Địa điểm mới

Dạy con kỹ năng vượt qua nghịch cảnh

Địa điểm giải trí day-con-ky-nang-vuot-qua-nghich-canh Dạy con kỹ năng vượt qua nghịch cảnh Thông tin

Hà NộiCứ ba năm một lần, trẻ sẽ có đợt “dở ương” để chuyển sang giai đoạn tâm sinh lý mới nên cha mẹ cần đồng hành với con, theo các chuyên gia tâm lý.

Chuyên gia tâm lý Kim Thành (Hà Nội), tác giả sách Dạy con tự học, kể lại một số tình huống chị đã gặp với cậu con trai 10 tuổi của mình để các phụ huynh tham khảo cách đồng hành cùng trẻ vượt qua giai đoạn thay đổi về tâm sinh lý.

Chị Thành kể, một lần đang làm việc nghe thấy tiếng khóc thét của con trai, chạy lên tầng thì thấy cậu bé rất hoảng loạn, ông và các em ở bên cạnh cũng bối rối.

Cảm xúc của con khiến người mẹ bất ngờ vì bình thường cậu bé kiểm soát cảm xúc rất tốt. Chị ôm con vào lòng, đưa bé về phòng riêng bảo con có thể khóc nếu muốn khuây khỏa. Khi con trai đã ngừng khóc, chị hỏi con chuyện gì xảy ra.

“Con không muốn mẹ phải lo lắng, nên không kể nhưng cứ khi nào con không làm theo đúng ý ông là ông tức giận, dọa chết, dọa sẽ nhảy lầu. Ông tưởng chỉ mình ông dám chết à?”, cậu bé nói.

Người mẹ vội bịt miệng ngăn con lại. Chị hỏi vì sao bao lâu con chịu đựng được mà hôm nay lại phản ứng dữ dội như vậy. Bé kể, em út đang chơi bỗng dưng khóc òa khiến ông tưởng con trêu em. Con thanh minh nhưng ông lại cho rằng cãi lại, rồi ông dọa nhảy lầu, sa đó thì đá một cái rất đau vào chân làm con ngã. Vừa oan vừa tức nên con không kiểm soát được.

Không phán xét ai, chị Thành từ từ hỏi để con nhận ra ông rất thương con cháu, dù cách của ông không hẳn phù hợp. Ông là người nóng tính lại dạy bảo theo tư duy người ở trên, nên người trẻ phải nghe. Nếu không thích cách dạy đó của ông, con có thể nói để ông hiểu. Nếu ông thay đổi được thì tốt, nếu không buộc phải chịu, vì ông già rồi, cứng khó thay đổi “cố nắn sẽ gãy”.

Người mẹ tiếp tục hỏi để con tìm ra cách phản ứng phù hợp, tránh làm ông giận và nảy sinh xung đột. Bé tự tìm ra cách sẽ đề nghị bố nói chuyện với ông, đồng thời nhận ra mình cần thay đổi cách chơi với em, sắp xếp thời gian chơi cùng em để đỡ đần ông bà. Sau khi nói chuyện, con hết giận ông, thương ông hơn và biết cách cư xử phù hợp.

Đó là năm Covid đầu tiên, mọi người giãn cách ở nhà nhiều lo lắng, dễ căng thẳng. Con trai chị Thành lại đang giai đoạn bung tỏa những cảm xúc kìm nén trước đây.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, cứ ba năm một lần trẻ sẽ có những lúc bùng phát mạnh, những xung động tâm lý và giải phóng những cảm xúc tiêu cực tích tụ lâu dài trước đó để chuyển sang giai đoạn tâm sinh lý mới. Nếu cha mẹ biết điều này sẽ dễ cảm thông cho con những hành vi “dở dở ương ương” khác thường của trẻ.

Địa điểm giải trí a4-5333-1649152163 Dạy con kỹ năng vượt qua nghịch cảnh Thông tin

Hai đứa trẻ vui chơi trong một sân bóng bỏ hoang ở Hà Nội, trong thời gian giãn cách vì Covid-19. Ảnh: P.D

Một lần khác, con út gần 3 tuổi của chị Thành đang chơi xếp hình, bỗng òa khóc. Chị lại gần hỏi con có chuyện gì. “Thuyền gãy rồi”, cu cậu nức nở. Thì ra do ấn tay mạnh quá, con lỡ làm gãy chiếc thuyền lego đang xếp. Chị hỏi tiếp, có phải con rất thích chiếc thuyền và có thể xếp lại lần nữa không.

– Ai là người vừa xếp chiếc thuyền này? Có phải con không?

– “Vâng ạ” – cậu bé trả lời.

– Con làm giỏi lắm! Vậy con đã xếp được thuyền rồi thì con có thể xếp lại nó được nữa, đúng không?

