Suốt ngày bị bố mẹ, họ hàng giục lấy chồng nên sau khi nghe thầy bói phán không cưới năm nay thì sẽ ế, Thu Trang cưới một người cô không yêu, sau bốn tháng quen biết.
Về làm dâu, cô gái 28 tuổi, quê Hà Nam mới biết bố mẹ chồng nổi tiếng hà tiện. Nhà có máy giặt nhưng dù những hôm trời mưa rét, ông bà yêu cầu con dâu giặt tay, chỉ được dùng máy để vắt khô. Có hôm, hai vợ chồng bật quạt sưởi ngủ, mới sáng tinh mơ, bố chồng xông vào phòng rút phích cắm. Thấy phòng con trai bật đèn khuya, ông bà thường nhắc “ngủ sớm cho đỡ tốn điện”.
Những việc nhỏ cứ tích tụ dần khiến Trang bức bối. Nhưng khi cô nói chuyện với chồng, anh đều gạt đi cho rằng bố mẹ hành động thế là hợp lý. Cô đề nghị vợ chồng ra ở riêng thì chồng phản đối. Lời qua tiếng lại, anh chồng thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với vợ.
Cưới nhau hai tháng, Thu Trang gom hết đồ đạc, ra khỏi nhà chồng như thể chạy trốn. “Tôi thấy mình như bị lừa. Thà mang tiếng một đời chồng chứ không thể sống như vậy được”, cô nói.
Hôn nhân của Trang đến chớp nhoáng. Giữa năm ngoái, Covid-19 bùng phát khiến cô thất nghiệp, tay trắng về quê sống cùng bố mẹ. Ở quê vài hôm, người thân, họ hàng thi nhau giục cô lấy chồng.
Một lần, Trang theo mẹ gặp thầy bói và nghe phán “không cưới trong năm sẽ ế”. Trang giật mình và chấp nhận cưới chàng trai cách nhà 4 km. “Tôi thấy anh công việc ổn định lại hiền lành, thôi thì cưới sớm cho đỡ bị giục”, cô nói.
Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành, tác giả cuốn sách “5 bước đơn giản để có mối quan hệ hoàn hảo” cho rằng, kết hôn vì sợ ế là thực trạng phổ biến ở Việt Nam. Nguyên nhân đẩy các bạn trẻ đến quyết định vội vàng là do nhận thức hạn chế hay từ nhu cầu sinh lý tự nhiên, muốn có con, có tổ ấm riêng, có người để nương tựa.
Áp lực từ cha mẹ, người xung quanh cũng có thể khiến bạn trẻ quyết định kết hôn dù chưa sẵn sàng. Bà Thành từng trị liệu cho một nữ khách hàng. Mẹ người này thúc giục con lấy chồng vì hàng xóm bảo “nhà tử tế mà có con ế không chồng”, hay “con gái quá tuổi mà không lấy chồng thì duốc dơ cho gia đình lắm”.
Ngoài những lý do trên, theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP HCM) nhìn thấy bạn bè cùng lứa đã kết hôn trong khi mình chỉ một mình cũng khiến người trẻ áp lực.
“Theo tháp phát triển tâm lý, thời kỳ trưởng thành là từ 18-35. Đặc điểm quan trọng nhất của thời kỳ này là yêu, thiết lập mối quan hệ thân mật với người khác giới và xây dựng sự nghiệp. Đến giai đoạn ngoài 30, dù sự nghiệp vững vàng mà không có tình yêu, bạn trẻ dễ rơi vào trạng thái cô độc, trống rỗng và lo âu”, bà Tâm nói.
Đa số những người kết hôn vì sợ ế không thể lựa chọn người phù hợp, tương xứng. Thu Hằng, 34 tuổi, ở Bắc Giang quyết định đến với người đàn ông hơn mình 20 tuổi, góa vợ, không cần đăng ký kết hôn.
Hằng làm hành chính cho công ty, lương hơn 10 triệu đồng, trong khi chồng cô làm cán bộ văn hóa xã, lương vài triệu. Thu nhập của cô đủ lo sinh hoạt phí cho chồng và bố mẹ chồng tuổi đã cao. Hai con riêng của chồng đã lớn nên dọn ra ở riêng.
Hằng muốn có một đứa con nhưng sau ba năm cưới không có bầu. Cô khuyên chồng cùng mình đi khám, toàn bộ kinh phí sẽ tự lo liệu nhưng anh chẳng tha thiết. Bất đồng dẫn đến cãi vã, Hằng bỏ về nhà ngoại vài ngày. Chồng xuống đón, cô lại theo về.
