Quảng NinhĐám cưới của Kiều và Lịch được lên lịch diễn ra vào giữa tháng 10, nhưng dịch Covid-19 đã khiến cặp đôi mắc kẹt ở công ty, không thể về quê tổ chức.
Sáng 15/10, Phan Thị Kiều, 25 tuổi, mặc áo dài trắng, trang điểm nhẹ nhàng, bẽn lẽn bước vào hội trường công ty nơi cô và chồng đang công tác. Ở cửa, anh Phan Văn Lịch đứng đợi sẵn, bước đến nắm chặt tay cô. Hôm nay là ngày cưới của đôi bạn trẻ.
11 giờ sáng, màn hình máy chiếu tại công ty kết nối với hai điểm cầu ở Nghệ An, nhà gái ở thị xã Hoàng Mai và nhà trai tại huyện Nghĩa Đàn. Ngay khi màn hình hiện lên đủ 3 điểm cầu, không khí trong hội trưởng trở nên sôi nổi bởi tiếng nói cười, những lời chúc phúc từ họ hàng hai bên.
Các thủ tục thông thường của một đám cưới, từ lễ xin dâu, bái gia tiên, trao nhẫn cưới, bố mẹ hai bên gia đình dặn dò đều được diễn ra qua ứng dụng Zoom. Hôn lễ kết thúc sau gần một giờ đồng hồ, trước sự chứng kiến của các đồng nghiệp trong công ty cô dâu, chú rể.
“Không được về quê, nhưng sự chu đáo của công ty cho đám cưới, khiến sự tủi thân bị xóa nhòa bởi hạnh phúc”, cô dâu Phan Kiều nghẹn lời.
Kiều và Lịch yêu nhau đã sáu năm, khi còn là sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, cả hai vào làm chung công ty ở Quảng Ninh. Từ đầu năm nay, kế hoạch thành thân của đôi bạn trẻ được gia đình hai bên ủng hộ và chốt lịch ăn hỏi vào ngày 13/10, hôn lễ vào ngày 15/10. Cặp đôi đếm từng ngày được về chung một nhà.
Nhưng dịch bệnh và các đợt giãn cách kéo dài khiến sát ngày cưới cả hai vẫn chưa thể về quê. Trong lúc này, Nghệ An vẫn ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, xe khách liên tỉnh chưa được mở lại. “Giờ về chắc chắn phải cách ly”, Lịch nói với vợ.
Cuối cùng, chàng trai đề xuất tổ chức lễ ăn hỏi, đám cưới online và được hai bên gia đình đồng ý. “Cưới xin là chuyện hệ trọng, ngày cưới đã định không thể đổi. Hai con cứ yên tâm đi làm, mọi chuyện ở nhà để bố mẹ lo”, ông Phan Văn Phúc, 60 tuổi, bố chú rể động viên hai con.
Sáng 13/10, Lịch và Kiều vẫn đi làm. Sát giờ ăn hỏi, bố mẹ giục cặp đôi lên mạng, bắt đầu lễ ăn hỏi online tại phòng trọ. Kiều mặc vội áo dài, trang điểm đơn giản, đứng cạnh Lịch. Nhìn bố mẹ hai bên, cô dâu mới tủi thân, nghiêng người tránh khỏi khung hình để gạt nước mắt. Lịch đứng bên siết nhẹ tay vợ an ủi. “Tôi phải chờ đợi gần một năm để có một đám cưới, nhưng cuối cùng chỉ có thể nhận lời chúc phúc của bố mẹ qua màn hình”, Kiều bật khóc.
Chiều hôm ấy, mọi người trong công ty vô tình xem được clip ăn hỏi online của Lịch và Kiều. Chị Yến, đồng nghiệp, đã bàn bạc với mọi người trong công ty tổ chức hôn lễ đôi trẻ. Được sự đồng ý của lãnh đạo công ty, khâu chuẩn bị lập tức được cả công ty khởi động. Toàn bộ việc trang trí hội trường, phòng tân hôn, quà, bánh đều do các đồng nghiệp tranh thủ giờ nghỉ thực hiện.
“Biết hai bạn không thể về quê, công ty đã tổ chức một lễ cưới đơn giản, ấm cúng, nhưng vẫn tuân thủ các quy định phòng chống dịch để cả hai bớt tủi thân”, chị Yến nói.
“Nếu không có các đồng nghiệp, chắc hai vợ chồng lại lủi thủi tham dự đám cưới online trong phòng trọ”, chú rể chia sẻ.
Đêm trước ngày cưới, bà Phan Thị Vợi, 66 tuổi, mẹ cô dâu gọi điện thoại căn dặn con gái và liên tục nhắc con “phải sống thật hạnh phúc”. Suốt đêm đó, bà không thể ngủ, chốc chốc lại dậy xem đồng hồ, mong trời mau sáng để chuẩn bị cỗ bàn, đón nhà trai qua xin dâu lúc 9h sáng.
Trong khoảnh khắc tiễn con gái út đi lấy chồng, nhìn hai con trao nhẫn cưới, nhận lời chúc phúc từ họ hàng, đồng nghiệp qua màn hình máy tính, người mẹ 66 tuổi lau vội nước mắt, sợ con gái nhìn thấy lại khóc theo.
“Do tự chuẩn bị nên khâu tổ chức chắc chắn còn những thiếu sót, nhưng được chứng kiến hai bạn hạnh phúc trong ngày cưới. Nhận được rất nhiều lời chúc phúc từ người thân, tôi cũng cảm thấy vui lây”, chị Yến tâm sự.
Vào một ngày không xa, cặp đôi hy vọng được trở về gia đình và tổ chức một bữa tiệc báo hỷ có đầy đủ người thân, bạn bè.
Quỳnh Nguyễn