Chỉ mất vài phút, anh Nguyễn Huy Phong và chiếc xe đạp gấp nhỏ gọn đã lách ra khỏi đám kẹt xe, bỏ lại đám đông đứng phơi mình trong nắng hè chói chang.
“Phải có những tình huống như thế này mới thấy được giá trị của việc đạp xe đi làm”, Phong, 39 tuổi, nhân viên một công ty du lịch ở quận Tây Hồ (Hà Nội) nói.
Anh đã duy trì thói quen đạp xe đi làm hơn một năm qua. Đặc thù công việc văn phòng khiến người đàn ông 39 tuổi từng có thời gian khổ sở vì chứng đau lưng, cổ, vai, gáy. Khi thử thể thao bằng xe đạp, những căn bệnh này dần dần thuyên giảm và biến mất. Đầu năm 2021, Phong quyết định chuyển hẳn sang đạp xe đi làm.
“Không ít người nghĩ tôi khùng. Họ bảo đi xe đạp vào mùa hè mồ hôi túa ra như tắm, người hôi rình”, anh Phong nói. Nhưng vấn đề này nhanh chóng được giải quyết khi công ty trang bị phòng tắm cho nhân viên.
7h sáng mỗi ngày, anh đạp xe từ nhà ở quận Hoàn Kiếm đến chỗ làm ở quận Tây Hồ. Quãng đường hơn 5 km, nhưng lợi thế xe nhỏ gọn, dễ luồn lách, anh ít khi gặp tắc đường, thậm chí có thể đến công ty sớm hơn 10 phút so với ngày đi xe máy.
Sau 6 tháng thấy anh Phong đạp xe đi làm, nhiều đồng nghiệp cũng học theo, mong cải thiện chứng thoái hóa đốt sống cổ, tê bì chân tay do ngồi nhiều. Anh cho biết, có người nhà gần đạp xe chừng 3 km, xa thì hơn 10 km, nhưng hơn một năm nay chưa ai có ý định quay lại đi xe máy.
Hiện trong tổng số 30 nhân viên ở công ty anh Phong, có 5-6 người thường xuyên sử dụng xe đạp để đi làm. “Tôi tin số người đi xe đạp sẽ ngày một tăng”, anh nói.
Ngoài lý do cải thiện sức khỏe và tránh tắc đường, một tháng qua, chị Phương Dung, 35 tuổi, ở Hải Phòng cũng đạp xe đi làm khi giá xăng vượt ngưỡng 30.000 đồng một lít. Nhà cách nơi làm việc 7 km, mỗi sáng chị Dung dậy sớm chuẩn bị đồ ăn cho gia đình và đi làm lúc 6h30. Sau 30 phút di chuyển, hơn 7h chị có mặt ở công ty.
“Trung bình mỗi tháng tôi tốn hơn 500.000 đồng tiền xăng. Còn nếu đạp xe, số tiền này sẽ chuyển vào phí sinh hoạt, mua thêm gạo, gia vị khi lạm phát gia tăng”, người phụ nữ làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nói.
Thấy chị Dung đạp xe đi làm, không ít người tỏ ra nghi ngờ và nói rằng chị “chạy theo phong trào, sớm từ bỏ”. Nhưng người phụ nữ 35 tuổi khẳng định sẽ duy trì thói quen này bởi tiết kiệm, hướng đến thành phố không khói bụi và bảo vệ môi trường.
“Nhu cầu đạp xe tập luyện kết hợp với đi làm gia tăng, khiến lượng khách mua lớn. Trước dịch, mỗi tháng chúng tôi bán được 10-15 chiếc, nay tăng gấp 3-4 lần, lượng khách mua thêm cho vợ, con, bạn bè tương đối nhiều”, anh Hà Xuân Nam, người kinh doanh xe đạp tại Hà Nội, nói. Nhu cầu của khách cũng khá đa dạng, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một xe.
Theo anh Nam, nhu cầu mua xe ở nam và nữ ngang nhau, không chênh lệch nhiều theo độ tuổi. Trước đây người dân chủ yếu mua xe tập thể dục, nhưng nay anh nhận thấy lượng khách mua xe để đi làm và chuyển thành phương tiện di chuyển hàng ngày đông dần lên.
Trên mạng xã hội, các nhóm về “đạp xe đi làm” có hàng chục nghìn thành viên. Riêng từ khóa “đạp xe đi làm” có gần 50 hội nhóm được đề xuất. Tại đây mọi người chia sẻ kinh nghiệm chọn xe, hướng dẫn cách sử dụng an toàn cho người mới.
