Cà MauTôm, cá, cua… những đặc sản của Cà Mau được Nhật Minh đưa lên bánh kem theo phong cách tả thực.
Từng tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng nhưng sau vài năm đi làm, Tô Nhật Minh, 28 tuổi, thấy bản thân không phù hợp nên chuyển sang học làm bánh kem, rồi mở cửa hàng.
Cách đây hai năm, có khách hàng ghé qua, đặt làm bánh kem tạo hình cá khô bổi – một loại đặc sản Cà Mau – để tặng người yêu, vì nhà cô gái bán loại hàng này. Minh nhận lời dù chưa từng làm qua. Để tạo hình chiếc bánh theo ý tưởng của khách, cô lục tung các kênh YouTube nước ngoài, cũng như những nhóm dạy làm bánh nhưng không có thêm thông tin.
“Bởi vậy, tôi hình dung trong đầu mẫu mã và làm theo ý tưởng của mình”, Minh chia sẻ. Với chiếc bánh tả thực cá khô bổi đầu tiên, cô mất 5 tiếng mới hoàn thành.
Với cốt bánh giống như nhiều loại bánh kem khác, phần trang trí những con tôm, cua, khô mực… được Minh nặn từ kẹo đường fondant – một vật liệu trang trí làm từ bột đường trắng mịn.
“Trang trí bánh bằng fondant là một kỹ thuật tạo nên những chiếc bánh đẹp như tác phẩm nghệ thuật”, Minh nói.
Ở Việt Nam, cô là người đầu tiên sáng tạo và thực hiện mẫu bánh kem theo phong cách tả thực này.
Điểm mạnh của những chiếc bánh kem do Nhật Minh tạo ra là sự đa dạng về mẫu mã và sống động như thật, kể cả những tạo hình khó như tôm, cua, khô mực… Theo Minh, với dòng bánh kem thông thường, người làm thường chú trọng màu sắc thì với dòng bánh kem tả thực, từ khâu chọn nguyên liệu đến trang trí phải có kỹ thuật quan sát và tạo hình để bánh trông sinh động và có hồn. Tiêu chí này hoàn toàn phụ thuộc vào thẩm mỹ cũng như cảm nhận màu sắc thực tế của người làm.
Sau những lần đăng lên mạng, bánh kem tả thực của Minh được nhiều người đặt mua. Chiếc bánh nào cũng được cô chăm chút kỹ lưỡng. Với mỗi chiếc bánh tả thực, người thợ cần 3-4 tiếng mới hoàn thành.
“Trước khi bắt tay sáng tạo, tôi phải hình dung hình mẫu đó ở trong đầu, kích thước, từng lớp lang màu sắc và bố cục”, cô nói. Để nắm được cấu trúc từng bộ phận cũng như màu sắc của hình mẫu, có thời điểm Minh phải ngồi hàng giờ xem phim hoạt hình để nắm bắt ý tưởng, làm ra chiếc bánh theo đúng yêu cầu của khách.
Minh ví công việc làm bánh tả thực giống như sao chép những gì đẹp nhất của tự nhiên, cần con mắt quan sát tinh tế và tỉ mỉ, nhận ra sự khác biệt của màu sắc, độ bóng… rồi mô phỏng lên bánh. Cô chia sẻ do không có thầy dạy, ban đầu gặp nhiều lỗi sai. Mỗi lần như vậy, phải làm đi làm lại hàng chục lần.
Tính đến nay, cô gái 28 tuổi đã thực hiện khoảng 30 chiếc bánh kiểu này, có giá từ 800.000 đồng, tùy theo kích cỡ và độ phức tạp.
Những mẫu bánh của Minh nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khách hàng. Anh Hoàng Long, một khách quen thuộc của cô cho hay, bánh kem tả thực khiến anh thích thú, không chỉ đẹp mà còn độc đáo. “Tôi từng yêu cầu với những tạo hình khó nhưng Minh chưa thất bại lần nào”, người đàn ông này nói.
Ngoài bánh kem tả thực, Minh còn làm những dòng bánh kem hiện đại, bắt hoa với trang trí phụ kiện… Thời gian tới, cô dự định tìm hiểu những dòng bánh trang trí hiện đại phù hợp với nhiều lứa tuổi và giá thành để khách có thêm lựa chọn.
Hải Hiền
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)