Trần Đặng Đăng Khoa hồi hộp khi nhập cảnh Thái Lan hôm 15/2 do đây là chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên của anh sau gần hai năm.
Trần Đặng Đăng Khoa, người Việt đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng xe máy, hồi hộp, lo lắng, song cũng háo hức trong chuyến xuất ngoại đầu tiên sau hai năm “chôn chân” trong nước. Anh chọn Thái Lan là điểm đến do gần và không phải xin visa. Ban đầu, blogger định chạy xe máy, nhưng Lào vẫn phải cách ly tập trung, Campuchia không cho xe phân khối lớn đi qua dễ dàng, Malaysia thì chưa mở cửa…
Khoa xác định đây không phải một chuyến đi “sau đại dịch” vì thực tế dịch chưa kết thúc. Đến Thái Lan lần này là cách để Khoa xem việc xuất ngoại hiện thế nào, muốn tìm cảm giác xuất cảnh sau một thời gian dài, tìm những niềm vui mới và chứng kiến thế giới sắp trở lại bình thường ra sao. Anh cũng muốn mình là một trong những người tiên phong chia sẻ kinh nghiệm. Và anh có một vài lưu ý cho những người sắp xuất ngoại tới Thái Lan.
Thái Lan đã mở cửa du lịch từ 1/2 và đang có chương trình Test & Go dành cho khách quốc tế (gồm Việt Nam). Du khách được yêu cầu có Thailand Pass bằng cách truy cập website Thailand Pass, chọn mục Non-Thai, chọn Test & Go, sau đó nộp ảnh chân dung, chứng nhận tiêm vaccine (có thể lấy từ đây), bản scan bảo hiểm, chứng nhận đặt khách sạn. Các yêu cầu cụ thể gồm:
– Tiêm đủ ít nhất 2 mũi vaccine và mũi thứ hai đã qua ít nhất 14 ngày. Người từng nhiễm và khỏi bệnh cần tiêm một mũi. Trẻ em dưới 18 tuổi không cần tiêm đủ 2 mũi vaccine.
– Bảo hiểm du lịch có giá trị bồi thường ít nhất 50.000 USD, trong đó bao gồm chi phí điều trị Covid-19.
– Đặt và thanh toán trước khách sạn đạt chuẩn SHA+/AQ của Thái Lan ít nhất 2 đêm, trong đó đêm đầu tiên và đêm thứ 5 xét nghiệm PCR tại khách sạn (hai đêm không cần cùng một khách sạn). Khoa cho biết, nếu có nhu cầu du lịch hơn 5 ngày, bạn nên dự trù kế hoạch sẽ làm gì vào ngày thứ 5 của chuyến đi để tiện cho việc xét nghiệm lần hai.
Đăng Khoa muốn mọi người lưu ý, trước đây du khách hay đặt phòng rồi hủy, có Thailand Pass thì tìm chỗ khác rẻ, tiện nghi hơn. Nhưng nay, chính phủ siết chặt bằng việc du khách buộc phải trả tiền phòng đầy đủ thì mới có Thailand Pass. Trong quá trình xử lý đơn yêu cầu, chính phủ sẽ gửi thông tin về khách sạn để kiểm tra xem du khách đặt đúng ngày, trả tiền phòng chưa.
Khi đã có Thailand Pass, Khoa mua vé máy bay và xét nghiệm PCR tại Việt Nam trước khi nhập cảnh 72 tiếng. Đây là yêu cầu bắt buộc của hãng bay và dù không yêu cầu thì anh cho rằng mọi người cần test để phòng trường hợp bị nhiễm. Theo Khoa, vé máy bay không cần đặt trước, chỉ cần dự tính khi nào bay rồi gửi thông tin đó trước để làm Thailand Pass, mua vé sau.
Đến nơi, du khách nộp cho hải quan Thailand Pass, trước đó điền tờ khai nhập cảnh thông thường. Hiện du khách được phát thêm một tờ khai thông tin và cam kết sẽ xét nghiệm PCR. Hoàn tất thủ tục, xe của khách sạn sẽ đưa du khách về thẳng nơi lưu trú, không tiếp xúc ai khi chưa test PCR. Chi phí di chuyển này khách phải thanh toán (thường sẽ tính trong tiền phòng). Ngoài ra, Khoa cũng được hướng dẫn tải ứng dụng MorChaNa, gần giống với PC-Covid tại Việt Nam.
Anh nói đây là một chuyến đi “không lo khoản về, chỉ lo khoản đi” do không còn nỗi lo khi về nước phải cách ly tập trung. Để chuẩn bị cho một chuyến du lịch quốc tế tới bất kỳ đâu, du khách cần theo dõi kỹ thông tin của hãng hàng không và nước sở tại, nước quá cảnh. Du khách nên mang theo chai khử khuẩn nhỏ, khẩu trang loại tốt, tránh những nơi đông người. Nên đeo khẩu trang thường xuyên, cả ở những nơi không yêu cầu. “Lần đầu xuất ngoại sau thời gian dài như vậy đừng ham đi nhiều, đi vừa thôi vì chính sách luôn có thể thay đổi”, anh nói.
Chuyến đi của Trần Đặng Đăng Khoa dự kiến kéo dài 8 ngày, với tổng chi phí ước tính khoảng 20 triệu đồng. Anh cho biết con số này tùy thuộc vào người đi du lịch, như anh là thuê xe máy phân khối lớn để khám phá, đồng thời ăn uống thỏa thích vì đã lâu chưa đi nước ngoài. Ngoài Bangkok, anh còn đến Chiang Mai.
Sau khi đã nhập cảnh Thái Lan và khám phá đất nước này ít hôm, Khoa cho rằng du lịch quốc tế vẫn chưa hồi phục. Trong mắt anh, “đặc sản” của Bangkok là kẹt xe nhưng hiện tại đường phố thông thoáng, “xe chạy trên đường vù vù”. Ngoài đường, khách quốc tế ít, nhất là khách da trắng. Trung tâm mua sắm chỉ có người địa phương đến chơi, ít sắm đồ. Trừ các khách sạn đạt chuẩn SHA+/AQ, nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê vẫn đóng cửa.
Trung Nghĩa
Ảnh: Trần Đặng Đăng Khoa