Nhiều khách sạn, nhà hàng, khu du lịch… hạn chế về nhân lực phục vụ khiến du khách không có được các dịch vụ như mong đợi.
Anh Phạm Minh Kỳ, từ Thanh Hóa, và gia đình chọn nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại một resort ở Nha Trang (Khánh Hòa) đầu tháng 7. Đây là nơi anh từng đến trước dịch, thấy hài lòng nên quay lại. Nhưng lần này, cả nhà hơi thất vọng khi nhân viên khách sạn phục vụ chậm.
“Khi chúng tôi đến, sảnh không có người đón. Khách đông, nhân viên ít vào giờ check-in. Chúng tôi phải chờ gần 30 phút mới có thể nhận phòng, quá cả giờ quy định”, anh than phiền và cho biết thêm lúc ăn uống, nhân viên phục vụ hai lần mang nhầm món.
Sau khi phản ánh đến bộ phận quản lý, đại diện resort gửi lời xin lỗi. Theo lý giải, thời gian qua họ nhận một số sinh viên thực tập để vừa làm vừa đào tạo nên quá trình phục vụ không tránh khỏi sai sót. “Chúng tôi đang tuyển nhân lực mới và mời các chuyên gia về đào tạo cấp tốc để việc phục vụ chuyên nghiệp hơn”, đại diện này cho biết.
Tại các điểm du lịch khác như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), TP HCM… tình trạng này cũng tương tự. Nguyễn Lạc Huy, 30 tuổi, Hà Nội, đến Hạ Long vào cuối tuần 17/7 và phải vật vờ ở các quán ăn để chờ đến lượt. Câu trả lời mà anh nhận được là do “quá tải”, nhân viên không đủ nên họ phục vụ không xuể, khuyên khách đi chỗ khác để tránh chờ đợi.
Văn Quý, từ Hà Nội, chọn đi Grab ở Hội An để tránh taxi dù, song ứng dụng liên tục thông báo không tìm được tài xế. Kể cả khi đặt được, giá cước cũng đội lên hơn 100.000 đồng cho quãng đường gần 4 km.
“Tình trạng này tôi chưa bao giờ gặp khi đi Hội An trước dịch. Tôi nghĩ vấn đề là thiếu xe, thiếu nhân lực để phục vụ khách. Tài xế cũng nói vậy và cho hay đợt dịch không có khách, nhiều người bỏ nghề, nên đến hè đông khách quá thì thành thiếu. Không ngờ hè năm nay mọi người lại đi du lịch đông như vậy”, anh nhận định.
Thiếu nhân sự, công việc quá tải dẫn tới dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu du khách là điều nhiều doanh nghiệp du lịch thừa nhận. Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Golden Smile Travel tại TP HCM, cho biết: “Thiếu nhân sự làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Nhiều nhà hàng, khách sạn đều đang gặp tình trạng này, không kịp phục vụ khách khiến nhiều người kêu ca”.
“Thăm dò ý kiến khách hàng cho thấy, chất lượng dịch vụ tour so với trước dịch thấp hơn 20-30%, khiến chúng tôi cũng bị ảnh hưởng uy tín”, ông Trần Chí Công, Giám đốc Công ty Du lịch Innotour, cho hay.
Hiện ở công ty ông Công nhân sự cũ đảm nhận nhiều vai trò, sale tour còn non nên quá trình tư vấn còn nhiều thiếu xót, chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách. Tuy nhiên ông Công cũng hy vọng điều này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vì mọi thứ đang dần trở lại như trước dịch.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Covid-19 đã tác động đến 2,5 triệu lao động ngành du lịch. Đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên, nhân viên tại các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch… Nhưng khi được tuyển dụng trở lại, nhiều trường hợp đã quen với công việc mới, hoặc nhận thấy sự thiếu ổn định, đã từ chối cơ hội.
Từng làm nhân viên khách sạn 4 năm tại TP Nha Trang, anh Miên Chính, 28 tuổi, sau 2 năm dịch quay trở lại làm việc, nhưng được vài tháng thì xin nghỉ, chuyển sang làm gia sư dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Anh cho biết khi quay lại công việc cũ, anh vẫn chưa an tâm vì dịch bệnh chưa kết thúc hoàn toàn. Sau biến động Covid-19, anh cần một công việc ổn định, có thể gắn bó lâu dài và an toàn hơn.
“Nghề gia sư cho tôi thu nhập ổn. Tùy từng hoàn cảnh, tôi có thể linh động dạy trực tiếp hoặc online. Chuyển sang công việc mới, tôi không gặp nhiều khó khăn vì những kiến thức này trong lúc làm nghề khách sạn tôi vẫn sử dụng”, anh Chính nói.
Bài toán của các doanh nghiệp sử dụng lao động hiện nay vẫn là tạm thời ký hợp đồng với các nhân sự như sinh viên thực tập, sinh viên mới tốt nghiệp, dù chưa có nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng làm việc trong giai đoạn cao điểm hè. Sau đó, họ sẽ tạo điều kiện và cam kết các phúc lợi để nhân sự làm việc dài hạn hơn. Đây cũng là quan điểm của ông Võ Quang Hoàng, Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa, để giải quyết thực trạng thiếu hụt nhân lực ngành du lịch hiện nay.
Còn trước mắt, theo lời khuyên của nhiều khách du lịch từng gặp bực bội trong các chuyến nghỉ hè, đó là nên lựa chọn đi chơi trong tuần thay vì cuối tuần, đặt bàn tại nhà hàng trước khi đến. Ngoài ra, nên cộng thêm thời gian check-in, check-out khách sạn 30-40 phút để không bị ảnh hưởng tới các lịch trình còn lại.
Trung Nghĩa – Hân Ly – Bùi Toàn