo lắng nên chỉ biết bấm tay vào nhau liên tục. Sau khoảng thời gian họ làm hồ sơ, tôi được yêu cầu đi theo một nam nhân viên khác. Căn phòng này chỉ có tôi và một nhân viên thuộc lực lượng này. Người này hỏi tôi những câu rất cơ bản như họ tên, ngày tháng năm sinh, sống ở đâu tại Việt Nam, làm gì tại Singapore, vì sao xuất cảnh qua lại hai nước Malaysia – Singapore… Họ yêu cầu trưng ra các giấy tờ nhân thân trong nước như chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thẻ công việc, thư mời… Hành lý cũng bị kiểm tra rất kỹ.

Kỷ niệm khó quên khi bị giữ ở cửa khẩu Singapore Du lịch

Bên trong căn phòng của lực lượng xuất nhập cảnh.

Lúc đó thật sự bản thân phải lấy lại bình tĩnh thật nhanh để trả lời các câu hỏi ấy. Tôi không nói dối gì cả. Tôi còn chứng minh bằng ảnh chụp tại sự kiện. Họ đi đâu đó rồi quay lại căn phòng “đáng sợ” đó. Tôi không biết họ đã kiểm tra hay bằng một cách nào đó thì họ mời tôi ra ngoài và chờ nhận lại hộ chiếu. Đến khi nhận lại được hộ chiếu, tay tôi còn run sợ và toát cả mồ hôi dù căn phòng đó rất lạnh.

Tôi tự đi thang rời khỏi nơi đó. Lúc này trời đã chuyển tối. Xe khách không thể chờ tôi cả buổi như vậy được. Tôi tự kiếm một chuyến buýt về lại trung tâm. Trên đường đi tôi vẫn suy nghĩ nhiều về sự cố vừa rồi.

Bài học của tôi là nếu buộc phải di chuyển qua lại liên tục giữa hai quốc gia trong thời gian ngắn thì cần có lý do hợp lý. Đồng thời, nếu đi vì công việc, nên chuẩn bị các số điện thoại của người thuộc tổ chức đã mời mình. Dù đi nước ngoài, vẫn cần mang theo giấy tờ ở trong nước như căn cước công dân/chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thẻ tín dụng… để họ kiểm chứng thông tin.

Và một điều đặc biệt quan trọng nữa là cần trung thực. Họ sẽ hỏi nhiều câu xen kẽ xem câu chuyện của mình có chính xác và thống nhất hay không. Các câu hỏi sẽ đan xen ý vào nhau mà nếu không bình tĩnh, trả lời không logic, bạn có thể bị cấm nhập cảnh. Các câu hỏi của tôi liên quan đến nghề nghiệp, đến đối tác mời qua làm việc, công việc liên quan gì ở Việt Nam, tại sao phải đi qua lại nhiều lần, có thêm mục đích gì không… Họ cũng sẽ hỏi cả thu nhập, chi phí tại Malaysia và Singapore ai lo và sau đó sẽ kiểm tra lại với đối tác đã mời tôi để xem độ chính xác đến đâu.

Bài và ảnh: Dy Khoa

Hoa tiền