Gia đình Hằng ba chị em, một người đã ly hôn vợ, một người đã ly thân chồng nhiều năm. Cha mẹ đã già, cô không muốn họ đau lòng thêm. Hằng cũng thấy khó thở khi hàng xóm thi thoảng lại thắc mắc “Sao ở nhà ngoại mãi không về?”. Đầu năm nay, chồng Hằng phát hiện bị ung thư. Cô vừa chăm sóc, vừa đi làm nuôi ba người nhà chồng. “Tôi tưởng tượng như mình bị biến thành nô lệ hôn nhân, không thể rút chân ra”, Hằng nói.
Tưởng như tìm được người tương xứng, nhưng Nguyễn Hồng Minh, 32 tuổi, ở quận 12, TP HCM lại rơi vào bi kịch không tình yêu. Cô gái từng du học ở Australia được giới thiệu với Đức Anh, một chàng trai hơn cô ba tuổi, làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài.
“Chúng tôi hình thức tương xứng, gia cảnh tương đồng, trình độ và thu nhập đều tốt. Lúc hẹn hò, anh chiều tôi như công chúa. Tôi cứ nghĩ anh là mảnh ghép hoàn hảo của đời mình”, Hồng Minh nói.
Nghĩ không còn trẻ, cần mối quan hệ nghiêm túc, Hồng Minh giục bạn trai cưới. Kết hôn xong, vốn liếng cô trút hết cho chồng mở quán cà phê nhưng thất bại. Anh hiện nguyên hình là một chàng trai ăn chơi, thích đi công tác dài ngày với đồng nghiệp khác giới.
“Tôi như con chó bị bỏ rơi”, cô nói. Hồng Minh cố gắng níu kéo cuộc hôn nhân bằng cách đến chuyên gia trị liệu, nhờ cha mẹ hai bên can thiệp, nhưng chỉ được thời gian ngắn chồng lại chứng nào tật đấy. Ở tuổi 35, cô chính thức nuôi con một mình.
Tổ chức National Fatherhood Initiative (Mỹ) đã tiến hành một cuộc khảo sát tìm hiểu lý do của các vụ ly hôn. Giống như Thu Trang và Hồng Minh, 41% số người được hỏi cho biết không được chuẩn bị gì trước khi bước vào hôn nhân. Thiếu những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống gia đình, họ khó khăn để hòa hợp với bạn đời.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm cho rằng, để không phải hối hận trong hôn nhân, việc đầu tiên người trẻ cần làm là xây dựng kế hoạch cuộc đời. Không chỉ lo phát triển sự nghiệp, mỗi người cần đầu tư cho hình thức, thiết lập các mối quan hệ xã hội, tự tạo cơ hội cho mình gặp gỡ những đối tượng tiềm năng. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là phải dành thời gian tìm hiểu thật kỹ về người mình muốn sống cả đời.
“Muốn kết hôn, một đôi cần có hai năm xây dựng mối quan hệ. Trong thời gian đó, họ tìm hiểu tính cách, văn hóa gia đình, những vết thương trong quá khứ của người định lấy làm chồng. Phải đặt câu hỏi, liệu với tính cách đó, con người đó, mình có chấp nhận được không”, bà Tâm nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia Kim Thành khuyên người trẻ chỉ nên kết hôn khi gặp đúng người và đúng thời điểm. Đúng người là cả hai yêu thương thật lòng, tôn trọng con người thật của nhau, có năng lực về sức khỏe, sinh lý, kinh tế, có thể chia sẻ hoặc tương hợp tính cách, sở thích, tư duy, văn hóa, thói quen, giá trị sống. Đúng thời điểm là lúc đã đủ tuổi kết hôn và sẵn sàng tâm lý bước vào đời sống hôn nhân.
Hiện tại, Thu Trang đã trở lại thành phố. Sau vết thương lòng, cô tin mình vẫn may mắn vì sớm rút chân khỏi vũng lầy hôn nhân. “Ít ra tôi và anh ta chưa có ràng buộc gì về tiền bạc, con cái. Tôi tự xem đây là kinh nghiệm để đời, để mai này, nếu có đến với ai đó, cũng không vì áp lực nào cả”, cô nói. Bố mẹ Thu Trang sau đổ vỡ của con gái đã nhận ra sai lầm. Họ hứa sẽ để cô tự quyết cuộc đời mình.
Về phần Minh Phương, cô xác định sẽ ở vậy nuôi con. Ba năm hôn nhân trong nước mắt khiến cô không còn dũng khí để bắt đầu lại. Còn Thu Hằng cho biết, sẽ ở bên chồng đến ngày cuối đời. “Đằng nào cũng dang dở, anh lại chẳng sống được bao lâu nữa. Thôi thì cố nốt cho trọn nghĩa trọn tình”, Hằng nói.
Tên nhân vật đã thay đổi
Phạm Nga