Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Cuộc sống ‘bình thường mới’ ở vùng xanh Sài Gòn

Rate this post

5 giờ chiều 27/9, Marvin Contapay, 27 tuổi, xỏ chân vào đôi giày thể thao, bước đi “như chim sổ lồng” quanh chung cư, sau gần 4 tháng quanh quẩn trong 4 bức tường.

“Hôm nay là ngày đầu tiên tôi ra ngoài tập thể dục”, Marvin, giáo viên tiếng Anh người Philippines, cư dân của chung cư Sky Garden 1, nói. “Thật vui khi thấy dấu hiệu của cuộc sống bình thường đang trở lại”.

Từ 16/9, quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ trở thành 3 địa phương đầu tiên của TP HCM bắt đầu thí điểm “mở cửa” theo lộ trình, cho phép người dân đi siêu thị, đi chợ dân sinh truyền thống, dịch vụ thiết yếu. Riêng quận 7, người dân đã tiêm 2 mũi vaccine ở phường Tân Phú và Tân Phong được phép đi bộ, tập thể dục, hoạt động thể thao ngoài trời tại 2 công viên, 5 sân quần vợt.

Với Marvin Contapay, những thay đổi này là “món quà bằng vàng”.





Địa điểm giải trí Vung-xanh-1-2399-1632969963 Cuộc sống 'bình thường mới' ở vùng xanh Sài Gòn Thông tin

Trẻ em ở chung cư Jamona City, phường Phú Thuận, quận 7, hoạt động thể thao ngoài trời hôm 28/9. Ảnh: Hồng Phúc.

“Sống trong đại dịch không dễ dàng, đặc biệt là với người nước ngoài sống nơi đất khách”, Marvin, người đã ở Việt Nam từ năm 2018, nói. Trong thời gian TP HCM giãn cách, chàng trai người Philippines gặp nhiều khó khăn. Trung tâm tiếng Anh tạm ngưng hoạt động. Việc dùng phiếu mua đồ ăn hay đặt hàng trên mạng cũng gặp nhiều trở ngại. Tâm lý anh bất ổn, năng lượng lẫn sức khỏe tinh thần “tuột dốc” khi ở nhà quá lâu. Nhiều tháng qua, Marvin chỉ ra ngoài vài lần để đi siêu thị và tiêm vaccine.

“Hầu hết các cửa hàng vẫn chưa mở, và đường phố cũng chưa đông đúc lắm. Nhưng chúng tôi rất biết ơn khi nhịp sống đang dần trở lại bình thường. Ít nhất chúng tôi đã có thể hít thở khí trời để giảm bớt cảm giác buồn chán”, Marvin chia sẻ.

Được đi dạo, hít thở không khí hay ngắm bầu trời, từng là điều rất đỗi bình thường. Trong đại dịch, những hoạt động này lại trở thành thứ xa xỉ. Cũng có cảm giác nhẹ nhõm như Marvin nhưng với Trường Thiên Ngọc, 33 tuổi, ở khu phố Mỹ Gia 2, phường Tân Phú, mấy ngày qua “giống một giấc mơ”.

“Từ hôm 19/9, việc đầu tiên của gia đình tôi là đặt đồ ăn qua app. Dù khá ít quán mở, nhưng sau nhiều tháng tự nấu nướng, đồ ăn ngoài quán dù gì cũng thấy ngon”, anh chủ tiệm vàng tại quận 1 kể.

Từ khi phường Tân Phú cho phép người dân ra ngoài tập thể dục, mỗi ngày anh Ngọc đều dẫn các bé ra công viên cách nhà 100 m đạp xe, chơi patin. “Từ hôm qua đến nay, mỗi ngày tụi nhỏ vào chơi ở công viên hai lần rồi”, ông bố cho biết.

Theo anh Ngọc, quận 7 đã thí điểm mở cửa từ 16/9, nhưng cư dân khu phố Mỹ Gia 2 chỉ ra ngoài đi dạo nhiều hơn từ 25/9 với sự rụt rè. Nhịp sống chưa trở lại như cũ, nhưng “ít nhất đã không còn lặng lẽ nữa”. Trong những lần đưa con đi chơi trong công viên, thi thoảng đâu đó vang lên tiếng cười hay tiếng trò chuyện của những cặp đôi đang đi bộ, cũng khiến anh “thấy xúc động”.

“Những ngày giãn cách, ở đây yên ắng lắm. Không một bóng người ngoài đường. Thậm chí những chú sóc ở các công viên xung quanh còn thản nhiên trèo vào vườn nhà mình”, anh Ngọc kể.

“Những gì xảy ra trong bốn tháng qua khiến mình trân trọng cuộc sống hơn rất nhiều”, anh nói thêm.





Địa điểm giải trí nguoi-dan-vung-xanh2-1507-1632841549 Cuộc sống 'bình thường mới' ở vùng xanh Sài Gòn Thông tin

Các bé nhà anh Ngọc đi chơi ở khu công viên gần nhà, hôm 27/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hạnh phúc, với anh nhân viên ngân hàng Trần Phúc, là được đi làm trở lại. Hôm 23/9, chàng thanh niên 28 tuổi, sống tại phường Tân Thuận Đông còn cảm thấy có chút bỡ ngỡ khi ngồi lên xe ra đường đến công ty, sau ba tháng làm việc ở nhà. “Ngày đầu đi làm thấy phấn khởi và chút hồi hộp như thể mới trúng tuyển”, Phúc nói.

