Nghệ AnĐể đền đáp công ơn của bố mẹ và thỏa mãn ước mơ được mặc váy cô dâu của mẹ, chị Sâm bí mật đưa hai người đi thực hiện một bộ ảnh cưới, hôm 3/7.
Bố mẹ chị Nguyễn Thị Sâm là ông Nguyễn Cảnh Thiệm, 79 tuổi và bà Phan Thị Nhung, 74 tuổi, ở huyện Yên Thành. Ông Thiệm bị mù từ nhỏ, kết hôn với bà Nhung và sinh được 5 người con (ba trai, hai gái). Sau 54 năm, hai ông bà đã vượt qua mọi khó khăn, nuôi dạy những người con trưởng thành.
“Mỗi lần được mời cưới, mẹ luôn hỏi cô dâu mặc váy đẹp không, áo cưới trông ra sao. Tôi biết mẹ có một mơ ước thầm kín là một lần được mặc váy cô dâu”, chị Sâm, 29 tuổi, giải thích cho việc làm của mình. “Tôi mong được thấy mẹ rạng rỡ trong bộ váy cưới, sau những năm tháng tần tảo”, chị nói.
Đầu tháng 7, chị Sâm đưa con trai từ Bình Dương về quê thăm ông bà. Để chuẩn bị cho kế hoạch bí mật của mình, chị chủ động liên hệ hiệu ảnh gần nhà, cung cấp số đo cơ thể của bố mẹ để chọn trang phục.
Chiều 3/7, Sâm đưa bố mẹ cùng bốn cháu lên ô tô, nói ra huyện có chút việc và đi thẳng hiệu ảnh cưới. Đến nơi, bà Nhung vẫn nghĩ đưa cháu đi chụp ảnh, nhưng khi nhân viên bắt đầu trang điểm, làm tóc và giúp bà mặc váy cưới trắng, người phụ nữ 74 tuổi sững người. “Bố mẹ già rồi, chụp ảnh cưới họ cười cho”, bà Nhung từ chối. Được con cháu động viên lại nghĩ vợ chồng lấy nhau 54 năm chưa từng có bức ảnh chung nào, bà gật đầu đồng ý.
Buổi chụp của cô dâu 74 tuổi và chú rể 79 tuổi kéo dài một tiếng rưỡi. Bà Nhung được thay trang phục hai lần với váy cưới trắng và áo dài đỏ. Hai mươi phút đầu, ông Thiệm đứng chụp cùng vợ, nhưng sau phải đổi dáng ngồi vì chân đau. Con gái và các cháu nhiệt tình hướng dẫn ông bà tạo dáng và chọc cười để có bức hình tự nhiên nhất.
Anh Văn Võ Sơn, 25 tuổi, thợ chụp ảnh cho gia đình chị Sâm hôm đó kể, điều đặc biệt nhất là mắt cụ ông không nhìn được nhưng lúc nào cũng cười. Ông Thiệm cũng luôn theo sát, nắm chặt tay vợ rất tình cảm. “Tôi cảm nhận rõ sự hạnh phúc trong mắt của cụ bà”, anh Sơn nói.
Từng chụp ảnh cưới cho hàng trăm cặp đôi, nhưng buổi chụp này khiến anh Sơn xúc động mạnh khi cô dâu, chú rể đều gần 80 và bị khiếm khuyết. “Trước ống kính ông bà còn rụt rè, không thể tạo dáng như người trẻ nhưng vẫn có những khoảnh khắc đẹp, tự nhiên”, nhiếp ảnh gia nói.
Sau buổi chụp, chị Sâm phóng một bức ảnh to treo tường. “Tôi không muốn trong nhà chỉ treo ảnh cưới của con, cháu mà phải có ảnh cưới của bố mẹ nữa”, cô con gái út nói.
Ông Thiệm và bà Nhung cưới nhau năm 1968 sau một đám cưới sơ sài, không cỗ bàn hay trang phục đặc biệt. Ông bị mù sau lần đau mắt năm hai tuổi. Đến tuổi lấy vợ nhưng các gia đình trong vùng không đồng ý gả con gái vì nghĩ ông không thể cáng đáng được cuộc sống gia đình. Mẹ ông Thiệm biết cô gái tên Nhung trong làng là người mồ côi, tính tình tháo vát, chịu khó nên đã thuyết phục về làm dâu.
Chồng mù lòa nên rất ít đỡ đần được về kinh tế, việc nhà, một mình bà Nhung làm ruộng, trồng rau gồng gánh cả gia đình. Cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng chưa một lần bà Nhung trách móc chồng.
“Không ai hiểu và chiều bố bằng mẹ. Từ xưa đến nay, mẹ không dám đi đâu xa, có món gì ngon, lạ đều mang về cho bố. Tình cảm của bố mẹ khiến chúng tôi rất ngưỡng mộ”, chị Sâm nói.
Từ lúc nhận ảnh cưới, ngày nào bà Nhung cũng mang ra ngắm, sau lại tả cho chồng những bức hình trông ra sao. “Ảnh đẹp nhưng chưa thể trọn vẹn vì một vài con, cháu đi làm ăn xa. Tôi mong một ngày sẽ có một bức hình đầy đủ con cái, dâu, rể, cháu, chắt được thực hiện”, người phụ nữ 74 tuổi tâm sự.
Quỳnh Nguyễn