10 tuổi trở thành sinh viên, 13 tuổi tốt nghiệp đại học nhưng hiện tại cuộc sống của Trương Di Văn chỉ là sự nổi loạn.
Gần đây, đoạn video quay cảnh một bác sĩ ở Nam Kinh ép con gái 7 tuổi và con trai 5 tuổi học Toán cao cấp và Văn học cổ được lan truyền mạnh mẽ tại Trung Quốc. Trong lúc dạy dỗ, “bố hổ” này còn thường xuyên dùng lời lẽ xúc phạm, thậm chí dùng bạo lực khi hai đứa trẻ làm bài sai.
Mặc dù sau đó công an, Hội phụ nữ đã can thiệp nhưng ông bố vẫn cho mình làm đúng, bởi “vì tương lai của các con”. “Đây cũng là chuyện riêng nhà tôi, không ai được tham dự”, người này tuyên bố.
Phương pháp giáo dục “chín ép bằng bạo lực” của ông bố ở Nam Kinh khiến nhiều phụ huynh ở Trung Quốc nhớ tới cô bé từng được coi là thiên tài Trương Di Văn.
Trương Di Văn sinh năm 2007, trong một gia đình có bố mẹ làm giáo viên ở thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam. Cha cô, Trương Dân Thao từ nhỏ đã thông minh, ham học, tự ví mình là “Lỗ Tấn hiện đại” vì từng xuất bản một số bài báo phê phán tệ nạn xã hội.
Khi Di Văn chào đời, ông Trương dồn hết mọi hy vọng vào con. Lúc nhỏ, cô bé đã theo cha học chữ từ sáng tới tối. Bốn tuổi, đã biết hàng nghìn chữ Hán, vượt xa sự hiểu biết của các bạn cùng trang lứa. Đến tuổi con đi học, ông Trương không ưng ý những ngôi trường trong thành phố nên quyết định tự mở trường tư thục, dạy kiến thức cho con.
Trương lập kế hoạch học tập rất khác biệt. Theo đó, Di Văn cần phải hoàn thành chương trình phổ thông trước 9 tuổi, có bằng tiến sĩ ở tuổi 20, sau đó tham gia vào nghiên cứu khoa học. Để đạt được mục tiêu, Trương bắt con chỉ học kiến thức khoa học, không cho tiếp xúc những môn như lịch sử, địa lý… Với phương pháp này, chỉ trong vòng bốn năm, Di Văn đã hoàn thành chương trình phổ thông cần thiết mà đáng lẽ một học sinh bình thường phải dành 12 năm để học xong.
Hàng ngày, Trương Di Văn phải dậy từ 5h sáng học bài. Sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi một tiếng lại học tiếp. Buổi tối, cô bé phải học đến 10h mới được đi ngủ. Trong thế giới của em, không có thời gian làm việc khác ngoài học. Muốn đi chơi cũng chờ sự sắp xếp và đồng ý của bố mẹ. Di Văn luôn sống trong tâm trạng căng thẳng mỗi ngày.
Một lần tâm sự với bạn, Di Văn nói mình hoàn toàn mất đi hạnh phúc đáng lẽ phải có trong thời thơ ấu. Trương Dân Thao không bao giờ quan tâm đến những cảm xúc này của con. Theo ông, thời gian chẳng đợi chờ ai, vì thế việc học là ưu tiên hàng đầu.
Sau hai năm khổ luyện, ông Trương tin rằng con gái đã đạt đến trình độ chuẩn trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Người bố tự đến trường đăng ký cho Di Văn, khi đó cô bé mới 9 tuổi.
Vì con chưa từng đi học chính thức nên không có tư cách học sinh, việc đăng ký dự thi đại học gặp nhiều trục trặc. Trương đã nhờ nhiều mối quan hệ cấp chứng chỉ giáo dục tương đương cho con, cuối cùng cũng thành công.
Nhưng năm đó Di Văn thi điểm thấp, trượt đại học. Người bố khi này tự phân tích nguyên nhân rồi đưa con đến lò luyện thi, quyết thi đỗ bằng được. Sau một năm ôn luyện, Di Văn cũng thi đỗ ở tuổi lên 10. Lần này cô bé được nhận vào Học viện Công nghệ Thương Khâu, chương trình ba năm.
