Quen bị đối xử tệ, sợ tương lai bấp bênh, sợ ở một mình là những lý do hàng đầu khiến một người mãi không dám bước khỏi mối quan hệ tệ hại.
Gần đây cô Lisa, 35 tuổi, ở Mỹ, tìm đến nhà tâm lý học xin lời khuyên tại sao không thể kết thúc mối quan hệ độc hại với bạn trai tên Glenn. Cô cảm thấy anh ấy dường như vui vẻ khi cô gặp khó khăn. Anh thường lạnh lùng và xa cách, thậm chí thô lỗ với cô. Mỗi khi hai người xảy ra vấn đề, anh đổ lỗi do cô, bởi vì cô quá nhạy cảm.
“Tôi lo lắng nếu rời xa anh ấy, có lẽ sau đó anh ấy sẽ thay đổi, trưởng thành và người phụ nữ tiếp theo sẽ có được phiên bản tốt của Glenn, còn tôi thì bỏ lỡ”, cô chia sẻ một trong các lý do.
Tiến sĩ Jeffrey Bernstein, chuyên gia về mối quan hệ và nuôi dạy con, cho biết mọi người ở trong những mối quan hệ tồi tệ, thậm chí độc hại lâu vì ba lý do chính.
1. Đã quen bị đối xử tệ
Mọi người ở trong các mối quan hệ bế tắc, vì họ đánh mất giá trị cá nhân. Họ không nghĩ mình đáng giá hơn. Hơn nữa, bản thân họ tồn tại những điều kiện dễ bị đối xử tệ, đó là tự ti, cảm thấy thất bại, bất an. Trong khi, họ lại đánh giá cao những cái tích cực bề ngoài và không thường xuyên của đối tác.
2. Sợ tương lai mờ mịt
Có lẽ câu nói mở đầu bộ truyện nổi tiếng Star Trek đã nói lên tất cả: “Hãy mạnh dạn đi đến những nơi chưa từng có ai khai phá”.
Khi bạn ở trong một mối quan hệ độc hại và chẳng đi đến đâu, bạn có thể phải đấu tranh rất nhiều với đối tác. Thế nhưng bạn thà chịu trận, còn hơn phải chịu đựng được sự không chắc chắn và thay đổi khi thoát ra. Đây là lý do lớn khiến nhiều người ở trong các mối quan hệ có thể gây tổn thương. Bộ não đã sai lầm khi cố gắng bảo vệ chúng ta và chống lại những sự thay đổi khi đối mặt với điều chưa biết. Có thể bạn thấy an toàn hơn (dù không lành mạnh), để tránh đối mặt với sự mơ hồ trong tương lai.
3. Sợ một mình
Có một sự khác biệt giữa một mình và cảm giác cô đơn. Chẳng gì cô đơn hơn khi ở trong mối quan hệ với người tồi tệ. Tuy nhiên nhiều người trong chúng ta không thể chịu đựng cảm giác một mình. Chúng ta sợ sống một mình, ăn một mình, đi một mình, lúc ốm đau, buồn bã không có ai an ủi. Vì thế bạn cố gắng níu giữ mối quan hệ bế tắc với suy nghĩ “ít nhất thì mình vẫn có người bên cạnh”.
Nếu bạn đang ở trong mối quan hệ này, vui lòng ngừng tự đánh giá bản thân. Thay vào đó tự nhủ nên thoát khỏi và tập trung vào những điều tích cực sẽ nhận được khi ra đi. Các lợi ích đó bao gồm: Bạn sẽ bớt lo lắng và chán nản, có cơ hội tìm người tử tế hơn, lấy lại sự tự tôn, có nhiều thời gian và không gian cho mình…
Bảo Nhiên (Theo Psychologytoday)