Tạp chí du lịch The Travel đánh giá vẻ đẹp của đồng bằng sông Cửu Long xứng đáng được nhiều người ghé thăm.
Trong danh sách “10 điểm đến chưa phát triển đúng tiềm năng ở châu Á” mà tạp chí Canada The Travel mới đăng tải, đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ hai. Tạp chí đánh giá đồng bằng sông Cửu Long là điểm đến tiềm năng, có cảnh quan đẹp và nhiều hoạt động để khám phá nhưng không nổi bật trên bản đồ du lịch.
Cây bút người Anh, Lauren Feather, cho biết du khách nước ngoài thường chú ý nhiều nhất tới vịnh Hạ Long khi nghĩ đến Việt Nam, song đồng bằng sông Cửu Long là một “viên ngọc” tự nhiên. Trong miêu tả của Lauren, đồng bằng sông Cửu Long đẹp như tranh vẽ, là nơi nghỉ dưỡng bình yên và tĩnh lặng với nhiều đồng quê hoang sơ, tránh xa sự hối hả và nhộn nhịp. Cô đánh giá, địa điểm này có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch như những chùa chiền của người Khmer, chợ nổi, rừng ngập mặn, thuỷ sản tươi sống và ẩm thực đặc trưng khó cưỡng lại.
“Đẹp đến ngỡ ngàng” là những gì mà Lauren viết. Đồng bằng sông Cửu Long là một “mê cung sông ngòi và kênh rạch chằng chịt cùng những hòn đảo nhỏ nguyên sơ”.
Những địa điểm xuất hiện trong danh sách của The Travel được coi là những viên ngọc thô, dành cho du khách muốn có trải nghiệm mang tính phiêu lưu nhưng ít xuất hiện trên truyền thông.
Một số địa điểm trong danh sách là Đài Loan – điểm đến được xem là chưa phát triển khi nằm giữa Nhật Bản và Philippines quá mạnh về du lịch. Các điểm đến còn lại là thành phố Trường Sa ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, Kerala và Goa ở Ấn Độ, Dhaka ở Bangladesh, Johor Bahru ở Malaysia, Clark ở Philippines, Appi ở Nhật Bản và Pontianak ở Indonesia.
Pontianak đứng dầu danh sách. Cái tên “Pontianak” có thể gây ra nỗi sợ hãi trong lòng người dân Malaysia khi là tên của một loài vật đáng sợ trong các câu chuyện dân gian của người Malaysia. Tuy nhiên, Pontianak của Indonesia nằm ở Tây Kalimantan là một thành phố vui vẻ, sôi động và là nơi giao thoa văn hóa Malaysia, Dayak và Trung Quốc. Thành phố cũng là nơi thuận tiện để khởi đầu cho chuyến tham quan nhiều điểm tự nhiên của tỉnh Kalimantan Barat, bao gồm khu vực bảo tồn đười ươi trong công viên quốc gia Betung Kerihun, Núi Kelam và vườn quốc gia hồ Sentarum.
Trung Nghĩa (Theo The Travel)