Trung QuốcTrong trung tâm chăm sóc người cao tuổi, tám mái đầu bạc chụm quanh một chiếc bàn, mỗi người ôm chặt một đoạn ống nhựa.
“Các bác chuyền bóng từ ống nhựa của mình sang người bên cạnh nào. Ai không bắt và không chuyền bóng sẽ bị phạt đấy ạ”, nữ nhân viên hướng dẫn nhóm, cười nói.
Đây là một trong nhiều hoạt động các nhân viên trung tâm chăm sóc người cao tuổi tích hợp Huayang (ở Thượng Hải) tổ chức cho người cao tuổi trong khu phố. Căn phòng có vẻ giống đang tổ chức tiệc cho một đứa trẻ: có dụng cụ vẽ tranh cát, bộ trò chơi ném vòng, chồng thẻ luyện trí nhớ. Nhưng các trò vui này đều có mục tiêu nghiêm túc là tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất cho hội viên cao tuổi.
Shi Junjie, giám đốc cơ sở của Huayang ở quận Trường Ninh, Thượng Hải cho biết: “Người cao tuổi cô đơn khi phải ở nhà một mình. Tương tác với nhân viên và những người cao tuổi khác khiến họ rất vui”. Huayang là một trong nhiều tổ chức của Trung Quốc đang góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng cô đơn, tạo niềm vui cho người già.
Cô đơn là vấn đề lớn của người già trên khắp thế giới và đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc. Nhiều thập kỷ di cư trong nước với quy mô lớn (di chuyển khắp nơi để chăm sóc con cháu) khiến hàng triệu người về hưu trở thành “người già trôi dạt”. Nhiều người phải vật lộn để thích nghi với cuộc sống mới ở thành phố, nơi họ thường không quen biết ai ngoài con.
Theo các nghiên cứu, nỗi cô đơn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, là tác nhân của lo lắng và trầm cảm, góp phần suy giảm nhận thức và gây tử vong sớm. Nhận thức được mối nguy, ngành công nghiệp chăm sóc Trung Quốc đẩy mạnh hơn cung cấp đồ chơi và trò chơi cho người già.
Họ kỳ vọng chơi nhiều giúp người về hưu vui vẻ và dễ kết bạn hơn. Con cái cũng bắt đầu ý thức được điều này, nên mua đồ chơi cho cha mẹ. Tuy nhiên, điều người cao tuổi cần không phải là “ném cho họ túi đồ chơi”, mà cần sự đồng hành.
Wang Fuqing, một thành viên hội Lão khoa Trung Quốc, cho biết tổ chức này đang khuyến khích các cơ sở chăm sóc người cao tuổi trên toàn quốc thử nghiệm buổi chơi đùa. Ông ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng này sau cuộc thử nghiệm tại viện dưỡng lão ở Bắc Kinh.
Nơi đây tổ chức hai buổi vui chơi cho người già mỗi tuần, mỗi buổi khoảng hai giờ. Tỷ lệ người tham dự là 98%. Sau ba tháng tham gia, nhân viên viện dưỡng lão thấy các thành viên cao tuổi cải thiện rõ rệt khả năng nhận thức và cảm xúc. “Một số người nói vì được chơi trò chơi mà họ sẵn lòng ra hỏi phòng và làm quen với người khác. Trí nhớ của họ cũng được cải thiện đáng kể”, Wang Fuqing nói.
Tại Huayang, hoạt động yêu thích của các cao niên là vẽ tranh cát và tô màu. Ngoài ra, các nhân viên bày thêm hoạt động thể chất khác như tung vòng để các cụ tập luyện. “Người lớn tuổi không thể dục sẽ nhanh già. Đồ chơi và các trò chơi có thể trì hoãn quá trình lão hóa”, Shi Junjie nói.
Trong trò chơi bắt bóng giúp kết bạn, ông Zhong Zhixiang, 98 tuổi, làm rơi quả bóng khỏi ống nhựa nên bị phạt hát một bài. Ông đứng khỏi ghế, hát một giai điệu bằng tiếng Anh.
Ông cụ là công nhân về hưu cho biết, rất thích vui chơi ở Huayang và mê nhất trò tung vòng. Tiếc nuối của ông là trung tâm không có trò búng bi, đó là trò ông cụ yêu thích ngày bé.
Bên cạnh những người mở lòng với các “trò trẻ con” dành cho người già, nhiều người khác cho rằng người cao tuổi chỉ nên gắn bó với hoạt động nghiêm túc như nấu ăn, chăm trẻ và viết thư pháp.
Những định kiến này khiến thị trường đồ chơi cho người già dù có tiềm năng lớn vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khai. Hiện tại, thị trường nội địa chưa có công ty hay tổ chức nào của Trung Quốc chuyên sản xuất đồ chơi cho người cao tuổi. Trong khi hiện tại, đây là quốc gia có hơn 260 triệu người từ 60 tuổi trở lên, dự kiến năm 2040 sẽ vượt 400 triệu.
Vì hiếm đồ chơi chuyên dụng cho người già, một số cơ sở đành phải tự sản xuất thủ công.
Nhật Minh (Theo Sixthtone)