Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Việt Nam có cơ hội hút khách giàu có

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Việt Nam có cơ hội hút khách giàu có Du lịch
Rate this post

Theo Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, đẩy mạnh truyền thông là giải pháp hút khách khi Việt Nam mở cửa du lịch.

Trong hội nghị “Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả” do Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 15/3, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Phạm Sanh Châu, cho biết ngày càng nhiều người trong giới giàu có quan tâm tới Việt Nam, đặc biệt sau đám cưới của đại gia Ấn Độ ở Phú Quốc (Kiên Giang) và Đà Nẵng năm 2019.

“Tháng hai vừa qua, có một đoàn 250 khách có khả năng chi trả cao của Ấn Độ muốn đến Việt Nam nhưng đã chuyển hướng tới Bangkok (Thái Lan) vì điều kiện nhập cảnh dễ dàng hơn. Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông tới phân khúc khách này. Tổng cục Du lịch nên lên kế hoạch xây dựng video về du lịch đám cưới ở Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẽ hỗ trợ quảng bá”, ông Châu nói.

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Việt Nam có cơ hội hút khách giàu có Du lịch

Đại sứ Phạm Sanh Châu, thứ ba từ phải sang, cùng gia đình dự đám cưới của đại gia Ấn Độ ở Phú Quốc đầu tháng 3/2019. Ảnh: NVCC

Mỗi năm, có 25 triệu người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài và Ấn Độ nằm trong top 15 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam trước dịch Covid-19. Việt Nam đã có đường bay thẳng của Vietjet Air và Indigo. Đại sứ Châu đánh giá du lịch MICE (đoàn doanh nghiệp) cũng rất tiềm năng, khi phần thưởng của doanh nghiệp Ấn Độ cho nhân viên thường là chuyến du lịch. Doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần xúc tiến trực tiếp tới các tập đoàn thay vì qua đối tác, đại lý. Ngoài ra, người Ấn Độ có xu hướng du lịch theo gia đình ba thế hệ, giá cả cần cạnh tranh.

Về vấn đề mở cửa du lịch, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Nhật Bản, Singapore… cũng đóng góp giải pháp thu hút khách nước ngoài. Đại sứ tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho biết sau hai năm Covid-19, nhu cầu du lịch của người dân Nhật Bản lớn. Họ thích đi nước ngoài vì giá rẻ hơn trong nước nên đây là vấn đề doanh nghiệp lữ hành Việt cần quan tâm sớm. Người Nhật thường lên kế hoạch trước 2-3 tháng, đặc biệt vào kỳ nghỉ dài mùa hè khi trẻ em được nghỉ học. Ông Nam cũng khuyến khích ngành du lịch quảng bá, xúc tiến trực tiếp tới thị trường doanh nghiệp Nhật Bản vì họ có khả năng đáp ứng với chính sách mở cửa của Việt Nam ngay từ bây giờ, để vừa du lịch, vừa kết nối việc làm.

Nhật Bản có lượng khách du lịch tới Việt Nam lớn thứ ba năm 2019, với 952.000 lượt khách (chiếm 15,2%). Chính phủ nước này luôn đánh giá cao Việt Nam trong phòng, chống dịch và chính sách mở cửa. Nhật cũng là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam và đồng ý nối lại đường bay thường lệ.

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Việt Nam có cơ hội hút khách giàu có Du lịch

Du khách Singapore làm thủ tục tại sân bay Changi để bay tới Việt Nam chiều 16/3. Ảnh: VNA

Ông Mai Phước Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Singapore, thì cho rằng giải pháp để thu hút người dân và người nước ngoài tại Singapore là việc cần chắc chắn khi mở cửa. “Yếu tố chắc chắn của quy định mở cửa là quan trọng, để tránh tạo ra cảm giác thất vọng, phiền toái cho du khách”, ông Dũng nói. Hiện Singapore chưa hoàn toàn mở cửa song đã triển khai làn đi lại với Việt Nam không cách ly.

Pháp hiện xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia an toàn. Đặc biệt họ coi Việt Nam là thị trường truyền thống, nhờ mối liên hệ văn hóa. Họ cũng đánh giá cao giá trị ẩm thực, con người. Đại sứ Đinh Toàn Thắng đề xuất các công ty lữ hành Việt Nam tập trung cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng. Người Pháp đặc biệt quan tâm tới những nơi không đông đúc và có cơ sở y tế đảm bảo an toàn. Công nghệ cần áp dụng vào những sản phẩm du lịch, để theo xu hướng không chạm, ít tiếp xúc.

Việt Nam đã mở cửa du lịch ngày 15/3, khôi phục chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân ở 13 quốc gia, mở thêm nhiều đường bay trong và ngoài nước, các hoạt động xúc tiến du lịch đang được thực hiện ở nhiều địa phương.

Lan Hương

Hoa tiền