Lạm phát gia tăng khiến chi phí của bữa trưa dành cho dân văn phòng cũng tăng vọt, nhưng họ chưa tìm được giải pháp thay thế.
Trưa thứ 6, khu vực Gwanghwamun chật kín nhân viên văn phòng đi ăn trưa. Một hàng dài người đứng chờ bên ngoài tiệm mì lạnh nổi tiếng, cố tìm khoảng thời gian nghỉ chân ngắn ngủi, tránh thời tiết oi bức.
Dịch Covid-19 đã hạ nhiệt khiến các chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ hy vọng bù đắp thiệt hại sau hai năm đóng cửa. Nhưng họ nhanh chóng phải đối mặt với một khó khăn khác: lạm phát gia tăng.
Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố hôm 3/6 cho biết, giá tiêu dùng tăng 5,4% trong tháng 5, so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong 13 năm và 9 tháng.
“Hãy thông cảm khi chúng tôi phải tăng 500 won (9.000 đồng) cho tất cả các món trong thực đơn, do lạm phát”, một nhà hàng gần ga tàu điện Jonggak dán biển thông báo. Hầu hết các quán ăn ở giao lộ Gwanghwamun cũng phải chỉnh sửa menu vì lý do tương tự.
Nhưng chính khách hàng cũng gặp phải khó khăn.
Cuộc khảo sát với 1.004 nhân viên văn phòng của cổng thông tin tìm kiếm việc làm Incruit, 56% trả lời “rất áp lực” khi ăn trưa ở ngoài, 39,5% cảm thấy “ít áp lực” và chỉ 0,2% cho biết hoàn toàn không thấy gánh nặng.
Lee Ga-young, nhân viên văn phòng cho biết trung bình mỗi ngày phải tiêu tốn 13.000 won (240.000 đồng) cho bữa trưa, 9.000 won (160.000 đồng) đồ ăn thêm và 4.000 won tiền cà phê.
Theo cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc, giá trung bình của món mì truyền thống “kalguksu” ở Seoul hiện là 8.077 won, tăng so với mức bán 6.692 won năm 2018. Cơm trộn “bibimbap” từ 8.830 won lên 9.392 won cùng khoảng thời gian.
Leong Mi-kyung, nhân viên văn phòng làm việc 5 năm tại Gwanghwamun bày tỏ sự lo ngại khi giá cả tăng vọt. “Ngay cả gimbap (cơm cuộn rong biển) cũng đắt đỏ. Thỉnh thoảng tôi vẫn mời nhân viên cấp dưới đi ăn trưa và thấy áp lực khi trả tiền. Tôi sợ lạm phát sẽ kéo dài”, Mi-kyung nói.
Giá cả cho bữa trưa tăng vọt do lạm phát, khiến thuật ngữ “lạm phát bữa trưa” trở nên phổ biến tại Hàn Quốc. Nhưng các nhân viên văn phòng khó tìm được giải pháp thay thế.
Cho, 28 tuổi, từng mang cơm trưa và ăn tại văn phòng khi Covid-19 bùng phát. “Điều này giúp tôi tiết kiệm được tiền, nhưng cảm giác giờ làm việc dài hơn trước. Ngoài ra, việc chuẩn bị đồ ăn mỗi sáng cũng rất mệt mỏi và phiền phức”, nữ nhân viên văn phòng nói.
Minh Hằng (Theo Korea Times)