Hà NộiĐã gần một tuần nay, Quốc Trung đậu chiếc taxi cố định ở bến chờ tổng đài gọi, thay vì chạy vòng vòng kiếm khách như trước.
“Chạy rong tốn xăng, xót ruột lắm”, tài xế 43 tuổi, quê Nam Định giải thích.
Ngày 11/3, sau 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng lên gần 30.000 đồng một lít, mức cao nhất từ trước tới nay. ”Không biết kịch trần chưa hay còn tăng tiếp”, Trung nói.
Theo tính toán của anh, với mức giá này, nếu thu được 100.000 đồng tiền cước, anh sẽ tốn 40.000 tiền xăng, cao hơn 25% so với thời điểm tháng 12/2021. Trung bình, mỗi tháng Trung sẽ tốn thêm khoảng một triệu đồng. Trước kia, trung bình một ngày tài xế taxi như anh kiếm được khoảng 500.000 đồng. Sau hai năm đại dịch, thu nhập giảm hơn 1/3. Giờ giá xăng tăng, khách ít, thu nhập càng giảm mạnh.
Xót ruột vì xăng, anh bỏ luôn thói quen chạy kiếm khách ở các cổng bệnh viện hay khu văn phòng như trước, dù biết nằm một chỗ thì khách cũng ít hơn.
”Không chỉ xăng, hàng gì cũng tăng giá. Tôi đi chợ cứ như đánh rơi tiền”, Thu Phương, công nhân khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam chia sẻ. Cô dẫn chứng, trước Tết chỉ tốn 15.000 đồng cho hai mớ rau ăn cả ngày, nhưng sau Tết số tiền đó chỉ mua được một bởi giá rau xanh, thực phẩm tươi sống tăng 5-20%, hải sản cũng tăng 20-30%.
“Giờ mỗi ngày tôi phải thêm 10.000-15.000 đồng tiền thức ăn. Nghe thì ít nhưng cả tháng cũng mất gần nửa triệu đồng”, Phương nói và cho biết, với lương 6 triệu đồng, trong đó tiền thuê nhà 800.000 đồng kèm nuôi con nhỏ, mọi chi tiêu đều phải tính toán kỹ càng nhưng nếu đà tăng của các mặt hàng thiết yếu cứ liên tục như vừa qua, cô sợ sẽ đến lúc “chẳng còn chỗ nào mà tính nữa”.
Mỗi lần đi chợ, khi nghe giá cả tăng, Phương thắc mắc với người bán đều nhận được câu trả lời giống nhau: Xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng nên giá hàng hóa không thể đứng yên. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,42%. Nguyên nhân chính là giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới, cộng với giá lương thực, thực phẩm, ăn uống… tăng trong dịp Tết. Cũng trong tháng 2, giá xăng dầu tăng mạnh thêm 5,8% so với tháng 1, khiến CPI của nhóm giao thông tăng 2,35%. Giao thông cũng là nhóm tăng mạnh nhất trong rổ hàng hóa.
Nguyễn Thu Minh, một chủ cửa hàng trái cây nhỏ tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm chia sẻ: “Trước tôi vận chuyển dâu tây từ Sơn La xuống Hà Nội chỉ 50.000 đồng một thùng 10 kg, thì nay giá đã lên tới 100.000 đồng. Cước vận chuyển một tấn hóa quả từ miền Tây ra Hà Nội trước chỉ có 2,5 triệu thì nay giá đã lên tới 3,4 triệu đồng”.
Minh cho biết, bởi cước giá tăng cao nên cô phải áp vào giá bán, bởi nếu không tăng thì coi như không còn lãi.
Khảo sát của VnExpress gần đây, trong 9 loại mặt hàng thiết yếu, ngoại trừ giá thịt lợn giảm, giá gạo tăng nhẹ, tất cả mặt hàng còn lại đều tăng mạnh trên hai chữ số so với một năm trước đây. Trong một khảo sát khác với trên 23.000 lượt trả lời cho thấy, áp lực lạm phát với giá cả tăng vọt là một trong 10 biến động kinh tế năm qua tác động lớn nhất. Giá hàng hóa leo thang khiến hầu bao của người tiêu dùng bị bào mòn mạnh.
Theo tiến sĩ Phạm Khánh Nam, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TP HCM, giá xăng tăng sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, sản xuất, giá hàng hóa cũng như dịch vụ. “Các mặt hàng thiết yếu vì thế sẽ bị kéo lên, làm giảm mức sống của người dân”, ông Nam nhận định.
Mong muốn giữ nguyên mức chi tiêu cố định từ khi vật giá leo thang, mỗi ngày Việt Hà – sống cùng khu trọ với Phương – cắt bớt tiền đi chợ 10.000 đồng, bù vào tiền xăng, gas tăng. Ví dụ, thay vì mua ba lạng thịt, cô chỉ mua hai, kèm thêm hai miếng đậu phụ kho kèm. Trước chị thích mua cá chép, trắm thì nay chuyển sang rô phi hoặc diêu hồng…
“Đi chợ, cứ gì rẻ thì mua”, Hà nói, phải làm như vậy mới đủ chi tiêu cho bốn người, vốn chỉ trông chờ vào tiền lương công nhân của hai vợ chồng.
Khi giá gas lên nửa triệu một bình từ đầu tháng 3, Hà cũng chuyển sang đun bếp từ trừ lúc xào rau. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời vì cô đang phải trả 4.000 đồng một số điện theo giá thuê nhà. Người mẹ hai con dự tính, nếu gas tiếp tục tăng giá, có thể cô quay lại dùng bếp than tổ ong, dù biết có hại cho sức khỏe.
Không thể chờ đợi sự thay đổi một sớm một chiều, tài xế taxi Quốc Trung đang tính tìm một công việc khác, ở tuổi 43. Anh nói khi dịch bệnh xảy ra, rồi giá xăng tăng như phi mã, 30% lái xe công ty đã nghỉ việc. Trung tính sẽ về quê làm bảo vệ hay công nhật trong khu công nghiệp gần nhà, những nghề anh nhận định: “Không ảnh hưởng quá nhiều khi xăng tăng giá”.
Sau Tết chờ mãi “không thấy đỉnh” giá xăng, Tiến Thọ, một nhân viên văn phòng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã thay chiếc ô tô hay đi bằng xe máy cho quãng đường 7km đến cơ quan. Trước đây, anh đổ khoảng 1,3 triệu đã đầy bình xăng thì nay lên tới 1,7 triệu. “Sắp tới có khi còn tăng hơn nữa”, Thọ dự đoán.
Tuy vậy, người đàn ông này chia sẻ, phải luôn học cách thích ứng với mọi thay đổi. Anh ví von, giá xăng giống như một cơn bão, khi nó ập tới, con người không thể làm được gì ngoài cách thích nghi.
“Thay vì than vãn, hãy tiết kiệm từ thực tế. Có thể thay thế ô tô bằng xe máy, xe bus, thậm chí là xe đạp. Quan trọng là biết từ bỏ thói quen tiêu dùng cũ và điều chỉnh theo hướng tiết kiệm hơn”, anh nói.
Hải Hiền