Chị Liên và bạn dành hàng giờ ở phố cổ Hà Nội lựa quà cho bạn bè để không bị mang tiếng là keo kiệt, đi chơi về ‘tay không’.
Chuyện mua quà cho người thân, bạn bè sau các chuyến du lịch từ lâu đã trở thành một chủ đề bàn cãi. Với một số người, điều đó là đương nhiên, nhưng với vài người khác, họ cho rằng không nhất thiết phải như vậy, thậm chí họ không có thói quen đó.
Là một người thường xuyên đi du lịch trong và ngoài nước, chị Hoàng Hương, 35 tuổi, Hà Nội, cho hay mua quà về cho người thân sau mỗi chuyến đi, kể cả đi công tác, là điều hoàn toàn bình thường. Chị có sở thích lang thang tại mỗi điểm đến để mua đồ “hay hay lạ lạ” về cho gia đình. Thậm chí, chị còn hay livestream ngay tại chỗ để hỏi ý kiến người thân. “Sau những ngày vắng nhà, mình trở về với một vài món quà nho nhỏ, chồng con cũng cảm thấy vui vẻ hơn. Điều đó thể hiện tình cảm và sự quan tâm”, chị Hương cho biết.
Nhiều người sẽ mua quà là đặc sản, đồ lưu niệm ở nơi mình đến để tạo kỷ niệm cho chuyến đi, đồng thời thể hiện sự quan tâm với những người yêu quý. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên những tình huống dở khóc dở cười, có người khó xử khi quên mua quà hoặc chỉ chú tâm đi chơi mà không có quà mang về, bị đánh giá keo kiệt.
Chị Thu Liên, 26 tuổi, sống tại TP HCM kể lại, nhiều năm nay khi đi du lịch, không đăng ảnh lên mạng xã hội vì kiểu gì cũng có người vào bình luận “Nhớ mua quà nhé!”. “Lúc đó, mình không biết phản ứng thế nào. Cười cho qua cũng kỳ, mà trả lời có thì cũng phải làm cho được, không lại bị nghĩ là nuốt lời và vô tình làm người khác trông chờ”, chị Liên nói.
Cách đây chừng 6 năm, khi còn là sinh viên đi du lịch Hà Nội, chị Liên và bạn đã dành hàng giờ đồng hồ ở phố cổ để lựa quà cho bạn bè cùng lớp để không bị nói là người keo kiệt, “đi chơi mà không có quà”. Lịch trình tham quan kín và ít thời gian, còn phải lo lựa quà, chị và bạn bị trễ chuyến bay, mỗi người phải đóng thêm vài trăm nghìn để về lại TP HCM. “Từ đó mình nghĩ chỉ mua quà khi thật sự muốn và còn quỹ thời gian. Đi du lịch chỉ là du lịch thôi, còn quà cáp thì tặng dịp khác, đâu nhất thiết phải du lịch thì mới mua quà”, chị Liên chia sẻ.
Anh Minh Nguyên, 30 tuổi, cũng quan niệm, chuyện quà cáp khi đi du lịch phải xuất phát từ bản thân mỗi người, có người muốn người không chứ không phải là điều hiển nhiên, bắt buộc. Trước chuyến đi, anh cũng không đặt nặng chuyện quà cáp, quan trọng nhất là đi chơi vui vẻ, thoải mái.
“Nếu thấy món đồ nào độc lạ mà nghĩ cả nhà sẽ hứng thú thì mình mua về. Mình muốn được chia sẻ chuyến đi, cảm nhận của mình thông qua món quà chứ không phải kiểu mua cho có, nặng vali, trong khi có thể mua tại nhà. Đã mua quà thì sẽ chọn lọc. Chưa kể quà mua mọi người lại không thích”, anh Nguyên bày tỏ.
“Nếu mình muốn tặng quà ai đó thì sẽ không để họ mở lời trước mà chủ động tặng sớm”, anh Nguyên nói thêm. Còn nếu có người đòi quà mà bản thân không chuẩn bị thì cứ nói là hành lý quá cân hoặc lịch trình tham quan dày đặc, không có thời gian mua quà. “Xử lý khéo léo một xíu sẽ khiến chúng mình không thấy áy náy”, chị Thu Liên nhắn nhủ.
Câu hỏi “Có mua quà không?” đã quá quen thuộc, giờ thực chất là một kiểu xã giao nhiều hơn là việc “đòi” quà thực sự và không nên đặt nặng vấn đề. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào từng người, tùy tính cách. Với một số người đó là câu hỏi vui, còn người khác lại gây khó xử. Cách tốt nhất là nên hỏi về chuyến đi của họ, nghe họ kể về hành trình hơn là chăm chăm vào quà cáp. Một số người thì cho rằng, họ sẽ mời bạn bè một bữa ăn nho nhỏ kể chuyện, khi không thể mua được quà, coi như “vui cả làng”.
Huỳnh Nhi