Hai tiếng mắc kẹt dưới cơn mưa tầm tã, quần áo ướt sũng, nước ngập ngang bánh xe máy, anh Đức nhớ những ngày đi ôtô, khi xăng chưa tăng giá.
“Trải qua những hôm thế này mới thấy đi ôtô đỡ cực bao nhiêu”, Hoàng Đức, 32 tuổi, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ. Đi làm bằng ôtô, anh không lo chuyện nắng, mưa, rét mướt.
Nhưng gần hai tháng nay, Đức chuyển sang đi xe máy bởi xăng tăng mạnh. Người đàn ông cho biết, nếu đi ôtô, mỗi tuần anh tốn gần 2 triệu đồng tiền xăng, trong khi đi xe máy chỉ tốn khoảng 200.000 đồng. “Chẳng ai muốn khổ nhưng đi ôtô xót tiền quá”, anh nói.
Năm 2020, vợ chồng anh gom tiền mua chiếc ôtô hơn một tỷ đồng để phục vụ công việc hàng ngày và đưa vợ con về thăm quê. Thời điểm đó, chiếc xe tốn khoảng một triệu đồng tiền xăng mỗi tuần. Chi phí nuôi xe hàng tháng gồm tiền xăng, bảo dưỡng, bảo hiểm, phí cầu đường, tiền đỗ, gửi xe, tổng chi phí gần 6 triệu đồng.
Nhưng khi giá xăng vượt ngưỡng 30.000 đồng một lít, anh Đức trả gần 1,9 triệu đồng để đổ đầy bình. Tính ra mỗi tháng người đàn ông làm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện tốn 7,6 triệu đồng cho tiền xăng, chưa kể đi chơi xa hoặc về quê. Phí nuôi xe hàng tháng mất 10 triệu đồng, chiếm 1/5 tổng thu nhập của hai vợ chồng.
Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng anh Đức chuyển sang xe máy, không đi ăn ngoài hay mua sắm đồ. Mỗi lần đi công tác tỉnh ngoài anh chọn đi xe khách hoặc rủ đồng nghiệp thuê xe và chia tiền. Thú nhận không thoải mái khi đi xe chung, nhưng anh buộc phải chấp nhận khi giá xăng từ 21/4 đến nay tăng bảy lần.
Giá xăng tại Việt Nam tăng đột biến từ đầu năm 2022. Hồi tháng 1, xăng RON 95 ở mức 23.000 đồng một lít, đến cuối tháng 6 lên tới 33.000 đồng, cao nhất từ trước đến nay. Từ ngày 11/7, dưới tác động của một loạt chính sách điều hành của chính phủ, giá mỗi lít xăng đã giảm hơn 3.000 đồng.
Nhưng ngay cả khi giá xăng giảm về dưới 30.000 đồng, người tiêu dùng vẫn cho rằng đây là mức cao, buộc phải thay thế ô tô bằng phương tiện khác. Chị Thu Thủy, 29 tuổi, ở quận Đống Đa là ví dụ. Hai năm trước, người phụ nữ làm trong lĩnh vực truyền thông mua chiếc ôtô hơn 500 triệu đồng. Khi xăng tăng, mỗi tuần chị Thủy đổ đầy bình mất 1,2 triệu đồng, còn trước là 900.000 đồng. Tính ra mỗi tháng chị tiêu 4,8 triệu đồng cho tiền xăng, cộng thêm tiền gửi, bảo hiểm, phí đỗ xe, cầu đường, hết gần 7 triệu, trong khi thu nhập hàng tháng chỉ 15 triệu đồng. “Tốn gần nửa lương chỉ để nuôi chiếc xe là quá sức của tôi”, chị nói.
Hơn hai tháng nay, Thủy quyết định chuyển sang đi xe đạp kết hợp với đường sắt trên cao để tiết kiệm. Nhà cách ga Cát Linh gần một km, mỗi sáng chị đưa xe đạp gấp lên tàu điện, xuống tại ga Văn Quán (Hà Đông) và tiếp tục di chuyển 2 km để đến chỗ làm.
Cách di chuyển này giúp chị chỉ tốn 200.000 đồng, tiết kiệm hơn 4 triệu đồng so với đi ôtô. Khoảng 15 phút trên tàu, chị Thủy tranh thủ chợp mắt hoặc xử lý công việc, tổng quãng đường di chuyển khoảng 30 phút, nhanh gấp đôi so với đi ôtô. “Chưa kể, kết hợp xe đạp và tàu điện giúp tôi cải thiện sức khỏe, tránh các đoạn tắc dài cả km, nhất là vào những ngày mưa ngập hay nắng gắt”, chị nói.
Không riêng chị Thủy, nhiều người lựa chọn các phương tiện công cộng khi xăng tăng giá. Thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đường sắt đô thị đạt 48,1 triệu lượt trong bốn tháng đầu năm nay. Trong đó, xe buýt đạt 46,1 triệu lượt; đường sắt đô thị 2A đạt 1,9 triệu lượt. Sản lượng xe buýt tháng 2 tăng 94,6% so với tháng 1, tháng 3 tăng 38,8% so với tháng 2, tháng 4 tăng 49,7% so với tháng 3… Số người dùng vé tháng liên tục tăng.
