Vẫn được coi là đi chơi dịp lễ 30/4, nhưng nhiều người đã né đám đông bằng cách đi trước hoặc về muộn hơn kỳ nghỉ một vài ngày.
Một ngày trước kỳ nghỉ 30/4, chị Ngọc Phạm, 32 tuổi, về nhà sau chuyến đi Cát Bà, Hải Phòng. Chị nhận lời mời của một người bạn lên đường đi chơi sớm 3 ngày để “né khéo” dịp nghỉ lễ. Không gian vắng vẻ, dịch vụ chu đáo là những gì chị nhận được trong chuyến đi Cát Bà, Hải Phòng từ 26 đến 28/4.
“Đi ngay trước lễ nên bến tàu vịnh Lan Hạ rất vắng, gần như không có khách, mình không phải xếp hàng dài như hồi đi chơi cao điểm cách đây ba năm. Hai năm qua đã không được đi đâu chơi đúng nghĩa do dịch bệnh, cũng chưa từng xin nghỉ phép. Đây là cơ hội tranh thủ rất hợp lý”, chị Ngọc nói. Để đánh đổi lấy trải nghiệm này, chị phải xin nghỉ phép 3 ngày.
Do phải trực vào dịp lễ, nên chị xin nghỉ phép không khó khăn. Và Ngọc hoàn toàn hài lòng với quyết định của mình. “Khi mọi người bắt đầu đi chơi thì tôi lại bắt đầu xử lý công việc và lên kế hoạch tụ tập các thành viên trong gia đình tại nhà”, chị Ngọc nói thêm.
Đại gia đình chị Minh Anh, Hà Nội, nhiều năm qua luôn chọn đi chơi dịp nghỉ lễ 30/4 vì đây thường là lúc mọi người được nghỉ nhiều nhất. Tuy nhiên, chị luôn chủ động đi muộn và rồi về muộn hơn. Điều này sẽ khiến vợ chồng chị phải nghỉ phép, thường là 2 ngày, nhưng đó là cách cả nhà né đám đông, tận hưởng được dịch vụ tốt hơn. Họ sẽ ra các chỗ công cộng đầu hoặc cuối kỳ nghỉ, thời gian còn lại sinh hoạt tại chỗ cùng gia đình.
“Nghỉ phép 4-5 ngày sẽ khó khăn với cả hai vợ chồng tôi, nhưng 2 ngày thì hoàn toàn khả thi. Vì thế, vợ chồng tôi chọn giải pháp đi chơi theo kiểu ‘né một cách nhẹ nhàng’ như vậy. Kinh nghiệm là nếu đi trước một ngày không thể tránh được đám đông, thậm chí còn đông hơn, nhưng trước hai ngày hoàn toàn khác. Việc này vừa khiến chúng tôi tiết kiệm được chi phí đặt dịch vụ, vừa thuận tiện di chuyển. Gia đình có con nhỏ và người già nên thường cũng chọn các điểm nghỉ dưỡng, hạn chế di chuyển, ăn uống không quá cầu kỳ”, chị Minh Anh chia sẻ và cho hay, năm nay ngày 1/5 cả nhà chị sẽ bay vào Đà Nẵng.
Đại diện của một số công ty du lịch cho hay, sở dĩ các điểm du lịch lúc nào cũng đông vào các dịp lễ Tết bởi một lý do tất yếu, ai cũng được nghỉ. Ngoài ra nhiều người nếu không đi chơi dịp lễ Tết, họ sẽ chẳng có lúc nào đi được nữa bởi không thể nghỉ phép.
Đi du lịch dịp lễ hay ở nhà lâu nay vẫn luôn là chủ đề bàn cãi. Trong khi nhiều người ngại gặp cảnh tắc đường, chặt chém, dịch vụ kém… thì nhiều người vẫn cho rằng đây là thời điểm hợp lý để tận hưởng chuyến đi, nếu lên kế hoạch, chọn thời gian và địa điểm hợp lý.
Cũng là cách “lệch giờ, lệch ngày”, nhưng có những người đi chơi sớm hoặc muộn hẳn 1-2 tuần, bởi đó là “truyền thống”. Họ cho biết, những thời điểm trước nghỉ lễ 30/4, thường là một tuần, sẽ là thời điểm các trung tâm du lịch nổi tiếng cả nước cũng đồng thời khai mạc các tuần lễ du lịch hè, nhiều dịch vụ được mở, mà hầu như thời điểm đó chỉ có người địa phương.
Đoàn Sang, Hà Nội, luôn đi nghỉ 30/4 trước một tuần. “Đây là việc làm thường xuyên của mình và bạn bè, năm nào cũng vậy. Thay vì đi đúng dịp nghỉ lễ, cả đám năm nào cũng hẹn nhau đi sớm hơn một tuần để cũng mang tiếng có đi chơi dịp 30/4”, Sang nói. Năm nay, anh thấy may mắn khi “tuân theo” truyền thống của nhóm bởi nhận được thông tin thời tiết xấu dịp lễ 30/4 và 1/5 trên cả nước, đặc biệt ở các khu vực đảo miền Trung.
Cả đoàn của Sang đã kịp lên đường đi đảo Phú Quý, Bình Thuận trước 30/4 một tuần và vừa về đến nhà. Trời nắng và biển đẹp khiến cả đoàn có một trải nghiệm trọn vẹn. “Chuyến đi đột xuất nhưng tuyệt vời do thời tiết đẹp. Mình yêu quý người dân Nam Trung Bộ và chỉ muốn ở hoài trong đó. Mọi thứ đều bình yên, các điểm đến đều vắng người, dễ tham quan, trải nghiệm”, Sang nói.
Theo dự kiến vào kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay, các điểm du lịch trong cả nước đều sẽ đón lượng khách tăng cao, đạt gần với mức trước Covid-19. Hiện tỷ lệ đặt phòng ở nhiều nơi đã đạt hơn 90%, nhiều địa phương phải lên kế hoạch đảm bảo các hoạt động nghỉ lễ an toàn, không xảy ra nạn “chặt chém” cũng như tắc đường…
Trung Nghĩa