Cậu bé gật đầu và ngừng khóc. Người mẹ nói thêm mấy lời động viên và để con tự xếp lại chiếc thuyền của mình. Nhưng chị hỏi tiếp, lần này con sẽ làm gì để chiếc thuyền không bị gãy. “Con ấn vừa phải ạ”, cậu bé đáp. Chị Thành lại hỏi con có thể xếp lại chiếc thuyền nhiều lần theo nhiều hình dáng khác nhau không. “Có ạ”, bé trả lời.

Vừa động viên khích lệ, chị Thành vừa nói với con luôn có nhiều cách để làm một việc. Nếu mình thử làm nhiều cách thì sẽ biết nhiều hình dáng khác nhau có thể tạo ra cho chiếc thuyền. Mình cũng biết đâu là kiểu dáng thuyền mình thích, đâu là cách làm hay.

Trong một khóa học gần đây về phương pháp đọc siêu tốc, chị Thành thấy một học sinh lớp 6 lơ là học tập nên yêu cầu ở lại nói chuyện sau giờ học. Qua vài câu hỏi, cậu bé bộc bạch: “Ở nhà giãn cách, học online quá lâu làm con cô đơn lắm!”. Sau đó cậu bé chia sẻ bố mẹ đi làm suốt ngày, tối về lại làm việc hoặc xem mạng. Cậu ở nhà với giúp việc, thường nhốt mình trong phòng, dần dần mê game rồi bỏ bê việc học.

Bằng cách nói chuyện động viên, gợi mở như trên, nhà tâm lý cho cậu bé thấy việc ở lâu trong một không gian chật hẹp suốt thời gian dài dễ gây bức bối, buồn chán nên cần phải thay đổi tư thế, thay đổi không gian. Các câu hỏi cũng giúp cậu tự tìm ra những hoạt động mới là đi lại giữa các phòng trong nhà nhiều hơn, chơi nhảy dây, chống đẩy, rubik, đọc sách, vẽ tranh và làm một số việc nhà đỡ bác giúp việc. Cậu còn nói sẽ chủ động đề nghị bố mẹ có khoảng thời gian nhất định vào mỗi tối để chơi và trò chuyện cùng thay vì ngồi chờ thụ động và buồn. Ngoài ra, cậu cũng có thể nói chuyện với bác giúp việc, gọi cho bố mẹ, cô giáo, hoặc một bạn nào đó cùng lớp mà mình quý mến, tin tưởng.

“Nếu lúc đó tôi không kịp thời hỏi chuyện, lắng nghe con thì không biết chừng con sẽ dấn sâu hơn vào tình trạng trầm uất một mình, giết thời gian và nỗi buồn trong game”, nhà tâm lý nói.

Chiếc thuyền lego bị gãy hay trẻ buồn phiền, oan ức, tức giận có thể chỉ là chuyện nhỏ với người lớn. Nhưng là người làm tâm lý giáo dục, chị Thành thấy những cảm xúc của con và dạy con học cách giải quyết vấn đề, tự học từ mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống, nhất là lúc buồn, thất vọng, rối trí không phải là chuyện nhỏ.

Trong hành trình sống, có những lúc con trẻ buồn phiền, lo lắng, sợ hãi, rối trí là điều không thể tránh khỏi. Nếu không được trợ giúp có thể khiến sự việc đi càng xa, nhất là khi con trẻ bước vào tuổi vị thành niên.

Điều này chỉ có được khi cha mẹ dành thời gian quan sát, lắng nghe, giao tiếp cởi mở, tích cực, cho con cơ hội giãi bày, để nhận biết và thấu hiểu những gì đang diễn ra với con cả bên trong và bên ngoài, không để những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực bủa vây con quá lâu. Cha mẹ cần tạo cho con cảm giác an toàn, được tôn trọng, yêu thương, được chấp nhận như con vốn là, thay vì yêu con vô thức. Đây là bộ câu hỏi cha mẹ có thể áp dụng

– Có chuyện gì xảy ra với con vậy?

– Vì sao chuyện đó lại xảy ra theo cách như vậy?

– Kết quả tốt đẹp mà con mong muốn là gì?

– Kết quả đó có thực sự quan trọng với con không?

– Làm thế nào để con thực hiện được điều đó?

– Còn có cách nào khác nữa để làm được điều đó?

Những câu hỏi này đơn giản và hiệu nghiệm để con trẻ có thể nhận biết và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Đây còn là cơ hội quý để giúp con học rèn tư duy tích cực, kỹ năng giải quyết vấn đề và tự học từ mọi việc diễn ra trong đời sống. Như thế, trẻ sẽ phát triển vững vàng và có thói quen hướng tới những điều tích cực, hướng tới tìm kiếm những giải pháp hiệu quả thay vì để đám mây đen cảm xúc tiêu cực che mờ mắt con.

Phan Dương