Quận 7 cũng cho phép người dân thuộc vùng xanh đi mua sắm hàng hóa thiết yếu thông qua kênh phân phối tại 9 siêu thị, 154 cửa hàng tiện ích từ 16/9 nhưng Lê Thị Liên, 29 tuổi, sống tại phường Bình Thuận ban đầu chưa tự tin ra ngoài, vẫn sợ tiếp xúc đám đông.

“Khi bước vào siêu thị, được đẩy xe hàng nặng trịch, và ngửi thấy mùi thức ăn tươi mới, cảm giác khác lạ vô cùng”, Liên nói về “cảm xúc đặc biệt” sau buổi đi siêu thị đầu tiên hôm 23/9.

Theo Phó bí thư thường trực UBND quận 7 Trần Chí Dũng, sau 10 ngày nới lỏng một số hoạt động, số ca nhiễm mới ở địa phương không tăng, tình hình xã hội cơ bản ổn định. UBND quận 7 cũng cho biết, tuần đầu tiên địa phương đã phát hơn 41.500 phiếu đi chợ cho người dân tại “vùng xanh”, trong đó có hơn 12.300 người đi chợ (tỷ lệ gần 30%). Dự kiến hoạt động thể thao được mở rộng 10 phường từ ngày 1/10 với các loại hình sân vận động, câu lạc bộ thể thao trong nhà và các khu công viên có dụng cụ tập luyện đơn giản.





Địa điểm giải trí 1eeaf418c94600185957-163284522-7223-3106-1632882182 Cuộc sống 'bình thường mới' ở vùng xanh Sài Gòn Thông tin

Giây phút nghỉ giữa ca của hướng dẫn viên du lịch Tuyết Loan hồi tháng 5, vài ngày trước khi rừng Cần Giờ đóng cửa vì Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bên cạnh việc nới lỏng giãn cách, huyện Cần Giờ được giao thêm nhiệm vụ thí điểm mở cửa du lịch.

9 giờ sáng 19/9, chị Tuyết Loan ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, đón đoàn khách đầu tiên trở lại khu du lịch sinh thái Vàm Sát, thuộc khu dự trữ sinh quyền Cần Giờ. Đã lâu rồi chị mới được trang điểm, mặc bộ đồng phục lễ tân sau những ngày ở nhà nội trợ “đầu bù tóc rối”.

“Rất hồi hộp và xúc động. Quang cảnh nơi đây như được hồi sinh vậy”, chị Loan nói. Chị vui vẻ chào những vị khách trong tour thí điểm, rồi hướng dẫn mọi người tới các dịch vụ tại Vàm Sát, điều phối xe chở đoàn. 11 giờ trưa, chị lại tất bật phục vụ khách ăn uống ở nhà hàng. “Ngày đầu đi làm vẫn còn ít nhân viên, khá mệt nhưng tôi vui lắm”, nữ lễ tân của khu du lịch nói.

Covid-19 bùng phát, khu du lịch sinh thái Vàm Sát đóng cửa từ 28/5 đến nay, đúng vào mùa cao điểm hàng năm. Các tour bị ngưng lại, thu nhập của những nhân viên như chị Loan bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong lộ trình mở cửa thí điểm tại 3 quận, huyện đã kiểm soát được dịch, Củ Chi và Cần Giờ được giao thêm nhiệm vụ phát triển du lịch. Từ 19/9, tour tham quan Cần Giờ được nối lại, bước đầu dành cho đội ngũ y bác sĩ, lực lượng tham gia tuyến đầu phòng chống dịch. Vài ngày trước khi Vàm Sát mở cửa, chị Loan cùng các đồng nghiệp lau dọn bàn ghế, nhổ cỏ, quét lá cây, sẵn sàn đón khách trở lại.

“Cuối cùng thì cũng được đi làm lại. Trong tour đầu tiên, có anh bác sĩ còn nói là mấy tháng rồi mới cầm được cái chén ăn cơm vì lâu nay toàn ăn cơm hộp”, chị Loan nói. Từ 19/9 đến 28/9, khu sinh thái Vàm Sát đã đón được 3 đoàn khách thí điểm, dự kiến tiếp tục đón nhiều đoàn khách khép kín sau 30/9.

Niềm vui được đi làm lại của chị Tuyết Loan phần nào giống mong ước của anh giáo viên tiếng Anh Marvin Contapay. “Hiện điều tôi quan tâm nhất là bao giờ trung tâm tiếng Anh sẽ mở cửa đón học sinh trở lại”, Marvin nói.

“Tôi nghĩ chúng ta thường không đánh giá cao những gì chúng ta có cho đến khi nó mất đi”, theo Marvin và anh muốn “sống trọn vẹn từng phút giây” và “trân trọng từng khoảnh khắc” đang có.

Hoàng Hà

Hoa tiền