46% Gen Z (những người sinh năm 1997 đến 2012) rơi vào tình trạng căng thẳng về tài chính khi thừa nhận tiền lương của họ chỉ đủ sống qua ngày.
Việc kiếm tiền trở nên khó khăn hơn với người trẻ, đặc biệt là sau hai năm đại dịch. Công ty kiểm toán Deloitte vừa công bố một kết quả nghiên cứu 14.808 người Gen Z trên 46 quốc gia, cho thấy vấn đề lớn nhất mà người trẻ gặp phải là tài chính bấp bênh, nhất là trong thời điểm lạm phát tăng cao.
Khi được hỏi về nỗi lo tài chính khiến họ bận tâm nhất, 29% Gen Z đề cập đến chi phí sinh hoạt, 46% người nói tiền lương chỉ đủ sống qua ngày và 25% cho biết không lo nghĩ chuyện tiền bạc mỗi tháng.
Những người này cũng thừa nhận không nhiều hy vọng về thị trường lao động khởi sắc. 72% người được hỏi thấy khoảng cách giàu – nghèo ở quốc gia đang sống gia tăng.
Nhưng làm thế nào để Gen Z xử lý bất ổn tài chính?
Deloitte nhận ra lương thấp là lý do hàng đầu khiến người trẻ rời bỏ công việc trong hai năm qua. 15% người được khảo sát phải chuyển đến nơi có mức sống thấp hơn; 33% xin làm việc trực tuyến để cắt giảm chi tiêu.
Ngoài ra, 43% người trẻ đang tìm kiếm công việc mới, hoặc kết hợp nhận làm ngoài giờ bên cạnh công việc chính. Cũng theo bản báo cáo, các công việc part-time không đơn thuần đem lại thu nhập, mà còn là phương tiện để Gen Z thể hiện bản lĩnh kinh doanh.
Về công việc chính, những nhân viên trẻ bày tỏ khao khát được thăng chức sớm, nhằm tăng lương. Trong đó 49% người hy vọng được cấp trên bồi dưỡng cho kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Cũng theo số liệu của Deloitte, 40% người trẻ sẽ thôi việc sau hai năm gắn bó; 35% trong số đó khẳng định vẫn nghỉ dù chưa tìm việc thay thế. Khảo sát năm 2021 của Deloitte cũng cho thấy 25% người thuộc Gen Y cũng có ý định bỏ việc sau một năm đi làm.
Nhưng khác với Deloitte, khảo sát của hệ thống phần mềm quản lý nhân sự iCIMS cho kết quả ngược lại. 91% sinh viên tốt nghiệp ra trường năm 2020 – 2021 muốn tìm công việc ổn định và 70% trong số đó muốn gắn bó lâu dài với một công ty. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra lập luận: Gen Z chọn lựa môi trường làm việc kỹ lưỡng nhưng vẫn muốn ổn định tài chính.
Vừa quan tâm đến những vấn đề xã hội, môi trường, vừa lo lắng về mức lương cần thiết để chi trả phí sinh hoạt, nhiều người trẻ bị coi là thế hệ “thực dụng duy tâm”.
Điều này có nghĩa, Gen Z bắt đầu lựa chọn công việc giúp họ kiếm được nhiều tiền. Nhưng về mặt duy tâm, công việc được chọn phải có vai trò thay đổi thế giới. Còn nếu họ tìm việc vì tiền, điều đó có nghĩa họ không thể gắn bó lâu dài.
Đôi khi, chúng ta thấy Gen Z có sự khác biệt so với các thế hệ còn lại. Nhưng khi đề cập đến những khó khăn để cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, họ giống như các thế hệ tiền bối. Những người buộc phải nỗ lực để đứng vững trên đường đời bằng đôi chân của mình. Nhưng trên tất cả, trước khi bắt đầu môi trường làm việc mới, Gen Z nên xác định rõ mục đích và mong muốn của bản thân.
Minh Phương (Theo Forbes)