“Việt Nam ước mong” với các hoạt động triển lãm tranh, Lễ cầu siêu, tọa đàm về trẻ em nhằm mục đích gây quỹ, giúp đỡ những trẻ yếu thế, diễn ra từ 22/7-31/8.
Trẻ em luôn là nhóm đối tượng được xã hội ưu tiên hàng đầu, nhất là nhóm trẻ yếu thế, khuyết tật, mắc ung thư và bệnh hiểm nghèo. Đại dịch Covid-19 ập đến khiến hoàn cảnh gia đình các em thêm khó khăn khi giờ đây ngoài chống chọi với bệnh tật, họ còn phải đối mặt với hàng loạt những trở ngại từ cuộc sống xã hội, tài chính, y tế…
Với hy vọng có thể kiến tạo nên một không gian sẻ chia ước mơ, câu chuyện cảm động, ý nghĩa, những tâm tư, tình cảm của các em, chuỗi hoạt động vì trẻ yếu thế “Việt Nam ước mong” chính thức khởi động. Chương trình gồm triển lãm tranh, Lễ cầu siêu và chuỗi talkshow xoay quanh chủ đề chữa lành về tâm hồn, thể xác cho các bé.
Đồng thời, cùng tư tưởng tốt đẹp của Phật giáo, chương trình kỳ vọng có thể giúp lan tỏa sự nhân ái, kêu gọi quan tâm, thấu hiểu từ cộng đồng với các em nhân mùa vu lan báo hiếu. Toàn chuỗi hoạt động sẽ kéo dài từ 22/7 đến 31/8 tại hai địa điểm chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Giác Ngộ.
Lễ khai mạc chương trình sẽ diễn ra vào lúc 13h30 ngày 5/8 tại chùa Giác Ngộ, với sự góp mặt của Bí Thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng nhiều đại biểu ,đại diện các tổ chức thiện nguyện, doanh nghiệp có tham gia đóng góp vào chuỗi sự kiện ý nghĩa này như Thượng tọa Thích Nhật Từ – trụ trì chùa Giác Ngộ; Đại đức Thích Minh Niệm; ông Lê Quang Minh Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội; ông Minh Nhân cố vấn và sáng lập chương trình “Việt Nam Ước Mong”; bà Trương Thanh Thanh – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hy Vọng… cùng một số khách mời khác.
Sau lễ khai mạc sẽ là tọa đàm số đầu tiên về chủ đề “Nuôi dưỡng Đứa trẻ với trái tim tỉnh thức và hiểu biết” với hai khách mời đặc biệt là Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ và Đại đức Thích Minh Niệm. Thông qua nội dung của talkshow, gia đình và xã hội có thể phần nào hiểu biết thêm rằng họ cần phải làm gì để chung tay bảo vệ các em khỏi những nguy cơ tổn thương.
Song song đó, các bậc phụ huynh cũng hiểu thêm về ý nghĩa thực sự của giáo dục gia đình. Yếu tố này có vai trò thế nào, quan trọng ra sao trong suốt quãng thời gian chăm sóc và hình thành nhận thức cho trẻ nhỏ, nhất là những trẻ yếu thế, dễ bị tổn thương.
Trước đó, triển lãm tranh “Việt Nam ước mong” đã diễn ra tại chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Giác Ngộ, với lần lượt 250 và 150 tác phẩm tương ứng mỗi địa điểm. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện được kể thông qua ngôn ngữ hội họa của các em nhỏ mắc ung thư, bệnh hiểm nghèo, khuyết tật, tự kỷ, trẻ mồ côi… khiến nhiều người xem xúc động. Những bức tranh đầy màu sắc ngoài giúp các em thể hiện tài năng, chia sẻ ước mơ, câu chuyện, tâm tư, tình cảm, mà còn giúp người xem hiểu hơn về đời sống nội tâm, ước mơ của trẻ em nói chung và trẻ em yếu thế nói riêng.
Ngày 29/7 (tức 1/7 âm lịch), chương trình đã kết hợp với chùa Giác Ngộ thực hiện nghi lễ cầu siêu cho các em nhỏ không may mắn. Trong đó hơn 30 bé đã mất vì ung thư. Buổi lễ không chỉ tưởng nhớ các em, cầu nguyện cho linh hồn các em được yên nghỉ, siêu thoát, mà còn là lời nhắn nhủ đến cộng đồng về sự chung tay đóng góp, sẻ chia để mang đến những điều đẹp đẽ, tốt lành hơn.
Ngoài ra, chương trình còn trưng bày và bán gây quỹ 27 tác phẩm nghệ thuật của 20 họa sĩ nổi tiếng như Thành Lễ, Lê Bá Đảng, Lưu Công Nhân… tại chùa Vĩnh Nghiêm. Toàn bộ số tiền thu được sẽ sử dụng để hỗ trợ bệnh nhi ung thư, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Hoạt động do chương trình Ông Mặt trời (do ông Minh Nhân sáng lập) phối hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel), Trường Đại học Ngoại thương, Quỹ Hy Vọng, Quỹ Mái ấm hạnh phúc, Truyền hình Quốc hội, tổ chức.
Thy An
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.