Khánh HòaKhách sạn, doanh nghiệp lữ hành đều lo lượng du khách Nga đến Việt Nam sẽ giảm bởi xung đột ở Ukraine.
“Thiếu khách Nga tới lưu trú khi mở cửa trở lại vào tháng 3” là điều ông Lê Xuân Thơm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng sở hữu khách sạn 4 sao Galina ở TP Nha Trang, đang lo ngại khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine.
Ông phân tích, xung đột giữa hai quốc gia cùng loạt trừng phạt kinh tế của Mỹ, EU khiến tỷ giá tiền tệ thay đổi. Đồng Rup giảm giá trị so với USD và EUR, đồng nghĩa với việc du khách Nga sẽ mất thêm chi phí khi đặt tour du lịch thông thường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý tiêu dùng của thị trường khách tiềm năng tại Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ông Thơm liên kết với các công ty lữ hành chuyên khách Nga như Anex, Pegas. Từ cuối tháng 3 đến mùa hè này, dự kiến ngày nào cũng có đoàn khách Nga đến Việt Nam và chia đều ra các khách sạn đã ký hợp đồng. Ông kỳ vọng khách sạn 163 phòng của mình sẽ đạt công suất 100%. Song với xung đột như hiện nay, việc kín khách không còn khả quan. Trước Covid-19, khách sạn của ông phục vụ tới 80% khách quốc tế, năm nay vẫn sẽ tập trung vào đón khách nội địa, Hàn Quốc.
Là năm đầu tiên đón khách Nga, Alma Resort Cam Ranh nhiều kỳ vọng vào thị trường này, song chung nỗi lo. Bà Vũ Hương Giang, quản lý khu nghỉ dưỡng, cho biết đang có kế hoạch làm việc với đối tác ở Nga để đón khách ngay khi du lịch Việt Nam mở cửa vào tháng 3. Tuy nhiên vì Nga và Ukraine đang có xung đột nên đối tác phải lùi lịch ký kết hợp tác. Sang tuần, khu nghỉ dưỡng sẽ có cuộc họp cùng công ty du lịch này để xây dựng chiến lược tương ứng với tình hình. Trong trường hợp bi quan nhất, khu nghỉ sẽ đẩy mạnh thị trường Hàn Quốc, Australia, cũng rất tiềm năng.
Về phía doanh nghiệp lữ hành, ông Bùi Quốc Đại, Trưởng phòng Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam, nhận định xung đột gây thêm những khó khăn nhanh, rõ rệt nhất đối với ngành du lịch. Ảnh hưởng ở cấp độ doanh nghiệp là tỷ giá thay đổi, tác động trực tiếp vào người tiêu dùng, những du khách tiềm năng. Ông không cho rằng lữ hành thiếu khách Nga nhưng sẽ mất đi vài phân khúc. Xung đột cũng khó đoán trước nhiều điều. Khoảng 3 ngày nữa tỷ giá thay đổi rõ ràng hơn, các doanh nghiệp lưu trú, hàng không, lữ hành có thể xây dựng phương án trợ giá hoặc truyền thông, xúc tiến tới thị trường du khách khác.
Trong chương trình thí điểm từ tháng 11/2021 đến nay, công ty đã đón hơn 4.000 khách Nga đến với Khánh Hòa, chiếm gần 50%. Ông cho rằng du khách yêu thích trở lại Khánh Hòa một phần vì thói quen tiêu dùng, phần khác vì chính sách cởi mở, chỉ yêu cầu khách tham gia tour 3 ngày, sau đó có thể tự do khám phá điểm đến nếu xét nghiệm âm tính nCoV.
Công ty hiện khai thác khách theo các thành phố có đường bay thẳng tới Việt Nam, như Moskva. Ông Đại đề xuất cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, ngoại giao tiếp tục xúc tiến tới Nga để mở lại các chuyến bay thường lệ, thuê bao để giải quyết khó khăn lớn của doanh nghiệp trong việc đón khách. “Xung đột giữa hai quốc gia hiện gây ra những khó khăn nhất định, có thể gây ảnh hưởng tới kỳ vọng phục hồi dài hạn, song về mức mà Khánh Hòa đặt mục tiêu, chúng tôi tự tin đạt được”, ông Đại nói.
Trong năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đón 40.000 du khách, với chủ trương đa dạng hoá thị trường, trong đó Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia là những thị trường lớn. Trong thời gian thí điểm, tỉnh đón 48 chuyến bay với 10.000 khách quốc tế. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, nhận định ngành du lịch tỉnh nói chung cùng các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm và tự tin mở cửa trở lại. Tỉnh tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá để tạo ấn tượng mạnh mẽ, thu hút khách du lịch ở thị trường truyền thống.
Lan Hương