Du lịch nội địa đang ấm trở lại, song chủ yếu khách đi nhóm nhỏ, tự túc khiến doanh nghiệp lữ hành ít được hưởng lợi.
Những năm gần đây, phong trào du lịch tự túc có xu hướng phát triển, cùng với sự song hành của công nghệ. Đặc biệt trong Covid-19, xu hướng này càng rõ rệt khi du khách muốn đi theo nhóm nhỏ, tự đặt phòng nghỉ, vé máy bay… thay vì tour truyền thống.
Trong báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch về kỳ nghỉ Tết, có trên 6 triệu lượt khách nội địa, bằng một phần ba toàn bộ lượng khách của cả năm 2021 và hơn 1 triệu lượt so với tháng 12/2021. Song phần lớn khách đến điểm du lịch bằng phương thức tự túc, gây ra tình trạng ách tắc giao thông, tăng giá dịch vụ, thiếu phòng nghỉ…
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc VietSense Travel, cho biết đối nghịch với sự khả quan của ngành du lịch, doanh nghiệp du lữ hành đối mặt với tình trạng “khách đông mà không có khách”.
Ông lấy ví dụ, trước Covid-19, vào mỗi dịp Tết công ty thường xuyên bận rộn với việc xây dựng, tiếp thị những tour du xuân. Các tour khi ấy có lịch trình dài ngày, khởi hành từ 28-29 tháng chạp đến ngày 5-6 tháng giêng. Năm 2019, công ty phục vụ hơn 10.000 lượt khách dịp Tết, trong đó có 40% là khách du lịch nội địa. Tuy nhiên Tết năm nay, công ty chỉ có hơn 1.000 khách, các chuyến đi cũng ngắn ngày hơn.
Ông Tài cho rằng hiện hàng không, cơ sở lưu trú, nhà hàng… đều có kênh bán trực tiếp với khách. Ngoài ra sự xuất hiện của những “gã khổng lồ” với nền tảng dịch vụ trực tuyến đã giúp du khách dễ dàng hơn trong tiếp cận dịch vụ.
“Lữ hành đang ở trong trạng thái ‘việt vị’ ngay trong trận đấu sôi động. Tôi e ngại khi du lịch thịnh vượng trở lại, sẽ không còn sự tồn tại của doanh nghiệp lữ hành”, ông nói. Lữ hành mất vị thế cũng kéo theo thách thức cho địa phương về vấn đề môi trường và bảo tồn di sản, khi trước đây các đoàn khách tour luôn được hướng dẫn viên nhắc nhở. Về phía khách hàng, việc không đặt dịch vụ trước dễ dẫn đến việc bị chặt chém, sản phẩm chất lượng không như mong đợi.
“Niềm vui chưa trọn vẹn” là cách ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông Marketing TST Tourist, nói về thị trường du lịch hiện nay. Ông cho biết đợt Tết lượng khách tăng đột biến ở các địa phương nhưng khách đặt tour của công ty không đạt mức kỳ vọng (1.500 khách). Đây cũng là nỗi niềm của nhiều doanh nghiệp lữ hành khác. Các đơn vị hàng đầu cũng chỉ đón khoảng vài nghìn khách dịp Tết vừa qua.
Ông Mẫn cho biết du khách hiện nay có tâm lý lo lắng kẹt tiền cọc khi đặt dịch vụ ở công ty lữ hành, song thực chất càng vào dịp cao điểm, sẽ an toàn hơn nếu đặt tour. Vì tất cả dịch vụ đi lại, ăn uống, khách sạn đã được công ty lữ hành ký kết với đối tác, nên không cần lo lắng về thiếu chỗ ăn, nghỉ, hay bị chặt chém. Sắp tới là dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, ông nhắn nhủ du khách nên có kế hoạch du lịch từ sớm, ít nhất đặt dịch vụ trực tuyến trước một tháng.
Thay đổi để phát triển
Tháng 12/2021, cuộc khảo sát với hơn 10.000 người tham gia về xu hướng du lịch khi mở cửa trở lại của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (ban IV) trên VnExpress.net cũng cho thấy điều này. Từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2021, xu hướng đặt dịch vụ qua công ty du lịch giảm từ 12,4% xuống 8,7% còn đặt trực tiếp tăng 39,9% lên 41,2%. Theo đánh giá của ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB, đây là một lời cảnh báo dành cho các doanh nghiệp lữ hành. Nếu không có thay đổi, kết quả còn tồi tệ hơn.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox, nhận định du lịch tự túc phát triển nhiều năm gần đây, chứ không phải do Covid-19. Đây là quy luật tất yếu khi tầng lớp trung lưu mới ở Việt Nam gia tăng, sự phát triển công nghệ giúp họ tiếp cận sản phẩm du lịch dễ dàng hơn.
Hiện doanh nghiệp lữ hành cần thay đổi vai trò là người đứng giữa đặt dịch vụ, cạnh tranh nhau về giá. Vẫn còn nhiều phân khúc thị trường và sản phẩm mà khách cần công ty lữ hành, chẳng hạn như Oxalis với các tour mạo hiểm hang động ở Quảng Bình. Ngoài ra, vai trò cố vấn của công ty lữ hành vẫn luôn được đánh giá cao, vì vậy hãy để khách hàng nhận được sự hỗ trợ của chuyên gia, thay vì đặt dịch vụ đơn thuần. “10 năm nữa lữ hành không thay đổi sản phẩm, không có sáng tạo trong tour thì khó để yêu cầu khách phải trả tiền cho những việc họ có thể làm được”, ông nói.
PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch & Khách sạn (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) đề xuất thêm một giải pháp, trong bối cảnh dịch Covid-19. Hiện du khách có tâm lý sợ gặp rủi ro, kẹt tiền ở phía các công ty lữ hành, vì vậy khi đưa đến các sản phẩm cho du khách, nên kèm theo các phương án xử lý đi kèm. Cụ thể là chính sách hoãn hủy, hay dời địa điểm để chắc chắn rằng chuyến đi của du khách sẽ diễn ra.
Lan Hương