Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh năm 2000, quyết định nghỉ việc lần thứ hai để một mình đi xe máy xuyên Việt.
“Nếu con trai có thể xuyên Việt một mình được thì con gái cũng có thể”, đó là suy nghĩ, cũng là động lực để Nguyễn Thị Thu Hiền, cô gái người Thái Bình, lên đường xuyên Việt. Hiền đã có kinh nghiệm phượt hai năm, từ 2019, ở các cung đường núi miền Bắc và đã hai lần xin nghỉ việc để thực hiện giấc mơ xuyên Việt của mình.
Đầu năm 2021, khi Covid-19 bắt đầu hạ nhiệt, Hiền xin nghỉ việc để xuyên Việt nhưng rồi do dịch ập tới vào giữa năm nên cô về quê và chờ đợi, rồi quay lại Hà Nội làm việc tháng 10/2021. Chuyến đi phượt đầu tiên sau dịch của cô là tới Tà Xùa, Sơn La. Quá mê vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc nên Hiền đã lên đây sống. Sau một khoảng thời gian tích lũy đủ điều kiện, cô quyết định nghỉ việc lần hai để thực hiện hành trình trọn vẹn đi khắp Việt Nam.
Thu Hiền không sợ đi một mình. Vốn tính mình không thích phụ thuộc thời gian, cô chỉ tìm một người đi cùng. Nhưng do việc riêng, bạn đồng hành không đi được, Hiền kể. Lúc đó, mình băn khoăn nên đi tiếp hay dừng lại, nghe con tim hay lý trí, cũng sợ khi nghĩ con gái đi một mình trên cả chặng đường dài.
“Tuy nhiên, chuyến đi đã ấp ủ từ lâu cộng với việc đã trì hoãn một lần khiến mình suy nghĩ: Con trai làm được thì mình cũng phải làm được. Mình coi đó là thử thách cho bản thân, và phải vượt qua”, Thu Hiền bộc bạch.
Hiền đi xe Honda Wave Alpha, mang theo một chiếc balo to và một túi nhỏ để vật dụng cần thiết. Cô khuyên mọi người không nên dùng vali vì rất khó chằng. Quần áo Hiền chỉ mang 4 bộ, song phải mang nhiều đồ lót phòng trường hợp giặt không kịp. Ngoài ra, cô mang các đồ dùng như bộ sửa xe cơ bản, vá và một chiếc bơm. Cô để ý vào việc bảo dưỡng phanh xích và nhớt, cứ 1.000 km thay một lần.
Chuyến đi không có kế hoạch cụ thể, Hiền đi theo đường ven biển hướng về Đất Mũi Cà Mau và khi trở về đi theo hướng lên Tây Nguyên. Cô khởi hành từ Hà Nội, đi theo 29 chặng, chặng đầu tới Hà Tĩnh, các chặng tiếp theo dọc các tỉnh miền biển, sau đó tới TP HCM và Cần Thơ, từ đây lên thẳng Tây Nguyên, đến Kbang, Gia Lai thì sẽ gửi xe về Hà Nội. Buổi tối mỗi ngày, cô sẽ xem qua các điểm đến để biết mình sẽ đi chơi gì vào ngày hôm sau. Đi một mình, Hiền không bị phụ thuộc vào ai, thích đâu chơi đó, mệt thì nghỉ. Những lúc cảm thấy cô đơn nhất là buổi đêm, hơi sợ hãi do cô sợ ma, không bao giờ ngủ một mình.
53 ngày xuyên Việt, ngày nào cũng là kỷ niệm khó quên của Hiền. “Khó khăn thì chắc chắn có, nhưng mình luôn biến nó trở thành thử thách của bản thân và nghĩ một cách tích cực, nên không có chuyện gì xảy ra ngoài khả năng của mình”, Hiền nói. Trong hành trình, cô bị thủng săm một lần và tự vá. Trải nghiệm căng thẳng nhất là đi đèo tối không có ai ở Tà Năng, trời mưa, ướt và lạnh, lại phải đi đường đất một đoạn. Rất thích núi nên cô ấn tượng với những cung đường ở Tây Nguyên. Hiền cũng chia sẻ nếu đi một mình cung đường này thì nên xem trước hướng đi và chọn đường có nhà dân, đồng thời căn giờ chuẩn, tránh đi tối.
Chuyến đi cũng giúp cô hiểu hơn về ẩm thực ba miền, đặc biệt cô được thử vị của bánh xèo mỗi vùng, món ăn mà cô đặc biệt yêu thích. Để có ảnh chụp làm kỷ niệm, cô gái thường nhờ mọi người xung quanh, đổi lại Hiền cũng chụp ảnh cho họ. Nếu không có ai để nhờ, cô sẽ chụp bằng tripod. Chuyến đi của Hiền cũng được mọi người hỗ trợ, hay nhắn tin hỏi han. Mọi người trong gia đình, họ hàng, anh chị em bạn bè ủng hộ, ngỏ ý còn tiền không thì gửi số tài khoản để chuyển tiền. “Thực sự mình rất hạnh phúc vì đằng sau luôn có mọi người”, cô nói.
“Mỗi người có một sở thích, ước mơ và cuộc sống của mình là do mình lựa chọn. Mình sống cho bản thân, miễn thấy hạnh phúc”, Hiền nói. Cô chưa bao giờ hối hận về quyết định đi xuyên Việt một mình, cũng không cảm thấy lạc lõng khi luôn được người thân quen động viên.
“Cảm giác xuyên Việt là đi 300-400 km vẫn ngỡ như 2-3 km vì cung đường dải chữ S quá đẹp. Đồng hành cùng mình là cái nắng gắt của biển và một sự ê mông do ngồi nhiều”, Hiền cười.
Hiền xuất phát từ 11/5 và đã kết thúc vào 3/7, khi cô đến Kbang, Gia Lai. Hiện Hiền đang ở nhà cậu tại Kbang để nghỉ ngơi, sau đó sẽ gửi xe máy và đi xe khách về Hà Nội.
Trung Nghĩa
Ảnh: NVCC