Quản lý một nhóm xe đạp gấp với hơn 1.200 thành viên sau gần một năm thành lập, anh Trần Thế Nam (quận Hoàng Mai) cho biết, trung bình mỗi ngày có từ 10 đến 15 người mới tham gia, mục đích chính là tìm hiểu và tham khảo cách dùng xe. “Ngoài chia sẻ đam mê, các thành viên trong nhóm cũng hướng dẫn người mới cách sử dụng xe, lập đội bảo trì và tổ tư vấn bảo dưỡng miễn phí cho người có nhu cầu”, anh Nam nói.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 3 triệu người dùng xe đạp, chủ yếu tại Hà Nội (khoảng một triệu) và TP HCM (khoảng 2 triệu). Giới kinh doanh đã thấy triển vọng bùng nổ của thị trường xe đạp Việt Nam trong 3-4 năm trở lại đây và khác với lầm tưởng của nhiều người, Covid-19 không phải là nhân tố kích hoạt trào lưu này.
Ông Peter Nguyễn, CEO một thương hiệu cung cấp xe đạp tại Việt Nam nhấn mạnh ba yếu tố khiến thị trường xe đạp có tiềm năng dài hạn: Một là, nhu cầu tăng cường sức khỏe tăng; hai là hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, làn đường dành cho xe đạp được thiết lập, chú trọng lối sống xanh; và ba là tắc nghẽn giao thông được giải quyết bằng hệ thống giao thông công cộng, mật độ xe máy giảm tại các khu trung tâm và xe đạp thành lựa chọn tối ưu.
Mới xuất hiện tại Việt Nam, nhưng xu hướng đạp xe đi làm (Cycle to Work) đã có từ lâu và phát triển mạnh trên thế giới. Theo dữ liệu từ Điều tra dân số và Điều tra Cộng đồng Mỹ, từ năm 2008 đến năm 2012, khoảng 786.000 người Mỹ đã đi lại bằng xe đạp, tăng 60% so với năm 2000.
Ở Hà Nội, thời gian gần đây xuất hiện một trào lưu kết hợp sử dụng xe đạp và phương tiện công cộng để đi làm.
Ngay khi đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông vận hành, anh Trần Mạnh Lâm, 39 tuổi, ở quận Đống Đa lên phương án di chuyển mới. Nhà gần ga Cát Linh, mỗi sáng anh Lâm đưa xe đạp lên tàu điện, xuống tại ga Nguyễn Xiển và tiếp tục di chuyển 3 km để đến chỗ làm. Tổng quãng đường di chuyển dài 8 km chỉ mất 20 phút, nhanh gấp đôi so với đi xe máy trước đây. “Kết hợp xe đạp và tàu điện giúp tôi tránh các đoạn tắc dài cả km, đặc biệt là vào ngày mưa”, anh Lâm cho biết.
Loại xe anh Lâm sử dụng là xe đạp gấp, nặng khoảng 10 kg, dễ dàng mang vác. Theo quan sát của anh, thời gian đầu ít người mang xe lên, nhưng vài tháng nay người dùng tăng, trung bình mỗi toa đều có một vài khách mang xe đạp lên tàu.
Ông Vũ Hồng Trường, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, đơn vị có quy định rõ ràng về các vật dụng, đồ dùng theo kích cỡ được mang lên tàu điện. “Xe đạp thường chắc chắn không được vì cồng kềnh, nhưng với dòng xe đạp gấp có kích thước nhỏ gọn lại được phép”, ông Trường nói. Hanoi Metro không thống kê nhưng ghi nhận lượng người mang xe đạp gấp lên tàu điện trên cao ngày một nhiều. Ông Trường cho rằng việc người dân kết hợp di chuyển bằng xe đạp và phương tiện công cộng cần được nhân rộng để cải thiện tình hình ùn tắc cục bộ ở nội đô.
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, 31 tuổi, ở huyện Hoài Đức cũng kết hợp sử dụng xe đạp gấp cùng buýt điện, vì chỗ làm không có nhà tắm chuyên biệt và ám ảnh cảnh tắc đường. Nơi làm việc ở quận Thanh Xuân, đường từ nhà đến công ty là 14 km, khoảng 6h30 mỗi sáng chị đạp 1,7 km đến bến xe, sau lên xe buýt điện và đạp thêm 1,2 km đến cơ quan, tổng thời gian di chuyển mất 40 phút.
Nhưng sau gần hai tuần sử dụng, Linh nói phải tìm phương án khác, khi buýt điện không cho mang xe đạp gấp lên. “Trong lúc chờ tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội hoàn thiện, tôi sẽ thử tham khảo loại xe điện để vừa balo để đi buýt, vừa nhỏ gọn lại không tốn xăng”, chị cười.
Còn anh Huy Phong cũng vừa tặng vợ một chiếc xe đạp để cả hai cùng đi làm, khi hiểu rõ lợi ích với sức khỏe. “Vợ chồng tôi không thể bỏ xe máy, ôtô sang đi xe đạp, nhưng sẽ cố gắng sử dụng nhiều nhất có thể, thay vì là phương tiện thay thế nhất thời”, anh Phong nói.
Quỳnh Nguyễn