Địa điểm mới

Hiệu ứng kiến lười

Quan sát hoạt động của đàn kiến, các nhà khoa học của ĐH Hokkaido (Nhật Bản) thấy có những con rất lười, nhưng trong khó khăn, chúng là kẻ tìm ra lối thoát cho cả đàn.

Trong thời kỳ bình thường, những con kiến lười này gần như không làm gì, chủ yếu đứng quan sát đồng loại. Các nhà sinh vật học gọi số này là “kiến lười biếng” và đánh dấu chúng.

Điều thú vị là khi nhóm nghiên cứu cắt đứt nguồn thức ăn, những con kiến bình thường rất siêng năng, lập tức trở nên hỗn loạn, trong khi “kiến lười biếng” bình tĩnh dẫn cả đàn đi tới nơi có nguồn thức ăn mới.

Hóa ra “kiến lười biếng” không phải là lười mà chúng dành phần lớn thời gian cho việc quan sát. Đây là cơ sở cho sự ra đời của “Hiệu ứng kiến lười biếng” nổi tiếng.

Trong cuốn sách “Tốc độ của tư duy” của Bill Gates và Collins Hemingway, xuất bản năm 1999 kể một câu chuyện.

Ở thị trấn nhỏ tại Canada, có một thanh niên cực kì thích viết lách. Ngày ngày anh đều sáng tác, nhưng tiểu thuyết anh viết chẳng ai quan tâm. Người này đi hỏi thầy giáo để tìm nguyên nhân.

Thầy giáo hỏi anh lần lượt các câu sáng, trưa, chiều, tối làm gì. Chàng thanh niên trả lời, mỗi ngày ngoại trừ lúc ăn và ngủ, còn lại anh đều viết. “Vậy khi nào thì con suy nghĩ?”, thầy giáo hỏi. Người thầy nói tiếp: “Sự chăm chỉ của con chẳng qua chỉ là bận rộn không ngừng trong khoảng thời gian dài, nó chẳng có gì là khó làm cả. Điều khó chính là suy nghĩ, không có suy nghĩ thì tiểu thuyết của con sẽ không có linh hồn, không có suy nghĩ thì sự cần cù của con chẳng có ý nghĩa gì cả”.

Một bài báo có tiêu đề “Sự bối rối trong thế hệ chúng ta” từng gây xôn xao dư luận Trung Quốc, có đoạn viết: “Hầu hết mọi người đều có vẻ siêng năng, nhưng nhiều trong số đó là lười biếng trong suy nghĩ. Việc thức đêm đọc sách, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, chẳng có thời gian nghỉ ngơi… chẳng có gì đáng khoe bởi việc này ai cũng có thể nỗ lực hơn bạn gấp trăm lần”.

Một người lười suy nghĩ thường sẽ khiến mọi việc rơi vào sự tầm thường. Nếu loại bỏ được sự siêng năng chất lượng thấp và hình thành thói quen suy nghĩ là bước đầu tiên thay đổi cuộc sống của chính bạn.

Sendhi Muainathan, giáo sư người Mỹ về Khoa học hành vi và tính toán tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago từng nói: “Với bất kì một tổ chức nào, giữ lại một khoảng thời gian nghỉ ngơi là điều rất quan trọng, nó không phải là sự lãng phí tài nguyên mà là đang khiến hệ thống có năng suất cao hơn. Với cá nhân cũng như vậy, chúng ta cần phải cho bản thân thời gian nghỉ ngơi, dùng thời gian đó để suy nghĩ, nạp lại năng lượng, nâng cao bản thân.”





Địa điểm giải trí nha-van-2-1285-1634188551 Hiệu ứng kiến lười Thông tin

Nhà văn Lý Thượng Long của Trung Quốc trong một bài phát biểu về định hướng cho người trẻ tại một diễn đàn ở Bắc Kinh năm 2020. Ảnh: 163.com

Một trong những nhà văn trẻ có sức ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc Lý Thượng Long, từng là giáo viên. Năm cuối cùng làm việc tại trường, anh đề đạt nguyện vọng không làm việc vào cuối tuần với hiệu trưởng. Một đồng nghiệp khuyên anh suy nghĩ lại, bởi như thế sẽ mất một khoản thù lao đứng lớp kha khá, nhưng Lý vẫn cương quyết.

Cuối tuần, khi các đồng nghiệp khác bận rộn dạy thêm, Lý ở nhà đọc sách, xem phim, viết những gì mình thích vào một quyển sổ nhỏ. Sau đó không lâu, nhà trường giảm biên chế, nhiều đồng nghiệp thất nghiệp, không xoay chuyển được tình thế. Còn Lý khi đó đã trở thành một tác giả nổi tiếng, thu nhập vài triệu tệ mỗi năm.

Khi nhắc lại việc này trong bài báo “Bận nhưng đừng bận”, nhà văn này nói: “Dù bận đến đâu, bạn cũng phải dành cho mình khoảng thời gian rảnh rỗi. Những lúc này, bạn có thể suy nghĩ xem có hướng đi nào tốt hơn không và có cách nào tốt hơn không”.

“Cũng giống như trong một đội, luôn có một hoặc hai người lãnh đạo đang rảnh rỗi, bởi vì họ có trách nhiệm suy nghĩ và đưa ra định hướng tốt hơn cho mọi người”, nhà văn khẳng định.

Chiều sâu trong suy nghĩ của một người quyết định tầm cao của cuộc đời người đó. Nhà toán học, vật lý và tư tưởng người Pháp Blaise Pascal đã viết trong tác phẩm The Caprice: “Con người chỉ là một cây sậy, một thứ mỏng manh nhất trong tự nhiên, nhưng anh ta là một cây sậy có thể suy nghĩ. Mức độ suy nghĩ, tư duy quyết định chỗ đứng của một người trong xã hội”.

Con người ta, chỉ khi dành chỗ cho suy nghĩ trong cuộc sống bận rộn, họ mới có thể lắng nghe tiếng nói từ tâm hồn và tìm ra con đường giá trị nhất của cuộc đời.

Vy Trang (Theo aboluowang)