Hài lòng với chuyến đi Cát Bà ba ngày dịp 30/4, anh Tuấn Anh chia sẻ, một khi đã quyết định du lịch ngày lễ thì nên linh hoạt sẽ thấy vui vẻ.
Đã đặt khách sạn tại đảo Cát Bà, Hải Phòng, cho dịp 30/4, nhưng đến gần ngày lên đường, anh Tuấn Anh, Hà Nội, đọc được thông tin phà Gót dừng vận chuyển ôtô con, phải sử dụng cáp treo hoặc tàu thuỷ, đồng nghĩa không có xe đi lại trên đảo.
Ban đầu anh hơi bất ngờ, không huỷ được phòng nên cả nhà quyết định vẫn lái xe xuống Hải Phòng rồi gửi xe đi cáp treo. Về sau tìm hiểu kỹ, anh mới biết chỉ hạn chế xe qua phà theo giờ, không cấm hoàn toàn. Nhưng bốn người nhà anh vẫn theo phương án mới.
“Tại sao cứ nhất định phải đi phà, sao cứ phải đưa ôtô qua đảo để phải đến sớm, chờ đợi, tắc đường, đông đúc làm gì. Đi cáp treo cũng là trải nghiệm, và trẻ con rất hào hứng. Linh hoạt một chút, cả gia đình đã có một chuyến đi thoải mái, vui vẻ như Tết. Đảo Cát Bà không quá đông. Cả nhà di chuyển trên đảo bằng taxi, chi phí có cao hơn nhưng không gặp hạn chế nào”, anh chia sẻ và cho biết, nếu nhóm đông nên đi lại bằng xe điện.
Chị Thanh Thuỷ, Hải Phòng, dự định về quê Quảng Bình ngày 30/4 và ở lại 4 ngày. Khi dự báo trời có mưa do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới trong cả kỳ nghỉ, cộng với việc chồng đột xuất phải trực, chị ban đầu quyết định ở nhà.
Trẻ con nghe nói không được đi chơi khóc lóc cả buổi. Sau một hồi mò mẫm các website về du lịch, tìm lời khuyên và đặt được một căn homestay khá đẹp gần khu vực Hang Múa vào giờ chót, chị quyết định tự lái xe đưa hai con đi Ninh Bình trong hai ngày. Thời gian di chuyển ngắn hơn về Quảng Bình rất nhiều, các con chị được ra thiên nhiên, đạp xe, nói chuyện với một số du khách nước ngoài bằng tiếng Anh… nên rất phấn khởi.
“Linh hoạt thay đổi kế hoạch, đi muộn hơn và về sớm hơn không bị tắc đường, ba mẹ con khá thảnh thơi. Thời tiết ở Ninh Bình đẹp, đồ ăn ngon nên không có gì phải phàn nàn về kỷ nghỉ ngắn thay thế này. Cảm giác có một trải nghiệm mới vào giờ chót rất đặc biệt”, chị Thuỷ chia sẻ.
Sử dụng phương tiện cá nhân, thay đổi hành trình sẽ thuận tiện. Còn nếu đã đặt vé máy bay, tàu hoả, hay phải phụ thuộc trong di chuyển, việc thay đổi sẽ khó khăn hơn. Nhưng trong hai năm qua vì Covid-19, nhiều người đã có những kinh nghiệm ứng biến linh hoạt hơn để hành trình du lịch không gây ra những ức chế.
Họ sẽ không đặt vé máy bay không hoàn huỷ được, khách sạn cũng chọn loại có thể thay đổi hoặc thanh toán khi nhận phòng, có thể huỷ qua mạng… Sự linh hoạt còn thể hiện trong việc thay đổi đường đi hay giờ xuất phát để tránh tắc đường. Với việc ăn uống tại điểm đến, nhiều gia đình cũng chọn phương án ăn muộn hoặc sớm tránh giờ cao điểm, đặt bữa tại nơi lưu trú, chia nhỏ nhiều bữa trong ngày…
Thay đổi kế hoạch và linh hoạt trong các kỳ nghỉ được dự báo đông đúc, đặc biệt vào giờ chót, sẽ khiến chuyến đi thuận lợi hơn. Theo TravelPeark, ngay cả trước đại dịch, nhu cầu và mong muốn của khách du lịch đã thay đổi theo hướng linh hoạt hơn trong kế hoạch. Một nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy 37% khách du lịch tìm kiếm sự tự chủ và linh hoạt hơn. Nhiều nhà khai thác dịch vụ du lịch xem xét lại chính sách hoãn hủy chuyến và đưa ra các lựa chọn theo hướng không áp đặt. Điều này khiến các công ty mang đến cho khách hàng sự an tâm nhất định.
Đi du lịch vào mùa cao điểm, hay vào các dịp lễ Tết, sẽ khó tránh được những tình huống phát sinh. “Điều quan trọng là linh hoạt đối phó với những tình huống đó như thế nào, có thể ban đầu chưa hài lòng nhưng sau mới thấy thuận tiện hơn kế hoạch cũ. Đi chơi về cơ bản là để vui, không nên cứng nhắc để phải ức chế”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Tâm Anh