Ông Vũ Hồng Trường, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, giá xăng tăng được xem là một trong những nguyên nhân thời vụ làm gia tăng hành khách trong thời điểm này.
Hanoi Metro thống kê sau 6 tháng hoạt động, toàn tuyến vận chuyển được 3,16 triệu lượt hành khách. Lượng khách đi tàu tăng gấp 2,5 lần so với thời gian đầu và trong thời gian giãn cách. Hàng ngày có 21.000-22.000 khách đi tàu; thứ bảy, chủ nhật 25.000-30.000 khách, chưa kể lễ tết.
Trước việc nhiều người chuyển từ ôtô cá nhân sang xe máy, xe đạp kết hợp với phương tiện công cộng, PGS.TS Đỗ Minh Cương, nguyên giảng viên Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định đó là sự chuyển đổi thông minh, hợp thời, nhằm giải quyết bài toán kinh tế khi xăng tăng.
“Thay vì đi ôtô riêng, họ phải tìm sang hình thức khác, ví dụ mô hình kinh tế chia sẻ, tức là sử dụng các ứng dụng gọi xe công nghệ hoặc phương tiện công cộng. Đặc biệt, cả hai phương án này này giúp người dân giảm nỗi lo xăng tăng, cắt giảm phí bảo trì, hao mòn. Tuy nhiên, người dùng phải chấp nhận những hạn chế như khi không còn ô tô riêng”, chuyên gia cho biết.
Từ ngày giá xăng tăng, chiếc Toyota Vios của anh Quốc Trường, 40 tuổi Hà Đông, bị xếp xó trong hầm chung cư. Ngày trước, dù quãng đường di chuyển chỉ 1-2 km anh vẫn lái xe để không phải đội mũ bảo hiểm và tránh khói bụi. Cuối tuần cả gia đình lái xe về quê hoặc rủ bạn bè đi chơi xa.
Còn nay, vợ chồng anh chấp nhận chạy xe máy hơn 15 km đến chỗ làm. Mỗi lần về quê đều đi xe khách, bởi giá mỗi lượt chỉ 150.000 đồng, thay vì đổ gần một triệu tiền xăng. “Cái nào rẻ hơn chúng tôi sẽ ưu tiên”, anh nói.
Không sử dụng nhưng mỗi tháng chiếc xe vẫn tiêu tốn hơn 2 triệu đồng tiền gửi, phí bảo dưỡng. Chị Ánh, vợ anh gợi ý bán xe nhưng anh không đồng ý. “Khi nào xăng giảm lại đi”, anh đáp.
Chật vật hơn khi nuôi xe ôtô, nhưng khá nhiều người vẫn có tâm lý giống anh Trường, tin rằng giá xăng đắt đỏ chỉ mang tính nhất thời. Hai khảo sát do VnExpress thực hiện cho thấy, khi giá xăng dầu lần đầu lập đỉnh, 32% người nói sẽ chuyển sang xe điện, nhưng sau ba tháng, chỉ 16% người trả lời đã chuyển sang xe điện. Trong khi số người đi xe xăng, dầu chiếm tới 54%.
Nhưng không phải ai cũng đợi được đến lúc xăng giảm giá. Anh Đức Mạnh, 45 tuổi, ở Hải Phòng vừa rao bán chiếc xe ôtô của gia đình. Hai năm trước, anh tích góp được 600 triệu, vay ngân hàng 400 triệu, trả cả gốc và lãi trong 3 năm, để mua chiếc Mazda 6 gần một tỷ đồng.
Thời gian đầu mua xe, giá xăng bằng nửa mức hiện tại, tiền lương 30 triệu đồng của hai vợ chồng đủ sinh hoạt phí và nuôi xe. Nhưng nay mỗi tháng tiền xăng xe mất hơn 4 triệu đồng, phí gửi xe dưới hầm chung cư 1,2 triệu đồng, thêm một triệu tiền gửi ở cơ quan và các khoản phát sinh, tổng chi phí hết 7 triệu đồng, chưa kể 12 triệu đồng tiền gốc và lãi khi mua ô tô trả góp. Phí nuôi xe cao, người đàn ông 45 tuổi chuyển sang đi xe máy, nhưng mỗi tháng vẫn mất 13,2 triệu đồng cho phí gửi xe, tiền nợ ngân hàng và nay phải rao bán.
Thú nhận việc chuyển từ ô tô sang xe máy không quen, nhưng khi giá xăng và các mặt hàng đều tăng, anh Mạnh nói việc bán xe là cần thiết. “Trong thời gian tới khi xăng hạ hoặc thu nhập của hai vợ chồng cải thiện, chúng tôi sẽ tính đến chuyện mua lại xe. Còn hiện tại bán xe là giải pháp hữu hiệu nhất để không mất thêm tiền”, anh nói.
Còn với gia đình anh Đức, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao và vẫn cất xe một góc, anh tính việc mang xe về quê để đỡ tiền gửi. “Khi xăng tăng giá, nuôi một chiếc xe còn tốn hơn cả nuôi con ăn học”, người đàn ông 32 tuổi thở dài.
Quỳnh Nguyễn