Hè năm nay, Mingyu (12 tuổi) có một khóa tiếng Anh, hai lớp Toán, một lớp Vật lý, chưa kể các buổi học ở ba trung tâm khác. Tất cả các lớp này đều dạy chui.
Đã một năm Trung Quốc tiến hành chính sách giảm tải cho học sinh, một chiến dịch lớn nhằm hạ nhiệt cuộc đua giáo dục của các gia đình. Cơ quan quản lý ban hành lệnh cấm giao bài tập về nhà quá nhiều, cấm các lớp học thêm vào cuối tuần, ngày lễ và tất cả các hình thức dạy kèm.
Chính sách này giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp gia sư, ước tính trị giá khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (310 tỷ USD) và làm sản sinh thị trường chợ đen cho việc dạy thêm. Những trung tâm ngầm này chủ yếu phục vụ cho những gia đình giàu có, có quan hệ tốt và góp phần làm tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn.
Cậu bé Mingyu là một ví dụ điển hình. Cha mẹ em làm việc trong ngành tài chính ở Bắc Kinh. Bất chấp lệnh cấm, họ vẫn tìm cách gửi con đến các lớp học thêm với niềm tin rằng chỉ có học thêm mới giúp tăng khả năng cạnh tranh trong hệ thống giáo dục.
Tao, mẹ của Mingyu, khẳng định lệnh cấm dạy thêm của chính phủ chẳng có mấy tác dụng với họ. “Nếu bạn muốn, luôn có nhiều cách để tìm ra nơi dạy”, bà nói.
Nhiều gia đình Trung Quốc khác cũng đang làm điều tương tự. Họ buộc phải tìm được nơi học thêm cho con dù khó khăn hơn trước, sau khi thấy con “bị tụt hậu ở trường”.
Hua-Yu Sebastian Cherng, phó giáo sư tại Đại học New York (Mỹ), người nghiên cứu về hệ thống giáo dục của Trung Quốc, nhận định rằng quốc gia này có thể sẽ không thể loại bỏ được việc dạy thêm, học thêm. “Khi bạn đưa ra luật chủ yếu ảnh hưởng đến các gia đình trung lưu, họ sẽ tìm cách lách luật”, Cherng nói. “Đây là những gia đình có nhiều nguồn lực nhất và họ có nhiều kiến thức nhất về cách làm mọi việc ở Trung Quốc”.
Một số lượng lớn các công ty gia sư đã tiếp tục hoạt động bí mật. Trong quý 2, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã điều tra 140.000 tổ chức dạy thêm trên toàn quốc và phát hiện gần 3.000 hoạt động bất hợp pháp. Khoảng 460 trung tâm gia sư vẫn tiếp tục hoạt động sau khi đã tuyên bố đóng cửa.
Theo lý giải của các phụ huynh, họ buộc phải cho con đi học thêm vì không hài lòng với chất lượng giáo dục của các trường. Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 6 của tờ China Youth Daily, 62% phụ huynh nói rằng các trường học cần cải thiện chất lượng dạy và học.
Trong trường hợp của Tao, việc tránh lệnh cấm là rất đơn giản: Phần lớn các trung tâm nơi cô gửi Mingyu và cậu con trai lớn chưa bao giờ đóng cửa. “Hầu hết các dịch vụ gia sư mà tôi chọn, dù truyền thống hay trực tuyến, đều là những doanh nghiệp nhỏ. Chúng không dễ phát hiện như vậy”, cô chia sẻ.
Tao cũng đã tìm cách thay thế các trung tâm đã đóng cửa bằng cách rủ các phụ huynh khác cùng mở lớp. Hiện cô cho con học tiếng Anh với hai gia sư riêng, hai trung tâm dạy kèm về kỹ năng đọc-viết tiếng Trung và chương trình Olympic toán. “Họ không bao giờ quảng cáo công khai”, Tao nói. “Hầu hết các phụ huynh mà tôi biết có lớp học của con cái bị hủy đã tìm được nơi thay thế”.
Wu Xiaoxiao, một phụ huynh khác ở Bắc Kinh, cũng làm điều tương tự. Khi trung tâm tiếng Anh của con gái cô đóng cửa vào năm ngoái, Wu đã hợp tác với hai gia đình khác để tìm ra giải pháp. Họ nhanh chóng tìm được một gia sư tiếng Anh người nước ngoài và tổ chức lớp học cho con. “Điều tôi phải làm là con tôi không được phép gián đoạn việc học thêm”, Wu nói.
Gia đình cô sống ở quận Haidian, trung tâm Bắc Kinh – một khu vực nổi tiếng với sự cạnh tranh khốc liệt để có một suất vào trường tốt. Dù mới 7 tuổi nhưng con gái cô đã phải “vắt chân lên cổ” với các lớp học thêm. Mùa hè này, cô bé đang theo học hai chương trình tiếng Anh, một khóa tiếng Trung và lớp bồi dưỡng Toán cũng như một loạt các lớp năng khiếu khác như vẽ, múa ba lê, khoa học máy tính và bơi lội. “Con bé còn phải học nhiều hơn và chúng tôi tốn kém hơn nhiều so với trước khi có chính sách giảm tải”, bà mẹ nói.