Thông tin Trương Di Văn trúng tuyển đại học thời điểm đó đã trở thành đề tài quan tâm của nhiều phụ huynh tại Trung Quốc. Có người đặt câu hỏi, liệu con gái có phải là công cụ nhằm quảng cáo cho trường tư thục của người cha. Hơn nữa, một đứa trẻ vào đại học, một loạt khó khăn sẽ phải đối mặt.
Trước những nghi ngờ, ông Trương tỏ ra rất bình tĩnh. Người đàn ông này nói, bản thân đã hoạch định sẵn cuộc đời cho con gái, để cô bé nhanh chóng bước vào một xã hội cao cấp.
Dù vậy, với một sinh viên nhỏ tuổi như Di Văn, cô bé luôn cảm thấy lạc lõng và cô độc. Do còn quá trẻ, giữa Di Văn và các bạn cùng lớp có khoảng cách thế hệ rõ ràng. Việc giao tiếp bị cản trở và không có một người bạn đúng nghĩa, cô bé luôn tự ti và sợ hãi mỗi khi đến lớp.
Do chưa được theo học trường lớp chính quy nên kiến thức cơ bản của Di Văn cũng không vững vàng. Cô bé thường cảm thấy đuối sức vì không thể theo được chương trình. Năm thứ hai, Di Văn phải chuyển sang học thiết kế hoạt hình, vì việc học quá khó khăn. Tháng 7 năm 2020, cô bé tốt nghiệp Học viện công nghệ Thương Khâu với điểm số ở mức trung bình.
Tốt nghiệp, nhưng không công ty nào tuyển dụng Di Văn bởi tuổi đời quá nhỏ. Lúc này ở tuổi 13, cô bé chỉ có thể về trường tư thục của cha mình và trở thành một giáo viên trợ giảng với mức lương 1.500 tệ một tháng (7,2 triệu đồng).
Ông Trương từng nhận về nhiều chỉ trích vì gò ép con cái trở thành thiên tài từ quá sớm, vạch ra hướng đi quá khổ với khả năng của con. Thế nhưng, ông lại phản pháo những người tỏ ý thương con mình rằng: “Con bé cảm thấy cô đơn, nhưng tôi nghĩ cô đơn không hẳn là điều xấu, và cô đơn cũng như một bài tập thể dục.” Ông cũng vạch ra tương lai tiếp theo cho con khi yêu cầu Di Văn thi cao học, sau này có thể du học.
Từ khi con còn bé, mọi quyết định của Trương Dân Thao đều không nghĩ đến cảm xúc và suy nghĩ của con gái. Nhưng hiện tại ở tuổi 15, Di Văn trở nên nổi loạn, lầm lì và thường đổ lỗi cho cha đã kiểm soát cuộc sống của cô.
Dù vậy, ông Trương vẫn đang vạch ra một kế hoạch mới cho cậu con trai 10 tuổi – em trai của Di Văn: Hoàn thành phổ thông trong ba năm, 13 tuổi sẽ đỗ vào Đại học giao thông ở Tây An… Người bố này luôn tin tưởng, kế hoạch giáo dục đốt cháy giai đoạn của mình sẽ mang lại những thành tựu đáng tự hào cho các con.
Người dùng mạng Trung Quốc không ngừng chỉ trích. “Rõ ràng tư tưởng giáo dục của Trương Dân Thao là sự gò ép, bó buộc con cái phải trở thành thần đồng, bắt chúng lớn lên theo khuôn khổ do người lớn định sẵn mà không cho chúng có quyền được tự do và phát triển theo tự nhiên”, một người bình luận. Trong đó, người khác lại nêu ý kiến: “Tư tưởng áp đặt, cái gì cũng muốn của người làm bố, làm mẹ có thể biến con mình thành những chú robot, chỉ biết học, còn bản thân bọn trẻ không hiểu học để làm gì?”
Vy Trang (Theo sohu)