Tàu hoả chạy trên đường sắt răng cưa duy nhất ở Việt Nam từ Đà Lạt đi Trại Mát, dài 7 km, sẽ được bán vé online từ đầu tháng 3.
Chiều 27/2, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Bình Thuận, thuộc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết các đoàn tàu đã được chạy lại từ Tết, sau hơn nửa năm dừng do Covid-19. Đầu tháng 3, khách có thể đặt chỗ online thông qua các kênh bán vé của ngành đường sắt, thay vì phải mua trực tiếp như thời gian qua.
Tàu Đà Lạt – Trại Mát được chạy cố định các ngày thứ 6, 7 và chủ nhật hàng tuần, với ít nhất 2 đôi mỗi ngày, mỗi chuyến khoảng 30 phút di chuyển. Trong đó, tàu ĐL5 xuất phát từ ga Đà Lạt lúc 9h50, đến Trại Mát lúc 10h20. Chiều ngược lại, tàu ĐL6 rời ga Trại Mát lúc 10h50 và đến Đà Lạt lúc 11h20. Buổi chiều, tàu ĐL11 rời Đà Lạt lúc 16h05, đến Trại Mát lúc 16h35; tàu ĐL12 rời Trại Mát lúc 17h05 đến Đà Lạt lúc 17h35. Ngoài các đoàn tàu trên, còn 4 đôi tàu khác nằm trong phương án hoạt động trên tuyến, khi nhu cầu tăng cao sẽ cho chạy để phục vụ khách.
Khách mua vé lượt có thể lựa chọn hai loại ghế, 88.000 đồng và 98.000 đồng mỗi vé. Khi mua khứ hồi, được giảm 25% mức giá. Trường hợp khách mua vé tập thể cũng được giảm giá 15%-40%, tuỳ số lượng.
Đường sắt Đà Lạt – Trại Mát là phần còn lại của tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt, dài 84 km, nối Ninh Thuận với Lâm Đồng, khai thác năm 1932, do người Pháp xây dựng. Đây là tuyến đường sắt độc đáo nhất Việt Nam, với khoảng 16 km đường răng cưa, vượt độ cao 1.500 m trên mực nước biển, độ dốc thường xuyên 12%. Đầu máy cũng được thiết kế gắn thêm bánh răng để bám vào đường ray răng cưa, giúp vượt đèo dốc.
Năm 1972, do chiến sự ở miền Nam, đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm ngừng hoạt động. Giữa năm 1975, tuyến đường vận hành trở lại nhưng không lâu sau phải dừng vì không hiệu quả. Phần lớn đường ray, tà vẹt trên tuyến bị tháo gỡ, các đầu tàu chuyên dụng để leo đèo sau đó cũng bán cho một doanh nghiệp của Thụy Sĩ. Hiện tuyến chỉ còn đoạn Đà Lạt – Trại Mát hoạt động để phục vụ khách du lịch.
Gia Minh