Trong hai năm trồng nho, anh Nguyễn Giàu chinh phục thành công 12 cây nho, thuộc 5 giống khác nhau.
Vật tư cần thiết
– Thùng trồng : Các loại thùng nhựa có dung tích 150-200 lít, đục lỗ thoát nước bên hông cách đáy thùng 5 cm.
– Giàn trồng cao khoảng 2,4 m để thuận tiện cho việc chăm sóc sau này.
– Các loại phân bón : Phân trùn quế, phân gà, phân cá, phân viên tổng hợp và NPK đặc hiệu.
– Thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Phòng nấm và sâu bệnh
Chọn giống
– Cây giống để trồng phải là cây nho ghép trên phần gốc của cây nho dại, như vậy thì bộ rễ của cây sẽ phát triển khoẻ mạnh hơn. Bạn không nên chọn những gốc nho đã quá già, khả năng sinh trưởng và phát triển kém dẫn đến năng suất và tuổi thọ của cây sau này bị suy giảm.
Chuẩn bị đất trồng: Trộn hỗn hợp gồm 60% là đất sạch, 40% tro trấu, xơ dừa, vỏ đậu phộng, thêm 1 ít vôi, phân trùn quế, trộn đều hỗn hợp, rải một lớp tricodema trên bề mặt và tưới đủ ẩm, đậy kín ủ 7-10 ngày là có thể đem trồng.
Trồng và chăm sóc cây nho
– Trồng cây vào thùng sao cho lớp đất mặt bầu ngang với lớp đất trong thùng, cắm cọc cột cố định phần gốc và ngọn để tránh bị mưa gió xô đẩy làm tổn thương vết ghép, tưới một lượng nước vừa đủ.
– Sau khi quan sát thấy cây ra thêm lá mới thì tiến hành bón phân định kì 10-15 ngày một lần trong suốt quá trình trồng, liều lượng phân bón tùy theo tuổi cây và số lượng cành lá mà cây đang nuôi dưỡng.
– Tiến hành tháo bỏ lớp nilon quấn quanh mắt ghép khi cây đạt chiều cao khoảng 0,8 mét hoặc khi nhận thấy phần mắt ghép có dấu hiệu phù lên khác thường trong quá trình phát triển của cây, điều này còn tùy thuộc vào việc ghép cành sớm hay muộn của nhà cung cấp giống.
– Thường xuyên tỉa bỏ các nhánh nhỏ phát sinh trong quá trình cây leo lên giàn, chỉ để một thân chính duy nhất và ngắt bớt các lá già bên dưới cũng như quan sát các dấu hiệu của sâu bệnh hại để kịp thời xử lý.
Tạo tán cho cây
– Khoảng 2 tháng sau khi trồng cây nho sẽ leo đến mặt giàn, cây hiện đã đạt độ cao khoảng 2 mét.
– Khi cây nho đã leo vượt đỉnh giàn 0,8 mét, tiến hành cắt ở đoạn thân nho tiếp giáp với mặt giàn để tuyển các cành cấp 1.
– 7-10 ngày sau khi cắt cành cây nho sẽ bung mầm, chọn 3 cành khoẻ mạnh, đều nhau phân bổ về các hướng làm cành cấp 1.
– Khi các cành cấp 1 đó đã đạt độ dài 0.8-1 mét tiếp tục cắt lui về vị trí 50 cm để lấy các cành cấp 2, mỗi cành cấp 1 nên để 2 cành cấp 2 (như vậy thì cây nho sẽ có tất cả 3 cành cấp 1, 6 cành cấp 2).
– Cây nho trồng trên sân thượng có thể bắt đầu cho trái vụ đầu trên vị trí cắt của các cành cấp 2.
Cắt cành kích trái cho cây
– Sau khi các cành cấp 2 đã đạt độ dài trên 1 mét và bắt đầu chuyển sang màu nâu gỗ thì tiến hành chọn các mầm ngủ khoẻ nhất trên mỗi cành, vị trí cắt ngay bên trên vị trí mầm ngủ cần lấy 3-5 cm.
– Tiến hành bón thúc phân bón, đặc biệt là các loại phân bón giàu kali ngay sau khi cắt để hỗ trợ việc cây bung chồi, hoa sẽ kéo ra theo sau ở các cành mới.
– Hoa nho có dạng chùm, ban đầu rất nhỏ nhưng sẽ phát triển nhanh và nở sau khoảng một tháng từ khi cắt cành.
– Giai đoạn cây ra hoa cần bón bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là kali và canxi để hỗ trợ việc đậu trái và hạn chế rụng hoa trái non
Thu hoạch
– Khoảng 2 tháng từ sau khi đậu trái, tức khoảng hơn 3 tháng sau khi cắt cành thì quả nho sẽ chín, cần tiếp tục bổ sung dinh dưỡng để làm ngọt cho trái.
– Bạn cần hạn chế tưới nước để trái không bị téc khi chín, có thể bổ sung thêm canxi để lớp vỏ trái thêm cứng cáp.
– Nếu gặp mưa dài ngày thì nên che, đậy miệng của chậu trồng để hạn chế lượng nước mà cây sẽ hấp thụ.
– Tiến hành thu hoạch khi quả nho đạt đủ độ chín tối đa tùy theo giống thì sẽ đạt được chất lượng tốt nhất.
Nguyễn Giàu