Hà NộiKhông ít người sẵn sàng bỏ tiền để vật nuôi được làm đẹp tại các cửa hàng spa và khách sạn cao cấp.
Cuối tháng 9, Nguyễn Tú An, 29 tuổi, ở quận Tây Hồ cho cún cưng trải nghiệm dịch vụ “Luxury Pet Spa & Hotel” cao cấp tại một cửa hàng trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ. Lần đầu đến tiệm, Cua, con chó giống Golden, nặng 15 kg của An được kiểm tra kỹ các vấn đề về da, chất lông để chọn dòng sữa tắm phù hợp, không gây kích ứng.
Buổi spa của Cua kéo dài gần một tiếng với 6 bước: tắm sạch; điều trị da; dưỡng màu lông; xả làm mềm lông; ủ lông; xịt nước hoa và dưỡng lông. Trước đó, chú cún được vệ sinh tai, cắt móng và vắt tuyến hôi. Sau một tuần, bộ lông của Cua vẫn bóng mượt, khiến An hài lòng.
Theo An, Cua là giống chó lớn, rất khó để tắm và vệ sinh ở nhà nếu không có đồ chuyên dụng. Thi thoảng phần da cũng gặp triệu chứng mẩn đỏ khiến người lần đầu nuôi chó như cô băn khoăn, không biết nên tự điều trị hay đến bác sĩ. Nhưng lo lắng của An nhanh chóng được các nhân viên tại spa hỗ trợ. Với bệnh ngứa thông thường, cô được khuyên chỉ cần bôi thuốc, còn với triệu chứng lạ, nhân viên sẽ chủ động nhắc chủ đưa chó đi khám. “Cách chăm sóc vật nuôi và khách hàng rất kỹ lưỡng, tận tình”, An nói.
Khoảng 4 – 5 năm trở lại đây, nhiều gia đình có điều kiện bắt đầu quan tâm đến dịch vụ chăm sóc và lưu trú cho thú cưng. Họ sẵn sàng chi số tiền lớn để đưa chúng đến các tiệm làm đẹp đắt đỏ. Hoặc gửi đến các khu khách sạn lưu trú khi không có người trông nom hoặc khi đi du lịch.
Chị Trần Hà Thu, 35 tuổi, quản lý tiệm chăm sóc chó mèo tại quận Tây Hồ cho biết, cửa hàng thành lập từ năm 2020, với hai cơ sở tại Hà Nội và TP HCM. Cơ sở ở Hà Nội gồm ba tầng với 4 nhân viên. Khu vực tầng một để kiểm tra sức khỏe, tắm, vệ sinh, sấy khô cắt tỉa và bể bơi bốn mùa cho thú cưng. Tầng hai làm phòng chờ cho khách. Tầng ba là khu khách sạn lưu trú và phòng chơi cho thú cưng.
Thú cưng đến tiệm được sử dụng toàn bộ sữa tắm nhập khẩu từ Pháp. Mỗi lọ sữa tắm 250 ml có giá trung bình 400.000 đồng có tác dụng làm sạch, khử mùi hôi, kháng khuẩn, loại bỏ tế bào chết, giúp bộ lông bền màu và mềm mượt.
Hiện mức giá tắm và vệ sinh cho thú cưng tại tiệm dao động từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng; tắm, vệ sinh và cắt lông tạo kiểu từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng. Riêng dịch vụ khách sạn cho vật nuôi dựa theo nhu cầu. Gửi dưới năm tiếng có giá từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng; cả ngày từ 150.000 đồng đến 430.000 đồng; gửi qua đêm từ 200.000 đồng đến 580.000 đồng, tuỳ vào cân nặng của vật nuôi. Phí lưu trú đã gồm ba bữa ăn, theo dõi sức khỏe, cho đi vệ sinh, vui chơi hoặc dắt đi dạo ngoài trời.
Như An, hàng tuần cô phải chi trả khoảng 400.000 đồng cho mỗi lần tắm của Cua, một tháng tốn 1,2 triệu đồng. “Đắt nhưng đáng”, cô gái 29 tuổi nói khi cún cưng luôn sạch sẽ, lông không bị bết dính như khi tắm tại nhà.
Số người mạnh tay chi tiền cho thú cưng như An không ít. Mỗi ngày, cơ sở Hà Nội của Thu tiếp nhận trung bình từ 5 đến 7 con, riêng cuối tuần lượng thú tăng gấp đôi. Trung bình mỗi tháng phục vụ 150 – 200 vật nuôi đến tắm, vệ sinh và cắt tỉa lông. Các đợt cao điểm thường vào lễ, tết, nghỉ hè, khách muốn đưa thú cưng đến làm đẹp hoặc lưu trú đều phải đặt trước.
So với mặt bằng chung, chi phí chăm sóc và lưu trú cho vật nuôi tại cửa hàng của Thu có giá nhỉnh hơn. Lý giải về điều này, nữ quản lý cho rằng cửa hàng muốn hướng đến nhóm khách hàng có mức thu nhập khá, mong đem đến những trải nghiệm tốt nhất. “Khi tôi giới thiệu về dòng sữa tắm nhập khẩu riêng biệt cùng các ưu đãi đi kèm, đa số khách hàng đều ưng ý và lựa chọn cho những lần tiếp theo”, cô nói.
Nhiều chủ cơ sở mở dịch vụ spa cho thú cưng nhận định xu hướng “pet humanisation” (nhân hóa thú cưng) tại Việt Nam ngày càng nở rộ. Chủ sở hữu coi vật nuôi như những đứa trẻ, tạo dựng chế độ ăn uống, hưởng lối sống và các dịch vụ chăm sóc đặc biệt. Đó cũng là lý do khiến cơ sở spa và khu lưu trú cho thú cưng cao cấp vẫn được đón nhận.
Cách tháng, Anh Thư, 27 tuổi, tại quận Cầu Giấy cũng đưa hai con cún giống Poodle đến quán quen trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa để tỉa lông. Cô cho rằng động vật cũng giống như người, cần được làm đẹp và hưởng các dịch vụ chăm sóc tốt nhất nếu chủ có điều kiện.
“Nếu đã chấp nhận nuôi chó, mèo nhập ngoại, việc dành tiền và thời gian để đưa chúng đi chăm sóc là cần thiết”, Thư, người vừa chi 700.000 đồng để đưa hai chú cún đi tỉa lông hôm 8/11, nói.
Sau giãn cách, lượng khách gửi vật nuôi đến tiệm của chị Thu để tắm và cắt tỉa lông gia tăng. “Tôi cho rằng dịch vụ này sẽ ngày càng phổ biến khi ngày càng nhiều người nuôi thú cưng nhập ngoại. Họ coi chúng như một thành viên trong gia đình và không ngại khi chi một khoản tiền lớn để chăm sóc, làm đẹp”, chị nói.
Quỳnh Nguyễn