Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi, nhưng đó là phản ứng tự nhiên khi con người ở môi trường lạ, thử thách, không chắc chắn.
Vì thế lời động viên “Đừng sợ hãi” dường như vô tác dụng, bởi lẽ chẳng khác gì đang khuyên một người không được cười trước một chuyện hài hước.
Chuyên gia tâm lý Nataly Kogan, tác giả của những đầu sách về tâm lý nổi tiếng đã được giới thiệu trên The New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal, cho biết có ba loại sợ hãi phổ biến nhất ngăn cản mọi người thành công và cách để vượt qua.
1. Sợ thất bại
Khi tiếp nhận một điều gì mới, không có cách nào để biết liệu bạn có thành công hay không. Nhưng nếu cứ dồn tâm trí để lường hết những sai sót có thể xảy ra, bạn sẽ bị mất năng lượng và tinh thần cho mục tiêu chính.
Để vượt qua nỗi sợ, hãy xác định bao quát vấn đề, rằng mục đích đằng sau những việc bạn phải làm là gì. Tự hỏi bản thân những điều sau:
– Cách nào để những khó khăn, thử thách nào giúp bản thân phát triển hoặc đến gần mục tiêu? Hãy ngừng việc suy nghĩ rằng thứ đối nghịch của thành công là sự thất bại, mà hãy coi thất bại là đối nghịch của sự cố gắng. Bạn thất bại tức là bạn chưa đủ cố gắng.
– Làm thế nào biến những thách thức này để cải thiện cuộc sống của người khác? Đã có nghiên cứu cho thấy khi chúng ta áp dụng tư duy vì xã hội hoặc nghĩ về việc mình làm giúp ích gì người khác, chúng ta sẽ kiên cường và có động lực hơn.
2. Sợ mình không đủ tốt
Nỗi sợ hãi này có thể giống như “Công việc đó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng giao tiếp và tôi rất kém về khoản đó” hoặc “Công ty đó chỉ tuyển người tốt nghiệp đại học lớn, nên tôi không bao giờ có thể vào đây”.
Bí quyết để vượt qua nỗi sợ hãi này là tự chỉnh suy nghĩ của mình. Hãy hỏi bản thân:
– Suy nghĩ này có đúng không? Có thể bạn sợ mình sẽ làm rối tung, làm không tốt một bài thuyết trình của nhóm trước công ty và sẽ bị đánh giá. Thực tế, suy nghĩ này bị điều khiển bởi thành kiến tiêu cực trong não và không bắt nguồn từ sự thật.
– Nhận được gì khi nghĩ mình kém? Giả sử bạn vừa được thăng chức, nhưng có một ai đó khiến bạn cảm giác mình không đủ năng lực cho nhiệm vụ mới. Hãy hỏi bản thân: Liệu suy nghĩ này có giúp bạn đảm đương nhiệm vụ tốt không? Dĩ nhiên là không. Một khi nhận ra, hãy nghĩ xem bạn có thể làm gì để tăng cơ hội thành công. Tham gia khóa học nâng cao kỹ năng, đọc sách và học hỏi từ một số người tài giỏi hơn sẽ có ích cho bạn.
3. Sợ làm người khác thất vọng
Không ai muốn là người khác thất vọng, đặc biệt với người mà ta rất ngưỡng mộ, tôn trọng. Nhưng những người thực sự quan tâm đến bạn không phải là giám khảo chấm điểm cho phần trình diễn của bạn. Họ muốn thấy bạn thành công, ngay cả khi phải thử, phải ngã, phải thất bại nhiều lần.
Điều quan trọng là dành thời gian để hiểu bản thân, xác định mục tiêu và xác định thành công có ý nghĩa như thế nào với bạn. Bằng cách này, bạn sẽ ít bị ám ảnh bởi ý kiến của người khác về mình hoặc những kỳ vọng mà bạn nghĩ rằng họ đặt cho bạn.
Bảo Nhiên (Theo CNBC)