Trước khi có lệnh cấm, Wu chỉ phải trả hơn 20.000 tệ (69 triệu đồng) một năm để gửi con gái đến trung tâm tiếng Anh. Bây giờ, cô đang trả gấp đôi số tiền đó. Tổng cộng, tiền học thêm của con gái đã tiêu tốn của gia đình khoảng 10.000 tệ mỗi tháng.
Đối với vợ chồng Wu, chi phí này là có thể gánh được. Họ có công việc tốt và thu nhập hàng năm hơn một triệu tệ. Nhưng nhiều gia đình không may mắn như vậy. Đa số gia đình trung lưu ở Bắc Kinh kiếm được khoảng 1/4 số đó.
“Gia sư đắt hơn. Bây giờ, ngay cả những gia đình trung lưu cũng không thể theo nổi”, giáo sư Cherng nói.
Mặc dù không lo lắng về học phí nhưng Wu lo lắng về lịch học mệt mỏi của con gái. “Hiện tại tôi nghĩ con gái chưa quá căng thẳng. Nhưng tôi không biết liệu con bé có gặp rắc rối vì áp lực học thêm khi lên lớp cao hơn không”, bà mẹ nói.
Wu không còn lựa chọn khác. Cô biết nhiều bạn cùng lớp con gái mình đang học thêm suốt mùa hè và cô không muốn con bé bị tụt lại phía sau. “Đôi khi, tôi cũng bối rối về việc tại sao các bậc cha mẹ ở Bắc Kinh và Thượng Hải lại phải chuẩn bị cho con cái của họ một cách điên cuồng như vậy”, cô than phiền.
Nỗi lo lắng của các phụ huynh mất khả năng tiếp cận các lớp học thêm còn lớn hơn. Fan, một bà mẹ ở Thượng Hải, từng cho con gái đi học hai lớp tiếng Anh và một lớp toán trước khi có lệnh cấm. Hiện tại, chỉ còn một trung tâm hoạt động nhưng cũng đã ngừng cung cấp các lớp học trực tiếp và thay vào đó chỉ cung cấp các bài giảng trực tuyến được thu âm trước.
Năm ngoái, Fan nghĩ mình là một người mẹ thoải mái, không quá ám ảnh về việc học của con. Nhưng bây giờ, cô rất lo lắng. Cô bé 11 tuổi học được rất ít từ các bài giảng trực tuyến và điểm của em bắt đầu tụt dốc. “Thành thật mà nói, tôi cảm thấy khó chịu vì hiện tại tôi không cho con mình đi học thêm ở lớp nào,” Fan chia sẻ.
Cô rất muốn tìm một trung tâm gia sư ngầm. Nhưng nói thì dễ hơn làm. Các trung tâm không quảng cáo vì sợ lộ trong khi những phụ huynh khác cũng không chia sẻ vì muốn giữ khả năng cạnh tranh cho con họ.
Hồi cuối tháng 6, hàng trăm phụ huynh ở Thượng Hải đã đổ xô tải ứng dụng có tên Think Academy, sau khi nghe tin công ty sẽ tổ chức dạy Toán trong kỳ nghỉ hè. Một giáo viên của trung tâm nói rằng, vì ứng dụng được đăng ký ở nước ngoài nên nó không vi phạm các quy định của Trung Quốc. Dịch vụ tính bằng đô la Singapore và sử dụng tài liệu giảng dạy bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Tuy nhiên, giáo viên của trường hầu hết là những người được thuê tại địa phương.
Think Academy nhận được “bão” khách hàng. Có thời điểm, nhân viên phải làm việc đến quá nửa đêm để tiếp nhận đăng ký tham gia chương trình mùa hè 12 buổi, có giá 660 đô la Singapore (khoảng 3.200 tệ).
“Không ai muốn bỏ lỡ một lớp học cao cấp như thế này,” một bà mẹ họ Yang nói. “Tôi đã nghĩ rằng sẽ không có lớp học toán nào vào mùa hè này, nhưng cuối cùng tôi đã phải trả tiền cho ba chương trình Olympic toán học”.
Một trung tâm dạy kèm toán khác ở Thượng Hải, đã đăng ký hoạt động phi lợi nhuận để tuân thủ chính sách tải cũng đã bí mật triển khai các lớp học trực tuyến trong kỳ nghỉ hè. Phụ huynh đăng ký cho con em mình bằng cách chuyển học phí vào một tài khoản riêng trên ứng dụng xã hội WeChat.
Có lẽ vì thế mà một số phụ huynh ở Thượng Hải có cảm giác rằng các dịch vụ dạy kèm đang âm thầm quay trở lại. “Chúng tôi không biết mình có thể hoạt động được bao lâu”, một giáo viên giấu tên nói. “Chính sách vẫn được giữ nguyên. Các nhà chức trách có thể siết chặt giám sát bất cứ lúc nào và điều đó đồng nghĩa với việc chấm dứt các lớp học như vậy. Đây vẫn là một công việc đầy bất trắc”.
Lam Giang (Theo Sixth Tone)