Độc giả Lê Ngọc Hà đến Kosovo vào một ngày giữa tháng 3 khi trời vẫn còn chút se lạnh sót lại của mùa đông.
Thế hệ cuối 8x của tôi lớn lên với những tin tức tình hình chiến sự căng thẳng ở Kosovo những năm 2000, nên tôi đã có đôi chút ngại ngần khi lên kế hoạch thăm Kosovo. Tuy nhiên, cũng như Việt Nam, chiến tranh chỉ còn là quá khứ và đón chào chúng tôi là một quốc gia non trẻ tràn đầy sức sống.
Từ thủ đô Skopje (Bắc Macedonia), chỉ mất ít phút di chuyển bằng xe hơi, tôi đã đến biên giới Kosovo. Quốc gia nằm gọn trong một vùng đồng bằng, ngăn cách bởi hai dãy núi ở phía Nam và Tây như những đường biên giới tự nhiên với hai nước láng giềng Bắc Macedonia và Albania. Ngày nay, thông thương giữa hai nước đã thuận lợi hơn rất nhiều nhờ những đường cao tốc hiện đại, được xây trên nhiều cây cầu bê tông lớn bắc qua những hẻm núi.
Sau gần 2 giờ di chuyển tôi đã đến trung tâm thủ đô Pristina. Đón chúng tôi là anh hướng dẫn viên người địa phương tên Suad. Chuyến tham quan bắt đầu ở trung tâm thủ đô trên một con phố đi bộ sạch sẽ. Dọc đường có rất nhiều quầy sách nhỏ và Suad giải thích rằng đó là những thư viện mini tại Pristina, nơi mọi người có thể thoải mái mượn sách để đọc. Còn nếu hứng thú muốn mua một quyển sách nào thì cũng rất dễ dàng, vì sách được nhà nước trợ giá hơn 50%. Hệ thống thư viện cộng đồng này là một trong những nỗ lực nâng cao dân trí của Chính phủ Kosovo.
Không chỉ là quốc gia trẻ nhất châu Âu bởi thời gian lập quốc, Kosovo thực sự sở hữu một dân số rất trẻ với hơn 65% là người dưới 30 tuổi. Thế hệ trẻ ở Kosovo đang được tạo điều kiện tốt nhất để tiếp cận với tri thức để trở thành nền tảng vững chắc cho tương lai của quốc gia này.
Một trong những điểm tham quan nổi bật nhất của Pristina là đài kỷ niệm New Born được dựng lên vào năm 2008, cũng là năm Kosovo tuyên bố độc lập. Đây là một hàng chữ lớn bằng kim loại, tuy đơn giản nhưng chứa đựng niềm tự hào dân tộc của chính phủ và người dân Kosovo về một quốc gia tự chủ, hiện đại và đầy hy vọng. Những họa tiết trang trí trên biểu tượng này thường xuyên được thay đổi theo những sự kiện quan trọng của đất nước.
Tôi đến thăm Kosovo vào tháng 3, cũng là tháng của phụ nữ, vì vậy biểu tượng New Born được trang trí bằng hàng trăm khuôn mặt phụ nữ khác nhau, nhằm mục đích nâng cao ý thức của người dân về quyền phụ nữ. Những người phụ nữ tuy có thể khác biệt về màu da, mái tóc, tôn giáo hay xuất thân, nhưng tất cả đều xứng đáng được trân trọng và nâng niu như những thiên thần.
Là một điểm đến còn chưa phổ biến trên bản đồ du lịch châu Âu, Kosovo chủ yếu đón du khách từ Serbia và Đức. Tôi đến Kosovo sau khi quốc gia này vừa mở cửa lại sau đại dịch, vì thế khách nước ngoài còn rất thưa thớt. Khách nước ngoài đã ít, khách châu Á như chúng tôi lại càng hiếm hoi. Những cô cậu bé người Kosovo vì thế mà không giấu nổi con mắt tò mò, cứ ngoái cổ nhìn theo rồi lại vẫy tay chào chúng tôi rối rít. Cũng vì thế mà chúng tôi may mắn được giáo viên của các em cho phép chụp một tấm ảnh chung.
Sau chuyến tham quan ngắn tại Pristina, bác tài xế đưa chúng tôi và Suad đến thành phố Prizren nằm cách thủ đô khoảng hơn một giờ chạy xe về phía nam. Prizren có một vị trí tuyệt đẹp, ẩn mình trong thung lũng với một bên tựa vào dãy núi Sharr trù phú và một bên là các tàn tích của một tòa thành cổ trên đồi. Dãy núi này cũng là nơi khởi nguồn của dòng sông lớn chảy xuyên qua thị trấn với nhiều cây cầu đá bắc ngang. Từng là kinh đô của Serbia trong thế kỷ 14, Prizren ngày nay vẫn giữ được vị thế là một trung tâm văn hóa lớn của Kosovo. Thành phố mang một vẻ đẹp cổ kính và trầm mặc với những ngôi nhà cổ, những phố đi bộ lát đá, những nhà thờ Chính thống giáo và nhà thờ Hồi giáo nằm xen kẽ nhau.
Theo truyền thống địa phương, một đoạn đường lát đá dọc bờ kênh được dành riêng cho thanh niên nam nữ còn độc thân. Vào một khung giờ quy định, không gian này được nhường lại cho các bạn trẻ tự do tìm hiểu nhau. Cuối đoạn đường là một cây cầu nhỏ được sơn màu xanh nhạt, được gọi đùa là “Blue Bridge of Love” – cầu tình yêu, nơi các cặp đôi đã tìm thấy nhau có thể cùng nắm tay nhau rời con phố. Cũng như các cây cầu khác ở châu Âu, thành cầu từng phủ kín khóa tình yêu của các cặp đôi với những lời thề nguyện về một tình yêu bền chặt, tuy nhiên gần đây tất cả các ổ khóa đều đã bị gỡ bỏ vì lý do an toàn.
Nhắc về chuyện tình yêu, chúng tôi được Suad kể về một phong tục khá thú vị ở Prizren ngày trước, khi hôn nhân sắp đặt vẫn còn phổ biến. Ở Prizren có những nhà tắm công cộng kiểu Thổ, ngày xưa vốn được sử dụng rộng rãi khi hệ thống vệ sinh và nước nóng chưa đến được từng hộ gia đình. Nhà tắm được phân thành hai khu nam nữ riêng biệt. Các ông bố bà mẹ thường tới đây để xem mắt con dâu hoặc con rể tương lai của họ, như một cách thức để kín đáo quan sát xem người bạn đời của con mình có dị tật hay khuyết điểm nào hay không.
Ngoài ra, do Kosovo nằm giữa tuyến đường buôn bán từ Venice sang Constantinople (Istanbul ngày nay), các thương gia cũng thường hẹn gặp ở đây, rủ nhau đi tắm hơi bàn chuyện buôn bán, cũng giống như bây giờ các doanh nhân hẹn nhau để đi đánh golf và bàn công việc. Ngày nay, người dân ở Kosovo vẫn ưa thích đến nhà tắm công cộng trong những dịp kỷ niệm hoặc liên hoan lớn.
Chuyến tham quan của chúng tôi cũng kết thúc khi hoàng hôn dần buông xuống. Những tia nắng cuối ngày nhảy nhót trên những mái nhà cổ, nhuộm vàng cả thành phố. Một ngày ngắn ngủi của chúng tôi tại Kosovo đã kết thúc. Hoàng hôn của một ngày đã tới, nhưng với đất nước non trẻ này, mọi thứ chỉ đang là bình minh.
Lê Ngọc Hà